Theo hãng thông tấn DW (Đức), trong khi việc tìm kiếm những người mất tích sau trận động đất kinh hoàng ở Maroc vẫn tiếp tục và công việc dọn dẹp mới chỉ bắt đầu, trên mạng xã hội đã lan truyền những video được cho là quay những sự kiện kỳ lạ liên quan đến trận động đất.
"Điều này xảy ra trước trận động đất ở Maroc", một người dùng trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) khẳng định. Anh ta đã đăng một đoạn video có nội dung cho thấy "một loại máy bay không người lái nào đó" phóng những tia sét và "một chùm tia laser khổng lồ" xuống phía dưới.
Một video khác, đã được xem hơn 200.000 lần, cho thấy bầu trời ở Marrakech “trước khi trận động đất xảy ra”. Các video này cũng đang được chia sẻ trên TikTok.
Các video giả mạo đang lan truyền trên mạng xã hội về vụ động đất ở Maroc. Nguồn: DW |
DW: Video giả mạo
Theo DW, các video này không liên quan gì đến trận động đất ở Maroc và do đó không thể chứng minh giả thuyết về "vũ khí laser" được sử dụng để gây ra trận động đất. Rõ ràng là các video này cũ hơn thời điểm xảy ra trận động đất và có một số nội dung không chân thực.
Đoạn video được cho là có cảnh một tia sét này đã được đăng nhiều lần và có thể bắt nguồn từ năm 2020, rất lâu trước khi xảy ra trận động đất ở Maroc. Nhiều cư dân mạng và cả chính tác giả cũng bình luận một cách mỉa mai về đoạn video được cho là quay cảnh một cuộc tấn công của người ngoài hành tinh.
Theo DW, video này được tạo ra bởi một nhà sáng tạo nội dung có tên Jay Hideaway. Người này đã sử dụng công nghệ VFX để chèn các hiệu ứng hình ảnh giả lập vào video thực. Kênh TikTok của anh ấy có nhiều video do máy tính tạo ra được cho là chiếu những cảnh tận thế, chẳng hạn như các cuộc tấn công của thây ma hoặc vụ nổ của Mặt trăng. Trên tài khoản của mình, Jay Hideaway gọi các tác phẩm của mình là "nghệ thuật video tận thế".
Đoạn video thứ hai, được cho là quay bầu trời Marrakech ở Maroc ngay trước trận động đất, cũng không phải là bằng chứng về hiện tượng kỳ lạ trên không trung liên quan đến thảm họa. Bằng việc sử dụng công cụ tìm kiếm hình ảnh ngược, biên tập viên DW đã tìm thấy các cuộc thảo luận về vật thể bay không xác định (UFO) trong bài đăng trên các diễn đàn. Theo Google, bài đăng cũ nhất trên diễn đàn Reddit có chứa video nói trên có từ tháng 11/2021, tức là gần hai năm trước.
Vũ khí bị xuyên tạc thành nguyên nhân gây ra thiên tai
Theo DW, đây không phải là lần đầu tiên việc sử dụng vũ khí bí ẩn được cho là nguyên nhân gây ra thảm họa thiên nhiên. Sau thảm họa cháy rừng ở Hawaii vào tháng 8, các hình ảnh lan truyền trên mạng cho thấy một cuộc tấn công sử dụng vũ khí năng lượng định hướng (DEW) trên đảo Maui. Nhưng quá trình xác minh thực tế của DW cho thấy, đây không phải là vũ khí năng lượng định hướng của tương lai, mà là một vụ phóng tên lửa từ năm 2018.
Các video về bằng chứng được cho là có sự can thiệp của con người cũng được lan truyền sau trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 2. Ánh sáng trên bầu trời được cho là bằng chứng cho thấy trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ được gây ra bởi một chương trình quân sự cũ của Mỹ có tên là Chương trình nghiên cứu cực quang hoạt động tần số cao (HAARP). Xác minh thực tế cho thấy, cái gọi là ánh sáng động đất có lẽ là nguyên nhân gây ra hiện tượng nhấp nháy trong video. Ánh sáng động đất được tạo ra bởi các tia lửa điện trên đường dây điện khi chúng bị gián đoạn do chấn động của trận động đất.
Các chuyên gia cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà thiên tai nói riêng luôn là nơi sản sinh ra những nghi ngờ mơ hồ và thuyết âm mưu.
Lena Frischlich - nhà tâm lý học truyền thông tại Đại học Ludwig Maximilian ở Munich (Đức) và là chuyên gia về thuyết âm mưu - nói với DW rằng: “Thời kỳ khủng hoảng luôn là thời kỳ hoàng kim của những thông tin xuyên tạc, thông tin sai lệch và những âm mưu hoang đường. Điều đó đơn giản liên quan đến thực tế là bản thân tình hình thông tin rất không rõ ràng.”
Người dân Maroc trong cảnh 'màn trời chiều đất' sau trận động đất kinh hoàng
Số nạn nhân tử vong vì thảm họa động đất kinh hoàng nhất ở Maroc trong 6 thập kỷ qua hiện đã vượt mốc 2.100 người và dự kiến sẽ tiếp tục tăng.