Gặp người phụ nữ Việt băng qua 4 sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới: Năm 2024, tôi sẽ chạy 500km dưới trời tuyết - 30 độ C

Nhà vô địch ba môn phối hợp siêu bền Swiss Ultra 2022 - Thanh Vũ - đang hướng tới mục tiêu trở thành người Việt Nam bền bỉ nhất thế giới.

VĐV Thanh Vũ, tên thật là Vũ Phương Thanh, sinh năm 1990 tại Hà Nội. Cô được biết đến là nhà vô địch giải ba môn phối hợp siêu bền Swiss Ultra 2022. Thanh Vũ đã chinh phục chặng đua 2.260km, trong đó bơi (38km), đạp xe (1.800km), chạy bộ (422km) với thành tích 328 giờ 27 phút 55 giây. Cô cũng là người phụ nữ châu Á đầu tiên chinh phục giải chạy siêu bền đa chặng 1.000km qua bốn sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới ở châu Á, châu Phi, Nam Mỹ, châu Nam Cực vào năm 2016.

Bảy năm qua, cô gái Việt Nam đã chinh phục hàng chục giải siêu marathon khắc nghiệt ở nhiều nơi trên thế giới như: chạy 522km qua sa mạc ở Úc năm 2017, chạy 230km ở Bắc Cực năm 2018, chạy 273km qua dãy Canyon tại Bắc Mỹ... Những con số và thành tích cứ ngỡ thuộc về những "siêu nhân" lại được Thanh Vũ chinh phục bằng sự can trường, bền bỉ vô cùng. Bước sang năm 2024, Thanh Vũ sẽ tiếp tục kế hoạch chinh phục những giới hạn mới, với những thử thách cực đại nghe thôi cũng đã mỏi gối tê tay...

Chào Thanh Vũ, đầu tiên bạn có thể chia sẻ về những điều bản thân mình đã làm được trong năm 2023 vừa qua?

Năm 2023 vừa qua, có một số giải mình muốn tham gia nhưng đột xuất phải rời kế hoạch lại. Có những giải mình đã chuẩn bị trong nhiều năm để được chứng nhận đủ tiêu chuẩn tham gia nhưng nó không diễn ra như trong kế hoạch, mình khá thất vọng. Nhưng, với mình, những giải sức bền không phải thứ phải đạt được để được vinh danh hay giống như KPI. Mình đã đủ dũng cảm gác lại những kế hoạch, đủ sự kiên nhẫn để theo đuổi nó trong những năm tiếp theo.

Nhưng tình cờ năm nay mình lại có cơ hội tham gia vào giải ba môn phối hợp Ironman World Championship Kona với cự lý không phải thế mạnh của mình. Khi đến Kona, mình còn nhiều tự ti, mặc cảm là mình không đủ tốt, không đủ trình độ, không cùng đăng cấp, mình yếu kém, mình có mặt ở đây hoàn toàn do tình cờ, may mắn. Trải nghiệm đó dạy cho mình, đôi khi sẽ có những cơ hội mà mình nghĩ mình không xứng đáng nhưng nó đến rồi, mình phải làm sao để vượt qua sự tự ti, chấp nhận đối mặt và tiến lên với sự dũng cảm và quyết tâm cũng như vị tha cho bản thân.

Mình được truyền cảm hứng rất nhiều ở Kona, nơi mà cự ly Ironman tiêu chuẩn là bơi 3,8km, đạp xe 180km, và chạy bộ 42km. Nó là 1/10 giải mình tham gia trong năm 2022 nhưng lại là đỉnh cao của đỉnh cao, tốc độ và kỹ năng của mọi người rất cao. Mình được thấy những người phụ nữ ở độ tuổi 50-54, sắp chuyển qua nhóm tuổi mới là 55-59 nhưng còn rất phong độ, rất khỏe mạnh và nhìn họ cực kỳ thích. Họ là những hình tượng mình mong muốn đạt tới. Trong 20 năm nữa, đến khi mình bằng tuổi họ, mình cũng sẽ mạnh mẽ như vậy, sẽ có sức khỏe, độ dẻo dai và ngày càng cải thiện bản thân như vậy.

Gặp người phụ nữ Việt băng qua 4 sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới: Năm 2024, tôi sẽ chạy 500km dưới trời tuyết - 30 độ C

Sang năm 2024, Thanh Vũ sẽ tiếp tục hoàn thành những chặng đua chưa thực hiện được chứ? 

Trong năm 2024, mình sẽ tham gia 3 giải đặc biệt. Đầu tháng 3 này, giải đầu tiên là cự ly 500km ở vùng Bắc Thụy Điển, nằm ở vùng Bắc Cực và nhiệt độ sẽ khoảng -30 độ C. Lần trước, mình đã cố gắng và rất vất vả để đến được Thuỵ Điển, vượt qua khó khăn vô vàn ngay sau thời điểm dịch Covid nhưng khi chuẩn bị vào giải, mình bị Covid, phải cách ly. Đó là trải nghiệm buồn, thất vọng lớn. Năm nay mình sẽ trở lại. 

Giải này rất đáng sợ vì mình phải kéo theo một cái xe đạp địa hình với tất cả những dụng cụ, phụ kiện. Như túi ngủ ở nhiệt độ - 30 độ C đó, nó rất lớn và cồng kềnh, thường sẽ không để vừa trong ba lô. Những giải trước đây, mình có thể ngủ ở nhà gỗ là chỗ dừng chân tạm trú cho người đi săn mùa đông, hay trong lều của người dân tộc hay trạm tiếp nước. Những giải trước, trạm tiếp nước sẽ chỉ cách nhau chỉ khoảng 10-15 km, dài nhất cũng là 33km thôi. Nhưng giải này, các điểm tiếp nước cách nhau phải 30-50km, tức là gần một ngày mình mới đến được trạm tiếp nước và mình sẽ phải tự túc sắp xếp ngủ ngoài trời, tự dựng lều, dựng chỗ ngủ, tự nấu tuyết để đun lấy nước để nấu đồ ăn. Nói chung giải đòi hỏi nhiều kỹ năng sinh tồn hơn và là thách thức lớn. Giải kéo dài 500km trong vòng 10 ngày và diễn ra liên tục chứ không phải là những giải đa chặng như trước đây. 

Sau đó có giải Everest Marathon là giải marathon cao nhất thế giới. Nó bắt đầu từ trạm thứ nhất ở Everest, xuất phát từ Everest base camp và sau đó chạy xuống. Mình sẽ mất khoảng 7,8 ngày để tracking lên điểm bắt đầu và cần một số ngày để quen với không khí loãng và thời tiết ở trên đó. Nó là giải nho nhỏ thú vị giữa năm để mình có cơ hội giao lưu với bạn bè trong giới. Đến tháng 9, mình sẽ tham gia một ultra triathlon, là giải ba môn phối hợp siêu cự ly nữa ở Ý, giải cũng là lần đầu tiên được tổ chức ở cự ly này, một cự ly rất rất dài, dài nhất trong lịch sử 3 môn phối hợp.

Gặp người phụ nữ Việt băng qua 4 sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới: Năm 2024, tôi sẽ chạy 500km dưới trời tuyết - 30 độ C

Thời điểm tết có lẽ là quãng nghỉ tuyệt vời để chuẩn bị cho một năm mới vô cùng bận rộn phải không?

Năm ngoái, tất cả những ngày nghỉ lễ, thay vì đi chơi, mình đã sử dụng làm những giải mô phòng để tự tập, mô phỏng cự ly, mô phỏng việc cơ thể phải trải qua cự ly dài như vậy. Một năm tiếp tục với những việc luyện tập chuẩn bị như vậy khá là căng, mình cũng không thực sự có ngày lễ ngày nghỉ nữa. Nhưng mình làm sao biến thời gian luyện tập đó thành niềm vui. Mình đang cố gắng để duy trì được việc đòi hỏi cam kết về thời gian cao như vậy. 

Đối với mình, tết đến, điều mình mong muốn nhất là thời gian ngưng lại để mình có thể dành thời gian cho bản thân và cho việc luyện tập để mình mô phòng bài tập như ở trong giải, luyện kéo theo xe đựng đồ gần 40 kg trên tuyết. Một trong những cách phổ biến để luyện tập việc đó là mình có thể kéo bánh xe khoảng hơn chục cân, ma sát với đường nhựa cao hơn, làm cho cảm giác dù có mười mấy cân thôi nhưng nó nặng và nó khó hơn rất nhiều.

Trước đây, khi chuẩn bị vào giải đúng đợt tết năm 2022, mình cũng đã thử và tập luyện trong dịp Tết ấy. Nó là một khoảng thời gian thuận lợi, đường phố vắng vẻ, mình có thể an toàn tạo ra một môi trường mô phỏng tốt. Hơn nữa, mình có thời gian để tập trung tập luyện thoải mái hơn vì trước đó bận rộn với công việc cuối năm. Điều đó không có nghĩa là Tết của mình không vui hay bị buồn chán. Vì thực ra mình có được niềm vui từ rất nhiều những thứ nhỏ nhỏ thôi. Ví dụ như sau một ngày dài tập luyện, có thời gian để chơi, trò chuyện với bạn bè. Không cần làm gì đặc biệt, không cần đi chơi đâu đặc biệt. Đôi khi chỉ là có những cuộc trò chuyện thư giãn, mình cũng cảm thấy cực kỳ vui rồi.

Tết với một VĐV như Thanh Vũ có phần khác biệt...

Mình nghĩ các VĐV sẽ luyện tập cũng như chế độ ăn uống kỷ luật ngày tết, có thể thời gian, khối lượng luyện tập hay chế độ khắt khe có thể sẽ giảm đi một chút nhưng nói chung cần sự cân bằng. Với mình, do đặc thù của giải sắp diễn ra, là nơi thời tiết rất lạnh nên may mắn là mình không phải quá khắt khe với việc ăn uống. Bây giờ mình còn đang cần phải tăng cân một chút, có thêm chút mỡ để dễ dàng hơn cho việc trải qua 500km trong thời tiết - 30 độ C như vậy.

Tết là phải đẹp, phải vui, vẻ đẹp của nữ VĐV trong mắt Thanh Vũ đến từ những khía cạnh nào?

Ngày Tết là dịp để mọi người ăn diện đẹp nhất, vừa tự hào vì những gì mình đã trải qua trong năm vừa rồi, vừa đón một năm mới nhiều hứa hẹn, ai cũng muốn đẹp. Mình nghĩ không có sự khác biệt giữa ngành này hay ngành kia mà nó tùy thuộc vào cá tính và tính cách của mỗi người thôi. Mình thấy nữ VĐV thực ra họ đơn giản nhưng họ rất đẹp vì trong lúc luyện tập và thi đấu, thần thái của họ rất mạnh mẽ, tự tin. Nên dù có makeup hay không, làm đẹp hay không, mình vẫn thấy được vẻ đẹp tự tin của họ toát lên rất rõ ràng. 

Gặp người phụ nữ Việt băng qua 4 sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới: Năm 2024, tôi sẽ chạy 500km dưới trời tuyết - 30 độ C

Sau những năm tháng bền bỉ với thể thao, Thanh Vũ có hướng tới hình mẫu người phụ nữ chăm sóc gia đình?

Hồi mình mới ra trường, mình đầu tư thời gian nấu ăn rất nhiều vào mỗi cuối tuần nhưng sau này mình nghĩ đơn giản hơn, những làm không tốt hay không phải điểm mạnh của mình thì thôi, tập trung vào những cái mình cần làm. Bây giờ, nói vào bếp, mình rất vụng và cảm thấy như nơi đó không thuộc về mình.

Cuộc sống hiện đại, quan điểm đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm nó đã không còn đúng nữa. Làm thế nào để cân bằng, để người phụ nữ không phải quá tải giữa việc nhà, chăm con và làm việc kiếm tiền; làm thế nào để có cuộc sống gia đình thoải mái, cả đàn ông hay phụ nữ đều phải nhìn lại vai trò, phải đánh giá lại giá trị mà mình đem lại để cân bằng, để tránh được việc quá tải, bị đuối sức và kiệt quệ. 

Vậy còn quan điểm của Thanh Vũ về việc xây dựng gia đình?

Mình đã từng nhận được câu hỏi bao giờ lấy chồng vào mỗi dịp Tết đến, thực ra câu hỏi này có lẽ mọi người cũng bớt hỏi mình rồi. Việc chọn được một người có thể làm chỗ dựa, là nền tảng, đồng thời là bệ phóng, là người hỗ trợ, người đồng hành cho mình trong cuộc sống rất khó. Rất khó để vững vàng được với nhau cả đời. 

Mình cảm thấy muộn, chậm mà vững thì luôn tốt hơn. Nếu như cuộc sống của mình vẫn ổn định về mặt tinh thần và mọi mặt thì mình có quyền lựa chọn để tìm đúng người. Không có gì phải vội vàng. Việc sinh con, tất nhiên là phụ nữ cũng có giới hạn nhưng bây giờ rất may mắn là trong thời điểm hiện tại, số lượng người trữ trứng tăng đến 30%, điều đó khá dễ hiểu. Cuộc sống bây giờ, nếu mình có sự lựa chọn nằm trong tầm tay, mình có quyền để cân nhắc.

Mình vẫn nhớ đợt đi thăm các bạn trẻ ở miền núi cao Điện Biên khi mình mới tham gia những giải chạy dài gây quỹ để tặng học bổng cho các em miền núi. Có rất nhiều trường hợp các em mới có 14, 15, 16 tuổi mà gia đình bắt các em phải đi lấy chồng dù các em vẫn muốn học tiếp. Mọi người nghĩ ở tuổi đó, 14, 15, 16 mà, chưa lấy được chồng là có cái gì đấy sai sai hay là chắc bị làm sao. Các em phải đấu tranh rất nhiều để được lựa chọn đi học tiếp. Thực ra, chúng ta có rất nhiều thứ chúng ta coi là hiển nhiên, là điều kiện luôn có nhưng mà không phải vậy. Nên nếu mình có quyền lựa chọn, nếu mình có may mắn được lựa chọn, mình nên tận dụng nó một cách tốt nhất mà không cần gồng ép quá. Mình hiểu bản thân mình, hiểu điều gì tốt cho mình thì mình nghĩ đó là một đặc ân của thế hệ bây giờ. 

Cảm ơn Thanh Vũ về cuộc trò chuyện! Chúc bạn có thể thuận lợi chinh phục được những chặng đua bền bỉ theo đúng kế hoạch đã vạch ra trong năm 2024!

Phạm Huyền

Đạo diễn tiết lộ cảm hứng để viết câu chuyện Giấc mơ Việt Nam cùng 4 VĐV cực cảm xúc tại Gala WeChoice Awards

Đạo diễn tiết lộ cảm hứng để viết câu chuyện Giấc mơ Việt Nam cùng 4 VĐV cực cảm xúc tại Gala WeChoice Awards

Dương Mai Việt Anh - Tổng đạo diễn Gala WeChoice Awards tiết lộ ý tưởng để tạo nên một tiết mục cực hay của 4 VĐV thể thao.