Đừng vui mừng nữa! Hành vi này của trẻ là dấu hiệu của sự thiếu yêu thương, không phải EQ cao

Trẻ con vẫn là trẻ con, chúng sẽ có những hành động đặc trưng cho lứa tuổi của mình.

* Bài viết của Tiểu Quyên - một blogger chuyên về nuôi dạy con ở Trung Quốc.

Trên một diễn đàn gần đây, có một người cha vô cùng tự hào nói rằng con trai của mình rất hiểu chuyện, EQ (chỉ số cảm xúc) đặc biệt cao. Mới chỉ 3 tuổi mà bé có thể tự mặc quần áo, mang giày, dọn dẹp nhà cửa, gặp người là lễ phép, không bao giờ yêu cầu linh tinh, cũng không cáu giận. Chỉ cần là điều cha mẹ yêu cầu, bé hầu như đều làm được.

Các bậc phụ huynh khác đều tỏ ra ngạc nhiên và đồng loạt hỏi bí quyết làm sao để nuôi dạy được con như vậy. Người cha mỉm cười giải thích rằng thực ra mình cũng không làm gì đặc biệt, chỉ là không nuông chiều con, không làm hư bé.

Khi con yêu cầu gì mà cha mẹ không đồng ý, thì họ kiên quyết từ chối, dù bé có khóc lóc hay giận dỗi thế nào cũng không thay đổi. Nếu bé không thể thực hiện những yêu cầu, cha mẹ sẽ lạnh lùng không đáp lại, cho đến khi bé làm được thì thôi.

Sau khi nghe những lời này, tôi không khỏi thở dài. Đây không phải là biểu hiện của EQ cao mà rõ ràng là sự thiếu thốn tình yêu thương ở trẻ.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Là cha mẹ, ai cũng mong con mình hiểu chuyện, không cứng đầu, không quậy phá, biết lễ phép, chu đáo và có lòng yêu thương. Tuy nhiên, những phẩm chất tốt đẹp đó cần phải được hình thành một cách tự nhiên từ bên trong đứa trẻ, chứ không phải là kết quả của sự "ép buộc" từ bên ngoài.

Bởi vì, những đứa trẻ hành xử "hiểu chuyện", "ngoan ngoãn" chỉ đơn thuần là biểu hiện của việc thiếu tình yêu thương và cảm giác an toàn.

Vì sao "ngoan ngoãn" không phải là biểu hiện của EQ cao?

Hãy xem một ví dụ đơn giản.

Giả sử bạn và con ngồi đối diện nhau trên hai chiếc ghế, giữa hai người là một đống đồ vật. Bạn yêu cầu con nói ra những đồ vật mà mình có thể nhìn thấy. Thì câu trả lời của con hầu như chỉ là những thứ con thấy, chứ không phải những thứ bạn nhìn thấy.

Lý do là vì, theo tâm lý học, trước khi trẻ lên 6 tuổi, chúng thường hành xử từ góc nhìn "tôi". Con không chú ý đến góc nhìn của người khác mà chỉ nghĩ về bản thân mình.

Sau khi lên 6 tuổi, khi não bộ của trẻ phát triển đủ khả năng suy nghĩ trừu tượng, trẻ mới dần hiểu được quan điểm và tình huống của người khác, và học được khả năng "đặt mình vào vị trí người khác".

Vậy nên, nếu một đứa trẻ chỉ mới vài tuổi mà đã "ngoan ngoãn", "hiểu chuyện", "nghe lời", "không làm phiền", thì đó không phải là do EQ cao, mà chỉ đơn giản là trẻ thiếu tình yêu và mong muốn nhận được sự quan tâm từ cha mẹ.

Trẻ con cần tình yêu và sự công nhận của cha mẹ

Trẻ em, từ bản năng, rất cần sự công nhận và tình yêu của cha mẹ. Chỉ khi đó, với sự yếu ớt và khả năng hạn chế, chúng mới phát triển cảm giác an toàn đối với thế giới xung quanh.

Tôi từng thấy một bà mẹ ở công viên, suốt ngày lặp đi lặp lại câu: "Nếu con lại làm thế, mẹ sẽ không thích con nữa đâu". Con trai muốn chơi bóng, nhưng mẹ chỉ muốn bé chơi cầu trượt. Khi bé phản đối, bà mẹ lại nói: "Nếu con không nghe lời, mẹ sẽ không thích con nữa đâu".

Con trai tranh giành đồ chơi với bạn khác, mẹ lại nói: "Nếu con tiếp tục như vậy, con sẽ không được chơi nữa".  Mẹ gần như luôn đi theo con, miệng thì không ngừng lặp lại những câu như vậy. Điều này khiến cậu bé trở nên rụt rè, mọi hành động của cậu đều dựa vào yêu cầu của mẹ.

Đây không phải là "biết nhường nhịn" hay "lễ phép", mà là do cậu bé lo sợ mình không được yêu thương và cố gắng làm vừa lòng mẹ.

Vậy EQ cao thực sự là gì?

Chúng ta vẫn thường nói về "EQ cao", nhưng thực chất, EQ cao là gì?

Dưới đây là bốn khả năng được các sách nghiên cứu tâm lý chỉ ra:

Khả năng nhận diện cảm xúc: Đó là khả năng nhận ra cảm xúc của người khác thông qua những biểu cảm nhỏ nhất. Ví dụ, bạn có thể nhận ra người khác đang giận dữ, cảm thấy tủi thân hay đang khó chịu chỉ qua một cái nhíu mày hay một cử chỉ nhỏ.

Khả năng nhận biết cảm xúc của bản thân: Là khi trẻ biết nhận thức cảm xúc của chính mình, chẳng hạn như khi bị người khác bắt nạt, trẻ có thể nhận ra mình đang tức giận, sợ hãi hay lo lắng. Tuy nhiên, một số trẻ khi bị bắt nạt lại không nhận ra cảm giác của mình và có thể im lặng chịu đựng hoặc tự thuyết phục rằng mình không nên sợ hãi.

Khả năng hiểu cảm xúc của người khác: Ví dụ, nếu mẹ nổi giận vì con không mặc áo khoác, một người có EQ cao sẽ hiểu được rằng mẹ không chỉ giận, mà có thể mẹ đang lo lắng con sẽ bị cảm lạnh hoặc sợ người khác chỉ trích. Mọi hành động của mẹ đều xuất phát từ tình cảm và sự quan tâm.

Khả năng quản lý cảm xúc: Đó là khả năng nhận thức và biểu lộ cảm xúc phù hợp với hoàn cảnh. Chúng ta không thể cứ cười ầm ĩ khi sếp đang phát biểu trong cuộc họp, hay không thể ngồi khóc lóc giữa phố. EQ cao giúp chúng ta điều tiết cảm xúc một cách thích hợp.

Làm thế nào để giúp trẻ phát triển chỉ số cảm xúc?

Bạn có thể thắc mắc, nếu trẻ khóc thì có nên để bé khóc tự nhiên không? Nếu bé quậy phá, chúng ta có nên bỏ mặc không?

Không phải vậy.

Dù trẻ chưa phát triển được khả năng quản lý cảm xúc, nhưng cha mẹ có thể giúp trẻ học cách điều tiết cảm xúc của mình.

Ví dụ, khi trẻ giận dỗi, chúng ta có thể cho bé khóc một chút, rồi sau đó giải thích cho bé hiểu lý do và cách hành động đúng đắn. Đó chính là cách giúp trẻ học cách kiểm soát cảm xúc và nhìn nhận vấn đề từ góc nhìn của người khác. Khi trẻ có cảm xúc, hãy để bé thể hiện, và khi bé đã nguôi ngoai, chúng ta có thể cùng bé nói chuyện và hướng dẫn bé cách xử lý cảm xúc của mình.

Ngược lại, nếu chúng ta dùng những lời như "Mẹ không thích con nữa", hay "Mẹ sẽ không yêu con nữa", sẽ chỉ khiến trẻ cảm thấy sợ hãi, lo lắng và phải cố gắng "làm vừa lòng" cha mẹ.

Trẻ con vẫn là trẻ con, chúng sẽ có những hành động đặc trưng cho lứa tuổi của mình. Nếu quá chú trọng vào việc bé "nghe lời" và "biết điều", sẽ khiến trẻ dễ trở nên nhút nhát và thiếu tự tin. 

Bạn đã bao giờ gặp những đứa trẻ "hiểu chuyện đến mức khiến người khác phải đau lòng" chưa?

Hiểu Đan

Dạy con lễ phép, kính trên nhường dưới

Dạy con lễ phép, kính trên nhường dưới

Việc dạy con lễ phép, kính trên nhường dưới là một phần quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ. Đây là một truyền thống tốt đẹp của văn hóa.