‘Dầu thô của thế kỷ 21’ chính là lý do Trung Quốc ‘trói tay’ các đại gia công nghệ trong nước?

Vào hôm 25/11, Trung Quốc đã cho thành lập Sàn giao dịch dữ liệu quốc gia tại Thượng Hải sau khi ra mắt Luật bảo mật dữ liệu vào tháng 9 và theo các nhà quan sát, đây là động thái mới cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới muốn giành chiến thắng trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như kiềm hãm các công ty công nghệ tư nhân của nước này.

Yếu tố chính cấu thành nên sàn giao dịch dữ liệu quốc gia mà chính phủ Trung Quốc đang thực hiện chính là dữ liệu cá nhân - một loại tài sản mới - có thể giao dịch ngang hàng với các hàng hóa khác mà một số nhà kinh tế gọi nó là “dầu của thế kỷ 21”.

Cơ sở dữ liệu đầu tiên không như ý

Đầu năm nay, Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He đã có một phát biểu, qua đó khuyến khích các khu vực công lẫn tư nên tiến hành các giao dịch hoặc chia sẻ dữ liệu của họ, cái mà chính quyền nước này xác định là "tư liệu sản xuất quan trọng" trong nền kinh tế kỹ thuật số. Và vệc ra đời của Luật bảo mật dữ liệu mới của Trung Quốc là nhằm tạo ra các nguyên tắc cho việc chia sẻ dữ liệu của các công ty truyền thông kỹ thuật số.

shanghai-data-exchange.png
Lễ khai mạc Hội nghị trao đổi dữ liệu và hệ sinh thái dữ liệu toàn cầu tại Thượng Hải năm 2021. Ảnh: chinadep.com

Việc ban hành luật này cho thấy giới lãnh đạo của Trung Quốc ủng hộ các giao dịch dữ liệu sau một số thử nghiệm quy mô nhỏ và không đạt được như ý.

Sàn giao dịch dữ liệu Quý Dương được thành lập vào năm 2015 nhưng chưa bao giờ có được một lượng giao dịch đáng kể và Trung Quốc hy vọng rằng, việc ra mắt Sàn giao dịch dữ liệu Thượng Hải với sự hỗ trợ chính thức của nền tảng pháp lý mới thì việc trao đổi dữ liệu diễn ra thuận lợi hơn rất nhiều.

Các quan chức và học giả dự đoán rằng, việc trao đổi dữ liệu mới sẽ tạo ra những bước đột phá trong việc công nhận, định giá, truy xuất nguồn gốc, tiếp cận thị trường và quy định các sản phẩm chứa dữ liệu lớn.

Khi nhà toán học người Anh Clive Humby lần đầu tiên nói “dữ liệu là một loại dầu thô mới của thế kỷ 21” vào năm 2006, không nhiều người tưởng tượng rằng các dữ liệu lớn có thể được giao dịch như dầu thô.

Vào năm 2010, doanh nhân Trung Quốc Wang Sanshou, có biệt danh là “Vua dữ liệu”, đã thành lập “Nhóm thông tin dữ liệu lớn Jusfoun” khi ông nhìn thấy cơ hội ngày càng tăng trong lĩnh vực thu thập dữ liệu với số lượng lớn.

Năm 2013, Wang đề xuất thành lập một nền tảng để giao dịch dữ liệu do chính quyền địa phương và các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước (SOEs) quản lý.

Vào tháng 4/2015, Guiyang Data Exchange, sàn giao dịch dữ liệu lớn đầu tiên ở Trung Quốc được thành lập. Chính quyền tỉnh Quý Châu sở hữu 35% cổ phần thông qua ba doanh nghiệp nhà nước. Jusfoun Big Data là cổ đông lớn thứ hai với 22% cổ phần. Wang là giám đốc điều hành của sàn giao dịch này.

Vào ngày 17/6 cùng năm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Sở giao dịch dữ liệu Quý Dương và khen ngợi chính quyền địa phương đã có sáng kiến ​​phát triển ngành dữ liệu lớn.

Khi sàn giao dịch được thành lập, Wang cho biết ông kỳ vọng rằng doanh thu hàng ngày của nó sẽ đạt 10 tỷ nhân dân tệ (1,57 tỷ USD) trong vòng từ 3-5 năm tới. Sau đó, ông đã hạ mục tiêu xuống doanh thu hàng năm xuống còn 100 triệu nhân dân tệ nhưng vẫn không đạt được.

ai.png
Trao đổi dữ liệu mới của Trung Quốc có tiềm năng làm biến đổi nền kinh tế toàn cầu. Ảnh minh họa.

Thời báo Securities đưa tin vào tháng 7 năm nay rằng, doanh thu hàng năm của Sàn giao dịch dữ liệu Quý Dương là dưới 8 triệu nhân dân tệ vào năm 2019 và 5 triệu nhân dân tệ vào năm 2020. Trích dẫn từ các nhân viên cũ, tờ báo cho biết, sàn giao dịch nghĩ rằng họ có thể chỉ tính phí hoa hồng 10% trong các giao dịch nhưng nó đã đánh giá thấp những khó khăn trong việc nhận diện sản phẩm.

Một cựu quản lý cho biết, sàn giao dịch Quý Dương trong giai đoạn đầu đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ những người mua dữ liệu nhưng không thể hoàn thành chúng. Ông cho biết, sàn giao dịch đã từng nhận được một đơn đặt hàng trị giá 20 triệu nhân dân tệ nhưng nó liên quan đến giao dịch dữ liệu liên tỉnh mà sàn giao dịch không thể xử lý.

Thị trường bắt đầu gặp khó khăn về tài chính vào năm 2019 và được tiếp quản bởi Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước vào tháng 7 năm ngoái. Sau khi tái cơ cấu, sàn giao dịch đã trở lại hoạt động vào ngày 11/ 10 năm nay và ghi nhận giao dịch trị giá 2,25 triệu nhân dân tệ trong ngày giao dịch đầu tiên.

Nền tảng cho các giao dịch dữ liệu

Trong sáu năm qua, khoảng 30 nền tảng giao dịch dữ liệu lớn đã được thành lập ở Trung Quốc với ít nhất 7 trong số đó thuộc sở hữu của chính quyền địa phương. Những sản còn lại thuộc sở hữu tư nhân.

Vào ngày 31/3/2021, Cục Kinh tế và Công nghệ Thông tin thành phố Bắc Kinh, cùng với các phòng tài chính và thương mại của chính quyền thành phố, công ty tài chính nhà nước Beijing Financial Holdings Group, đã ra mắt Sàn giao dịch Dữ liệu lớn Quốc tế Bắc Kinh.

Phó Thị trưởng Bắc Kinh Yin Yong cho biết, Sàn giao dịch là một phần của “cơ sở hạ tầng fintech” của Trung Quốc, sẽ tập trung vào việc phát triển thị trường giao dịch dữ liệu để giải phóng giá trị của dữ liệu như một yếu tố sản xuất.

Sàn giao dịch sẽ xây dựng một hệ sinh thái giao dịch sáng tạo bằng cách tập hợp nhiều bên bao gồm: nhà cung cấp nguồn dữ liệu, người tham gia thuật toán, người tham gia trang web, bên hỗ trợ kỹ thuật và bên dịch vụ giao dịch dữ liệu để thành lập Liên minh giao dịch dữ liệu quốc tế Bắc Kinh, Yin nói.

“Nếu mỗi tỉnh đều có nền tảng giao dịch dữ liệu lớn của riêng mình, thì mỗi thị trường sẽ hoạt động theo cách riêng, khiến lĩnh vực dữ liệu lớn của Trung Quốc khó phát triển”, Gao Xiaoyu, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Thông tin Công nghệ Điện tử có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết vào tháng Bảy.

“Đồng thời, nếu một số công ty thu thập một lượng lớn dữ liệu cá nhân mà không có một hệ thống hiệu quả để chia sẻ nó, thì 'độc quyền dữ liệu' sẽ được tạo ra,” Gao nói.

“Nếu các công ty này sử dụng sai dữ liệu của họ, điều đó sẽ làm tổn hại đến quyền riêng tư và quyền của người tiêu dùng, đồng thời có thể đe dọa an ninh quốc gia và làm chậm tăng trưởng kinh tế”.

china-xi-jinping-2021.jpg
Tập Cận Bình nói rằng dữ liệu là một yếu tố sản xuất mới, một nguồn lực cơ bản và là một lực lượng sản xuất quan trọng. Ảnh: AFP / Greg Baker

Chính quyền trung ương nên thành lập một trung tâm để quản lý tất cả các hoạt động dữ liệu địa phương và cho phép một số thành phố quan trọng thiết lập các cơ sở dữ liệu giao dịch, Huang Qifan, một giáo sư tại Đại học Fudan và là cựu thị trưởng Trùng Khánh, cho biết tại Hội nghị Thượng đỉnh Tài chính Thượng Hải vào ngày 24/10.

Đồng thời, vị giáo sư này còn cho biết thêm rằng, tất cả các sàn giao dịch này phải được sở hữu và quản lý bởi chính phủ hoặc các doanh nghiệp nhà nước.

Chính quyền thắt chặt quản lý dữ liệu đối với các đại gia công nghệ

Trong năm qua, Bắc Kinh đã thắt chặt các quy tắc trong lĩnh vực internet, thúc giục các công ty bao gồm Alibaba, Tencent, ByteDance và Didi bảo vệ an ninh mạng và ngăn họ tiết lộ dữ liệu ra nước ngoài.

Vào tháng 12/2017, ông Tập Cận Bình nói rằng “dữ liệu là một yếu tố sản xuất mới, một nguồn lực cơ bản và là một lực lượng sản xuất quan trọng”.

Vào ngày 31/10/2019, chính quyền Trung Quốc lần đầu tiên xem “dữ liệu” là yếu tố sản xuất, cùng với các yếu tố truyền thống bao gồm nhân lực, vốn, đất đai, kiến ​​thức, bí quyết và quản lý. Kể từ đó, thuật ngữ "các yếu tố dữ liệu", dùng để chỉ dữ liệu có giá trị kinh tế, đã thường xuyên được sử dụng trong các tuyên bố chính thức.

“Xã hội loài người đang bước vào một giai đoạn lịch sử mới với sự gia tăng nhanh chóng của năng suất kỹ thuật số”, Liu He nói trong bài phát biểu khai mạc qua video tại Hội chợ triển lãm ngành dữ liệu lớn quốc tế Trung Quốc ở Quý Châu vào ngày 26/ 5.

075_porzycki-didiphot210708_npmw3.jpg
Các công ty như Didi đã được yêu cầu bảo vệ an ninh mạng và đã bị ngăn chặn tiết lộ dữ liệu của họ ở nước ngoài. Ảnh: AFP / Jakub Porzycki / NurPhoto

“Dữ liệu lớn đang ảnh hưởng sâu sắc đến công nghệ toàn cầu, điều chỉnh cơ cấu công nghiệp và phát triển kinh tế, xã hội ”, ông nói thêm.

Liu cho rằng, Trung Quốc nên thiết lập một hệ thống xác định quyền sở hữu dữ liệu, khuyến khích giao dịch dữ liệu, sử dụng dữ liệu hợp lý, thúc đẩy cạnh tranh công bằng và phản đối độc quyền dữ liệu.

Vào ngày 10/6, Ủy ban thường vụ của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc đã thông qua Luật Bảo mật dữ liệu, có hiệu lực vào ngày 1/ 9. Theo luật, các nền tảng mạng xã hội phải hỗ trợ trao đổi dữ liệu người dùng giữa các ứng dụng nhắn khác nhau, cấm chặn truy cập đa nền tảng và chuyển tệp.

Các nền tảng Internet cũng phải chịu trách nhiệm quản lý bảo mật dữ liệu của các sản phẩm và dịch vụ của bên thứ ba. Bên cạnh đó, các công ty chuyển “dữ liệu cốt lõi” ra nước ngoài mà không có sự chấp thuận của chính quyền Trung Quốc sẽ bị phạt.

Vào ngày 14/11, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã bắt đầu cuộc tham vấn kéo dài một tháng về các Quy định sắp tới về Quản lý An ninh Dữ liệu Mạng nhằm cung cấp thêm hướng dẫn cho các nhà khai thác internet.

Ra mắt Sàn giao dịch dữ liệu Thượng Hải

Với các quy định được củng cố và kinh nghiệm trước đây của Sàn giao dịch dữ liệu Quý Dương, chính quyền Thượng Hải đã ra mắt sàn giao dịch dữ liệu của riêng mình vào ngày 25/11. Chính quyền Thượng Hải cho biết, đây là cơ sở dữ liệu lớn đầu tiên được xây dựng ở cấp quốc gia. Trong ngày giao dịch đầu tiên, 20 sản phẩm đã được giao dịch.

Trong số đó, Công ty Điện lực Thành phố Thượng Hải đã bán một sản phẩm theo dõi mức tiêu thụ điện của các công ty ở Thượng Hải cho Ngân hàng Công thương Trung Quốc để ngân hàng này sử dụng nó để kiểm tra tình hình tín dụng của người vay.

Chi nhánh tại Thượng Hải của China Telecom đã tạo ra một sản phẩm với dữ liệu về nhu cầu viễn thông và bán nó cho một nhà nghiên cứu thuộc sở hữu nhà nước, họ sẽ sử dụng dữ liệu này để đánh giá giá của các trang web thương mại.

Ngoài ra, ChinaScope (Shanghai) Ltd, một công ty phân tích dữ liệu, được cho là đã nhận được hạn mức tín dụng từ một ngân hàng sau khi họ tiết lộ một sản phẩm có thể vẽ biểu đồ cho biết mối quan hệ giữa hai công ty ngẫu nhiên.

Huang Lihua, Phó giám đốc Phòng thí nghiệm Kỹ thuật Quốc gia về Phân phối và Trao đổi Dữ liệu số lượng lớn, một đơn vị do chính phủ trung ương điều hành và được thành vào năm 2017, cho biết: “Dữ liệu sẽ chỉ có giá trị nếu nó có thể được sử dụng bởi các bên bên ngoài trong khi dữ liệu không thể phân phối hoặc trao đổi không được gọi là 'yếu tố dữ liệu'”

Ngoài ra, Huang còn nói thêm rằng, nhiều nền tảng hiện có đang phải đối mặt với những thách thức trong việc công nhận, định giá, truy xuất nguồn gốc, tiếp cận thị trường và quy định các sản phẩm dữ liệu lớn. Bà cho biết, việc thành lập Sàn giao dịch dữ liệu Thượng Hải sẽ giúp giải quyết những vấn đề này và xây dựng một trung tâm dữ liệu lớn ở thành phố thương mại lớn nhất Trung Quốc trong vòng 3-5 năm tới.

Fu Xiao, một trợ lý giáo sư tại Khoa Kinh tế Công nghiệp thuộc Đại học Fudan cho biết, các công ty internet lớn mở rộng kinh doanh không phải là một ý tưởng tồi nhưng vấn đề là họ thiếu động lực để tạo ra các sản phẩm dữ liệu lớn mới, có xu hướng sử dụng lợi thế của mình để độc chiếm thị trường. Fu kỳ vọng rằng Sàn giao dịch dữ liệu Thượng Hải sẽ giúp phá vỡ thế độc quyền của những gã khổng lồ internet.

NGUYỄN MINH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương