Đừng tiếc tiền cho 6 món đồ này vì mua càng sớm, càng chóng giàu!

Tiêu tiền cho 6 thứ này cũng chính là đang đầu tư cho tương lai, đừng tiếc.

Chúng ta đã nói quá nhiều về những khoản chi vô nghĩa, những món đồ được mang về nhà trong một phút cao hứng "ném tiền qua cửa sổ". Vậy còn những thứ cần thiết, đáng đồng tiền bát gạo trên hành trình làm giàu, phát triển bản thân thì sao? Có những món đồ vô nghĩa, hẳn cũng phải có những món đồ giá trị, xứng đáng rước về chứ nhỉ?

Trong một video lên sóng vào dịp đầu xuân năm mới, Sophie - Chủ kênh Youtube Clever Girls có hơn 38,5 nghìn người theo dõi, đã chia sẻ 6 món đồ mà bạn nên mua càng sớm càng tốt, nếu muốn hành trình phát triển bản thân và làm giàu của mình bớt chông chênh, trắc trở. Cùng thử xem những món đồ đó là gì nhé!

Sophie - Chủ kênh Youtube Clever Girls
Sophie - Chủ kênh Youtube Clever Girls

1 - Sách về đầu tư, tài chính

Sophie cho rằng ở những năm đầu 20, chúng ta không có gì ngoài thời gian và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Đầu tư nguồn năng lượng này cho việc tìm tòi, học hỏi là vô cùng cần thiết. Sách chính là một trong những cách trau dồi kiến thức, giúp bạn có thêm những kiến thức cơ bản về đầu tư, tài chính.

Sử dụng google hay các công cụ tra cứu, tìm kiếm online cũng có thể giúp bạn làm được việc này. Nhưng nếu bạn cảm thấy "ngộp" trong hằng hà sa số những kết quả hiện lên màn hình sau 1 cú click chuột, chẳng biết đâu mới là thông tin đúng, vậy thì hãy mua sách, đọc sách vì tất cả thông tin đều đã được chọn lọc, kiểm chứng trước khi "nằm trong tay" bạn.

Bỏ tiền ra để mua sách là không bao giờ lãng phí nếu bạn chịu đọc hết những cuốn sách mình đã mang về nhà!

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sophie cũng gợi ý một số cuốn sách về tâm lý học tài chính, tư duy tài chính cho người mới tìm hiểu kiến thức về lĩnh vực này: Cha giàu, cha nghèo; Bí mật tư duy triệu phú; Người giàu nhất thành Babylon; Tiền đẻ ra tiền,...

2 - Chứng chỉ quỹ ETF

Sophie cho rằng cách tư duy "đợi có đủ kiến thức mới bắt đầu đầu tư" có phần sai lầm, vì với người mới đầu tư, đến chính các bạn cũng không dám chắc về "độ vững kiến thức của mình". Trong trường hợp này, Sophie khuyên bạn hãy cứ đầu tư vào chứng chỉ quỹ ETF với phương pháp đầu tư DCA.

Nếu bạn chưa biết: Quỹ ETF là một danh mục đầu tư bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa như nguyên liệu thô, năng lượng, hoặc các chỉ số chứng khoán. Các ETF phổ biến thường tập trung vào các lĩnh vực như tài chính, công nghệ, năng lượng, và y tế. Việc này giúp các nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục của họ và tham gia vào những ngành có tiềm năng tăng trưởng.

Còn DCA là viết tắt của từ Dollar Cost Averaging, được hiểu là chiến lược bình quân giá hay chiến lược trung bình giá. Theo đó, nguồn vốn được chia nhỏ đầu tư ở những thời điểm khác nhau thay vì mua tất cả cùng một lúc. Cách này giúp giảm thiểu sự ảnh hưởng của biến động thị trường tới danh mục đầu tư.

3 - Khóa học đào tạo một kỹ năng giúp bạn kiếm được thêm được tiền

Sophie nhấn mạnh rằng việc đi học ở những năm 20 nên là học thêm những kỹ năng mới, hỗ trợ cho việc thăng tiến và kiếm tiền trong lĩnh vực nghề nghiệp mà bạn đang theo đuổi. Sau này, khi thu nhập đã đa dạng và ổn định hơn, bạn mới nên đầu tư cho việc học những thứ mình thích (như học đàn, học hát, học múa,...).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Việc đầu tư tiền để mua khóa học vừa giúp bạn làm đẹp CV so với những "ứng viên đối thủ" khác khi đi xin việc, vừa giúp bạn có cơ hội kiếm thêm được những công việc tay trái.

Vì thế, đừng tiếc thời gian và tiền bạc để đi học, và cũng đừng bao giờ nghĩ rằng hết 4-5 năm ở trường Đại học đồng nghĩa với sự nghiệp học hành đã kết thúc.

4 - Đi du lịch có kế hoạch

Như thế nào là đi du lịch có kế hoạch? Sophie giải thích khái niệm này rất đơn giản: Bạn đã lên kế hoạch chuẩn bị tài chính và quản lý/sắp xếp thời gian cho chuyến đi; thay vì hứng lên là đi, chẳng cần quan tâm tới lịch học, lịch làm việc hay thậm chí là cả việc đi chơi xong, lấy tiền đâu ra để sống.

Viêc đi du lịch có kế hoạch không chỉ giúp bạn tăng trải nghiệm, vốn sống khi còn trẻ, mà cũng là một cách rất hữu ích để cải thiện kỹ năng quản lý tài chính và thời gian. Đôi khi, đây còn là động lực làm việc, tiết kiệm.

5 - Đầu tư cho góc làm việc cá nhân

Sophie thú nhận trước đây, cô làm việc theo cảm hứng và hoàn toàn không có một góc làm việc đúng nghĩa. Đây là điều mà Sophie gọi là "một sai lầm rất lớn".

Cô cho biết việc đầu tư bàn, ghế, kệ đỡ laptop, đèn - Những món đồ rất cơ bản này lại có tác động không nhỏ tới hiệu suất và cảm hứng làm việc. Chưa kể, việc đầu tư ghế ngồi và những dụng cụ hỗ trợ bản thân ngồi làm việc đúng tư thế còn giúp bạn tránh bị đau mỏi cổ vai gáy - căn bệnh điển hình của dân văn phòng.

6 - Mua quần áo để đi làm

Thoạt nghe, lời khuyên này của Sophie có vẻ mâu thuẫn vì phần lớn người trẻ đều có thói quen tiêu tiền không tiếc cho quần áo. Tuy nhiên, cô khẳng định việc mua quần áo để đi làm và mua quần áo là hai việc hoàn toàn khác nhau.

"Mình không khuyến khích các bạn mua quần áo vô tội vạ, nhưng ít nhất, bạn cũng nên có 2-3 bộ đồ chỉn chu, lịch sự để mặc đi làm. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà mọi người đều chú trọng vào ngoại hình. Đương nhiên, ngoại hình không thể thay thế năng lực và thái độ làm việc, nhưng nếu bạn đã có 2 vế sau và cố gắng giữ vẻ ngoài chỉn chu, gọn gàng và lịch sử, mọi người sẽ có thiện cảm và ấn tượng tốt hơn với bạn"- Sophie giải thích.

Ngọc Linh

18 tuổi nghỉ học vì mông lung, 6 năm sau thành thủ khoa đầu ra ĐH và sự xuất hiện vỡ òa của 'nhà đầu tư thiên thần'

18 tuổi nghỉ học vì mông lung, 6 năm sau thành thủ khoa đầu ra ĐH và sự xuất hiện vỡ òa của "nhà đầu tư thiên thần"

Với vài phút ngắn ngủi khi đứng trên bục tuyên thệ, chàng trai này đã khiến cả trường phải xúc động vì những chia sẻ chân thành của mình.