Địa điểm chôn cất 100.000 năm tuổi hé lộ manh mối đầu tiên về nghi lễ tâm linh của loài người

Phát hiện này làm dấy lên những nhận định mới về sự phát triển tư duy tâm linh từ rất sớm của loài người.

Một địa điểm chôn cất người có niên đại khoảng 100.000 năm vừa được các nhà khảo cổ Israel phát hiện tại hang Tinshemet, miền Trung nước này. Đây được đánh giá là một trong những địa điểm an táng cổ xưa nhất từng được tìm thấy trên thế giới.

Các nhà khảo cổ học làm việc tại hang Tinshemet ở miền Trung Israel.
Các nhà khảo cổ học làm việc tại hang Tinshemet ở miền Trung Israel.

Phát hiện này được công bố bởi nhóm nghiên cứu do Giáo sư Yossi Zaidner, giảng viên Đại học Hebrew ở Jerusalem, đồng chủ trì. Kể từ khi bắt đầu khai quật vào năm 2016, nhóm khảo cổ đã tìm thấy hài cốt của 5 cá thể người thuộc thời Trung kỳ Đồ Đá Cũ (khoảng 100.000–110.000 năm trước), trong đó có hai bộ xương gần như nguyên vẹn cùng 3 hộp sọ và nhiều mảnh xương, răng rải rác.

Đặc biệt, các bộ hài cốt được phát hiện trong các hố chôn nhỏ, sắp xếp cẩn thận trong tư thế thai nhi – một tư thế chôn cất điển hình trong thời tiền sử, gợi ý về các nghi lễ có tính biểu tượng.

Xung quanh các hài cốt là những hiện vật bí ẩn như sỏi bazan, xương động vật và hơn 500 mảnh đất son đỏ và cam – sắc tố khoáng được tạo ra bằng cách nung đá giàu sắt, thường được sử dụng trong trang trí hoặc các nghi lễ tượng trưng. Những hiện vật này được cho là mang từ nơi cách địa điểm khai quật hàng trăm km càng làm tăng giả thuyết về nghi lễ tưởng niệm người chết phức tạp.

Địa điểm chôn cất 100.000 năm tuổi hé lộ manh mối đầu tiên về nghi lễ tâm linh của loài người

“Lần đầu tiên, chúng tôi có bằng chứng rõ ràng cho thấy con người ở thời kỳ này đã có hành vi mang tính nghi lễ trong việc chôn cất đồng loại”, Giáo sư Zaidner nhận định. “Đây là dấu mốc quan trọng trong sự tiến hóa nhận thức và tinh thần của loài người”.

Hang Tinshemet nằm ẩn sâu trong một khu vực đồi núi, nơi có nhiều dơi ăn quả sinh sống. Theo Giáo sư Zaidner, đây là một trong ba đến bốn địa điểm khảo cổ quan trọng nhất thế giới để nghiên cứu về hành vi và tiến hóa của loài người thời kỳ đồ đá.

Phát hiện này cũng bổ sung và làm sáng tỏ thêm cho các nghiên cứu trước đó tại 2 hang động từng được khai quật từ gần một thế kỷ trước là hang Skhul và Qafzeh ở miền Bắc Israel. Nhờ công nghệ khai quật hiện đại, các nhà khảo cổ tại Tinshemet đã có thể xác định rõ hơn niên đại và tái khẳng định rằng các nghi lễ chôn cất đã trở nên phổ biến từ thời kỳ này.

Phần hài cốt của loài người thời kỳ đầu được tìm thấy trong hang Tinshemet
Phần hài cốt của loài người thời kỳ đầu được tìm thấy trong hang Tinshemet

Một số giả thuyết từng được nêu rằng loài người cổ Homo naledi ở Nam Phi có thể đã chôn người chết cách đây 200.000 năm, tuy nhiên còn gây tranh cãi do thiếu bằng chứng xác thực.

Việc khai quật tại hang Tinshemet dự kiến sẽ được tiếp tục trong nhiều năm tới. Hiện tại, việc phát hiện một hộp sọ người đang dần lộ ra từ lớp trầm tích đá ở cửa hang hứa hẹn có thể viết lại hiểu biết của nhân loại về lịch sử tư duy tâm linh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết sẽ phải mất nhiều năm để khai quật hoàn toàn và phân tích đầy đủ tất cả dữ liệu từ khu vực này.

TM (theo AP)

Phát hiện xác ướp cổ niên đại hàng nghìn năm giữa lòng thủ đô Peru

Phát hiện xác ướp cổ niên đại hàng nghìn năm giữa lòng thủ đô Peru

Một xác ướp có niên đại hàng nghìn năm tuổi, thuộc nền văn hóa Chancay tiền Inca, đã được phát hiện tại khu vực phía Bắc thủ đô Lima trong quá trình thi công hệ thống ống dẫn khí đốt.