Nhìn lại một năm vừa qua, dù cố gắng nghĩ tích cực thế nào, chúng ta cũng không thể phủ nhận sự thật rằng hai từ “khó khăn” đã bao trùm lên mọi ngành nghề. Chưa bao giờ khái niệm “bão sa thải”, “lay off” lại được bàn luận nhiều đến thế .
Ngay cả các tập đoàn lớn như Amazon, Microsoft,... cũng không thoát khỏi làn sóng cắt giảm nhân sự. Ở Trung Quốc - đất nước tỉ dân, những người nhận lương ngàn đô mỗi tháng cũng điêu đứng vì bị giảm lương, tăng giờ làm cùng khối lượng công việc.
Giữa muôn vàn khó khăn ấy của thị trường lao động, genZ - thế hệ những bạn trẻ tốt nghiệp đại học vào năm 2021-2022 là một trong những đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất khi xin việc. Dễ hiểu thôi, kinh nghiệm chưa có nhiều, lại phải cạnh tranh với những “đàn anh đàn chị” cũng đang tìm đường quay trở lại thị trường lao động sau khi bị cho nghỉ việc, khó khăn với genZ tăng gấp đôi.
Họ đã xoay sở ra sao, đã làm thế nào để vượt qua được thử thách đầu đời này? Những chia sẻ của Phi Nhung và Ngọc Thảo - 2 genZ chính hiệu sẽ cho chúng ta những góc nhìn thú vị, đôi khi phải “wow” vì sự quyết tâm của những người vốn luôn bị xem là “trẻ người non dạ”.
Thất nghiệp không phải là nỗi lo lớn nhất!
Xuất phát điểm của Phi Nhung và Ngọc Thảo không giống nhau, một người theo đuổi con đường nghệ thuật với chiếc đàn piano, ôm giấc mơ trở thành “chị giáo”; một người theo đuổi ngành học có phần “khô khan” hơn, nhìn đâu cũng thấy hằng hà sa số công thức hóa học. Nhưng cả hai bạn trẻ này đều có một điểm chung: Chưa bao giờ thất nghiệp quá 1 tháng, đã kiếm được tiền từ thời còn là sinh viên.
“Học Dược thì làm thêm kiểu gì được là câu hỏi mà mọi người thường hỏi em. Thật ra nghề nào cũng cũng thế, đều cần làm nội dung, làm marketing. Em đã làm content cho ngành Dược từ năm 2 đại học rồi. Ngoài việc kiếm thêm chút tiền, công việc này còn giúp CV của em lúc ra trường dày dặn hẳn ra” - Ngọc Thảo chia sẻ.
Còn với Phi Nhung, ngay từ cuối năm nhất đại học, bạn trẻ này đã đi dạy gia sư Piano cho các bạn nhỏ hoặc cộng tác với những trung tâm chuyên dạy Piano.
“Em xác định sau này mình sẽ làm giáo viên dạy piano nên từ lúc chân ướt chân ráo ra thủ đô nhập học, em đã muốn đi dạy gia sư rồi, mà cũng phải đến cuối năm nhất mới tìm được lớp. Đương nhiên sinh viên đi làm là để kiếm thêm tiền nhưng với em, công việc này còn là nền tảng cho định hướng nghề nghiệp của em về sau nữa, chứ không chỉ đơn thuần là kiếm tiền” - Phi Nhung khẳng định.
Đều đi làm từ sớm, công việc làm thêm còn rất đúng chuyên ngành theo học, thế nên cũng chẳng có gì lạ khi cả Nhung và Thảo đều chưa bao giờ thất nghiệp quá 1 tháng. Với 2 genZ này, thất nghiệp không phải là nỗi lo hay nỗi sợ lớn nhất.
Đam mê không đủ nuôi sống bản thân, việc thì có nhưng môi trường lại chẳng hợp…
May mắn không bị mắc kẹt trong cảnh “tìm mãi chẳng có chỗ nào nhận” như nhiều bạn trẻ mới ra trường khác, nhưng Phi Nhung và Ngọc Thảo cũng không thoát được những đắn đo, giằng xé khi nhắc đến hai từ “đam mê”, hay việc nên hay không nên từ bỏ môi trường làm việc “độc hại” để tìm được “bến đỗ” phù hợp hơn.
“Em mới xin nghỉ việc cách đây hơn 1 tháng. Vào cái lúc mà mọi người đều khuyên nhau nên cố làm cho hết năm để còn nhận thưởng Tết ấy, em cũng đắn đo mãi nhưng vẫn quyết định nghỉ việc dù chưa tìm được việc khác. Em nghĩ công việc cũng quan trọng nhưng nếu môi trường không phù hợp, đi làm sẽ mệt mỏi lắm. Hơn nữa, em cũng có chút tiền tiết kiệm từ thời sinh viên rồi nên em chẳng ngại gì không nghỉ dù cũng có chút lo lắng sẽ thất nghiệp từ năm cũ vắt sang năm mới.
Nhưng may là em chỉ thất nghiệp 3 tuần, mới tiêu lẹm vào 1/4 tiền tiết kiệm thôi là đã tìm được việc mới rồi” - Ngọc Thảo hồ hởi khoe.
Còn với Phi Nhung, điều khiến bạn trẻ này “dằn vặt” mãi chính là suy nghĩ có nên theo đuổi đam mê hay không. Dù chưa từng thất nghiệp nhưng việc đi dạy gia sư không đủ để Phi Nhung trang trải chi phí thuê nhà, sinh hoạt ở Hà Nội. Từng có một khoảng thời gian, cô bạn này vừa đi dạy, vừa bán quần áo online để kiếm thêm tiền, đa dạng hóa nguồn thu.
“Em vừa đi dạy, vừa bán hàng online phải hơn 1 năm đấy. Ngày nào em cũng long nhong ngoài đường từ sáng đến tối vì lịch dạy gia sư rải đều khắp Hà Nội, tối về lại lao vào chụp ảnh bán hàng. Cứ quay cuồng như vậy một thời gian dài, em thấy kiệt sức kinh khủng, đi dạy cũng không còn nhiều nhiệt huyết như ban đầu, bán hàng cũng không ra nhiều đơn” - Phi Nhung chia sẻ.
Cuối cùng, quyết định của cô bạn 2k này chính là tạm gác lại đam mê với phím đàn để tập trung cho công việc buôn bán online, cụ thể là bán máy làm sữa hạt và đồ gia dụng trên nền tảng TikTok.
“Ban đầu không ai ủng hộ quyết định này của em cả. Bán hàng thì phải có vốn nhập hàng, em cũng đi vay người thân nhưng không ai tin em làm được nên cũng không dám cho vay. Thế là em vét sạch tiền tiết kiệm, được hơn 30 triệu, nhập hàng. Ban đầu cũng chật vật lắm, TikTok của em có 10 followers thôi nhưng em vẫn kiên nhẫn livestream. Sau gần 5 tháng, giờ em có 10k followers rồi. Thu nhập 1 tháng của em bây giờ gấp 3 lần thu nhập hồi còn đi dạy”.
Hết tháng 12 năm nay là tròn 10 tháng Phi Nhung gác lại đam mê dạy học để dấn thân vào con đường buôn bán. Sau gần 1 năm, cô bạn cho biết bản thân đã tự mua được xe máy với hình thức trả góp và hiện tại đã trả xong. Ngoài ra, Nhung còn tự mua được cho mình một gói bảo hiểm “phòng thân” và có một khoản tiết kiệm nho nhỏ, đủ để trang trải khi không may bị ốm hoặc điện thoại, xe cộ lăn ra hỏng.
Tạm kết
Ngọc Thảo và Phi Nhung chỉ là 2 trong rất nhiều bạn trẻ genZ ngoài kia. Chia sẻ của 2 bạn chắc chắn không đủ để chúng ta đưa ra bất kỳ nhận định nào về cả một thế hệ người trẻ, nhưng ít nhất, những gì mà Nhung và Thảo chia sẻ về một năm của mình đã truyền tải một thông điệp tích cực: Chỉ cần biết xây dựng nền tảng cho chính mình và dám quyết tâm tìm điều phù hợp nhất, thay vì chấp nhận những thứ “nửa vời”, rồi chúng ta sẽ ổn cả thôi.
Thứ phù hợp với Ngọc Thảo chính là một môi trường làm việc khiến bạn thoải mái trong suốt 8-10 tiếng. Thứ phù hợp với Phi Nhung chính là một công việc có thể chưa đúng với đam mê nhưng lại giúp bạn xây dựng nền tảng tài chính ổn định.
Ở độ 23, 24, nhờ dám đánh đổi, cả Phi Nhung và Ngọc Thảo đều đang hài lòng với những quyết định của chính mình.
Những điều mà GenZ nên biết về lợi ích của thanh toán không tiền mặt!
Ngày nay, thanh toán không dùng tiền mặt đang dần trở thành xu thế tất yếu.