Các ấn phẩm, sản phẩm có "đường lưỡi bò" vì đâu lọt lướt?
"Đường lưỡi bò" hay "đường chín đoạn" là khái niệm mà Bắc Kinh dựa vào để tuyên bố quyền lịch sử đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Thế nhưng, yêu sách này hoàn toàn trái với luật quốc tế và trên thực tế, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016 đã ra phán quyết khẳng định tuyên bố của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý. Đó là lý do vì sao cần phải xử lý và kiểm tra chặt chẽ các vấn đề có liên quan đến việc tuyên truyền và phổ biến hình ảnh phi pháp này.
Thời gian qua, việc để lọt các sản phẩm, ấn phẩm có "đường lưỡi bò" khiến vấn đề kiểm duyệt một lần nữa được đặt ra.
Cách đây nửa tháng sinh viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ phát hiện trong giáo trình Đọc sơ cấp 1 “Developing Chinese”, bài 7 (trang 36) và cuốn “Elementary Listening Course” in bản đồ Trung Quốc có "đường lưỡi bò". Còn cuốn giáo trình “Tổng quan về Trung Quốc” (Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh, 2018” đang được trường này sử dụng làm giáo trình cũng gọi 2 quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam là quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa), quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa).
Giáo trình tiếng Trung của Đại học Kinh doanh và Công Nghệ in hình lưỡi bò |
Sau khi nhận được thông tin trường Đại học Kinh doanh và Công Nghệ đã yêu cầu khoa tiếng Trung và tiếng Nhật của trường thu hồi tài liệu có in "đường lưỡi bò" mà khoa này sử dụng để giảng dạy cho sinh viên trong thời gian qua. Số sách in ấn và photo cho sinh viên được thông báo là tổng số sách photo copy bán cho sinh viên là 716 cuốn, đến nay đã thu hồi là hơn 900 cuốn. Được biết hai cuốn giáo trình này có hai loại giáo trình là tự biên soạn và sách ngữ pháp lấy của Bắc Kinh, hai cuốn này được mang về từ Trung Quốc.
Trước đó, ngày 17/10, tại trụ ở phường Bến Nghé (Quận 1, TP.HCM), Công ty du lịch Saigontourist phát hành để giới thiệu ấn phẩm "hình ảnh Trương Gia Giới". Đây là ấn phẩm nhập khẩu không kinh doanh, mặc dù vậy, ấn phẩm này có sử dụng hình ảnh "đường lưỡi bò" thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia Việt Nam, vi phạm nội dung cấm trong hoạt động xuất bản. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về sự việc, ông Nguyễn Đức Thọ - Chánh Thanh tra Sở TT-TT TP.HCM ký Quyết định số 30/QĐ-XPVPHC về xử phạt vi phạm hành chính doanh nghiệp này với số tiền lên 50 triệu đồng.
Saigontourist phát hành để giới thiệu ấn phẩm "hình ảnh Trương Gia Giới". |
Sự việc gây ồn ào nhất trong văn hóa giải trí có liên quan đến đường lưỡi bò chính là việc CGV cho phát hành bộ phim hoạt hình Everest: Người tuyết bé nhỏ (Abominable), trong đó có xuất hiện hình ảnh đường lưỡi bò. Phim ra rạp từ ngày 4/10. Tác phẩm kể về hành trình cô bé Trung Quốc đưa một người tuyết về đỉnh Everest. Trong một cảnh của phim, nhiều khán giả đã phát hiện ra tấm bản đồ trong nhà Yi, được cho có "đường lưỡi bò".
CGV - đơn vị phát hành phim - bị phạt hành chính vì nhập khẩu phim có hình ảnh vi phạm pháp luật. Ngoài 170 triệu đồng tiền phạt, CGV phải tiêu hủy tang vật - các file phim kỹ thuật số đã nhập, tài liệu quảng cáo phim. Ngày 13/10, CGV cũng rút phim, trailer, lịch chiếu, hình ảnh quảng bá khỏi hệ thống và xin lỗi vì sự cố. Ở Cục Điện ảnh, Quyền Cục trưởng Nguyễn Thị Thu Hà bị giáng chức thành Phó Cục trưởng.
Everest: Người tuyết bé nhỏ có hình ảnh đường lưỡi bò. |
Ngày 23-10, Công ty TNHH Ôtô VW Việt Nam đã đưa xe Volkswagen Touareg CR745J đến Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn tham dự Triển lãm ôtô Việt Nam 2019. Tại triển lãm, lúc 16h ngày 27-10, công ty đã phát hiện sự việc bản đồ định vị trên xe Volkswagen Touareg CR745J có “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc. Ngay sau đó, công ty đã tắt chức năng định vị và đưa xe về kho của công ty tại Khu công nghiệp Cát Lái, quận 2, TP.HCM.
Thiết bị điều hướng của xe Volkswagen Touareg CR745J có phát hình lưỡi bò. |
Theo Tổng cục Hải quan, đơn vị nhập khẩu chiếc xe này là Công ty TNHH ôtô Thế giới sẽ bị phạt tiền 40-60 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động 6-9 tháng. Đơn vị trưng bày chiếc ôtô vi phạm này là Công ty TNHH Ôtô VW Việt Nam sẽ bị phạt tiền 20-40 triệu đồng.
Cần phải rà soát và kiểm tra chặt chẽ
Chia sẻ về vấn đề giáo trình in hình ảnh đường lưỡi bò được đưa vào giảng dạy, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông - TTTT) khẳng định, nếu làm đúng theo quy tắc bất kỳ loại sách nào nhập về Việt Nam phải xin phép. Chính vì vậy khi nắm được thông tin thông báo, Cục đã ngay lập tức kiểm tra rà soát lại nguồn sách nhập.
Bên cạnh đó PGS. TS Trần Văn Hải, nguyên Trưởng khoa Xuất bản (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, những cuốn sách có in bản sao mà không thông qua xuất bản là sách lậu. Các sách in ở Việt Nam phải đảm bào các yếu tố là có giấy phép của Cục Xuất Bản phát hành, đảm bảo không có danh mục sai sót hoặc nội dung trái với Luật xuất bản. Sách nhập khẩu về để bán, in, nhân bản phải thông qua nhà xuất bản chuyên trách.
"Đường lưỡi bò" của Trung Quốc là phi lý |
Ông Hà Đức Trụ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho biết theo thông tin ông nắm bắt được thì từ cách đây 2 năm, lãnh đạo khoa tiếng Trung và tiếng Nhật của trường đã phải thu hồi 1 cuốn tài liệu khoa này sử dụng để giảng dạy có in bản đồ "đường lưỡi bò". Tuy nhiên, gần đây lại có phản ánh là khoa vẫn sử dụng tài liệu này, cho nên ban giám hiệu nhà trường đã họp và đề nghị khoa có phương án thu hồi và tiêu hủy toàn bộ tài liệu đó.
Đối với sản phẩm là phim ảnh, thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an chia sẻ: “Dù là phim, vẫn có yếu tố chính trị nên việc kiểm duyệt không bao giờ được buông lỏng. Việc công chiếu một bộ phim tại Việt Nam mà lại có "đường lưỡi bò" là không thể chấp nhận được, dù chỉ vài giây thoáng qua, bởi đây là chủ quyền thiêng liêng của dân tộc”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoàng Việt nhắc lại sự cố tương tự xảy ra năm 2018 với phim Điệp vụ Biển Đỏ và cho rằng khâu kiểm duyệt phim của chúng ta đang có vấn đề. Ông Việt nhấn mạnh, việc có lỗi nhưng không bao giờ nhận ra lỗi nên không thể khắc phục được, vẫn để sự cố tương tự xảy ra. “Hội đồng duyệt phim phải nhận ra lỗi và nghiêm khắc kỷ luật mới có thể tránh được sự cố đáng tiếc về sau, nếu không việc này sẽ còn lặp lại”, ông Việt nói.
Với xe ô tô có bản đồ sai trong thiết bị điều hướng cũng đã nhận được các hình thức xử phạt cần thiết, tuy nhiên khi nói về vấn đề này, theo thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh nhấn mạnh: “Sai sót ở chỗ nào thì xem xét trách nhiệm, tuỳ theo quy định của pháp luật để xử lý. Chắc chắn phải tiêu hủy bản đồ "đường lưỡi bò", đó là nguyên tắc”.
Rò ràng cần có sự quản lý chặt chẽ hơn với các sản phẩm ngoại nhập để tránh những sai lầm tương tự. Ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết các các sản phẩm hàng hóa khi lưu hành trong nước đều có cơ quan chức năng quản lý, bước đầu tiên cần phải thu hồi các sản phẩm có bản đồ phi pháp, sau đó tính đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng.
Ông nhấn mạnh: “Trách nhiệm đến đâu phải xử lý đến đó. Đây là bài học để tăng cường công tác quản lý các sản phẩm hàng hóa”.
Yêu cầu kiểm điểm cá nhân vụ để lọt “đường lưỡi bò” trong phim Everest trước 17/10
Bộ trưởng yêu cầu xử lý, kiểm điểm sai sót các cá nhân, tập thể liên quan trong việc thẩm định, cấp phép phổ biến bộ phim Everest: Người tuyết bé nhỏ.