G7 bác bỏ yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng RUB của Nga

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck hôm thứ Hai (28/3) cho biết, Nhóm 7 nền kinh tế lớn (G7) đã bác bỏ yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc trả tiền khí đốt bằng đồng RUB.

Ông Putin đã đưa ra tuyên bố, các nước "không thân thiện" sẽ phải trả tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng tiền của chính Nga.

“Tất cả các bộ trưởng [năng lượng] của G7 đều nhất trí rằng, đây là sự vi phạm đơn phương và rõ ràng đối với các thỏa thuận hiện có”, Habeck cho biết.

60953863_303.jpg
G7 bác bỏ yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng RUB của Nga.

"Thanh toán bằng đồng RUB là không thể chấp nhận được và ... chúng tôi kêu gọi các công ty liên quan không tuân thủ yêu cầu của Putin", ông Habeck nói thêm.

Đồng thời, ông Habeck cũng cho rằng, TT Putin đã "dựa lưng vào tường" khi đưa ra yêu cầu như vậy.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng nhấn mạnh rằng, "các hợp đồng mà chúng tôi biết đều coi đồng euro là đồng tiền thanh toán và các công ty sẽ thanh toán theo hợp đồng mà họ đã ký".

Cho đến nay, các quốc gia và công ty châu Âu đã thanh toán cho nguồn cung cấp khí đốt bằng đồng euro và đô la Mỹ.

Trước đó, vào hôm thứ Hai, các phóng viên đã hỏi người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov liệu Nga có thể cắt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho các khách hàng châu Âu nếu họ từ chối yêu cầu. "Chúng tôi rõ ràng sẽ không cung cấp khí đốt miễn phí", Peskov nói.

Peskov nói: “Trong hoàn cảnh của chúng tôi, việc tham gia từ thiện cho châu Âu là điều khó khả thi”.

Hãng thông tấn Nga RIA dẫn lời nghị sĩ Nga Ivan Abramov cho biết, việc G7 từ chối thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng RUB sẽ dẫn đến việc nước này sẽ ngừng cung cấp.

Bên cạnh hành động ăn miếng trả miếng sau khi phương Tây áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt đối với Nga, việc yêu cần thanh toán bằng đồng RUB của Moscow cũng được coi là một nỗ lực để cứu nền kinh tế của nước này.

Các nhà kinh tế tin rằng, quyết định này có thể giúp đồng tiền Nga đang gặp khó khăn, vốn đã giảm giá hàng loạt sau khi Nga tấn công Ukraina, sau đó là các lệnh trừng phạt của phương Tây.

EU tìm cách cắt giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga

Với việc châu Âu nhận được 40% khí đốt và 25% dầu từ Nga, các nước châu Âu đang chạy đua để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng của Nga do cuộc chiến ở Ukraina.

Đức, quốc gia đặc biệt phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga, phải tìm các giải pháp thay thế, ông Habeck nói.

Mặc dù Đức đã nhanh chóng đình chỉ dự án đường ống dẫn khí khổng lồ Nord Stream 2 để đáp trả cuộc chiến của Putin ở Ukraina, nhưng chính phủ Đức cho đến nay vẫn phản đối những lời kêu gọi tẩy chay hoàn toàn dầu khí của Nga.

Hôm thứ Sáu, Mỹ và EU đã công bố mối quan hệ đối tác mới nhằm khiến châu Âu bớt phụ thuộc hơn vào khí đốt của Nga. Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ cung cấp 15 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho EU trong năm nay.

NGUYỄN MINH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương