Giá xăng dầu được dự báo tăng trong kỳ điều chỉnh đầu tiên của năm 2023

Dự báo giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh sắp tới được dự báo sẽ tăng do ảnh hưởng giá xăng dầu thế giới.

Trong kỳ điều hành sắp tới có thể rơi vào ngày 3/1/2023, do kỳ điều hành rơi vào đúng tết Dương lịch và ngày 2/1/2023 nghỉ bù. Nhưng nhiều dự báo giá xăng dầu sẽ tăng do ảnh hưởng thị trường thế giới.

Theo đó, giá xăng dầu kết thúc năm với mức tăng gần 3%. Giá dầu Brent tăng lên mức 85,91 USD/thùng, dầu WTI vượt 80 USD/thùng. 

Cụ thể trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022, giá dầu Brent tăng 2,45 USD, tương đương 2,94%, lên mức 85,91 USD/thùng. Tương tự, giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,86 USD, tương đương 3,37%, lên mức 80,26 USD/thùng.

Giá dầu có xu hướng tăng nhẹ chủ yếu do đồng USD suy yếu và kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu phục hồi, dù với mức độ chậm hơn.

Bên cạnh đó, giá dầu còn được thúc đẩy bởi lo ngại tình trạng gián đoạn nguồn cung dầu khi Nga chuẩn bị bước vào thực hiện kế hoạch cắt giảm sản lượng từ 5-7% vào đầu năm tới.

Tại kỳ điều hành trước đó, giá bán lẻ xăng dầu E5 RON 92 không quá 19.975 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 20.707 đồng/lít; dầu diesel không quá 21.601 đồng/lít; dầu hỏa không quá 21.836 đồng/lít và dầu mazut không quá 12.863 đồng/kg.

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2023. Theo đó, từ 1/1/2023, thuế bảo vệ môi trường với xăng là 2.000 đồng một lít, dầu diesel, dầu nhờn, dầu mazut và mỡ nhờn là 1.000 đồng/lít; dầu hoả 600 đồng/lít.

Riêng thuế với nhiên liệu bay, hiện vẫn còn khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nên đề nghị áp mức sàn trong biểu thuế, là 1.000 đồng một lít. Thời hạn áp dụng từ 1/1/2023 đến hết 31/12/2023.

Từ đầu năm 2024, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn sẽ trở lại mức trần của biểu khung thuế, tức xăng là 4.000 đồng một lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 2.000 đồng mỗi lít; dầu hỏa là 1.000 đồng; mỡ nhờn là 2.000 đồng một kg.

Về tình hình xăng dầu thế giới, trong năm 2022, giá dầu đã tăng vọt do nguồn cung khan hiếm trong bối cảnh chiến sự chưa có hồi kết ở Ukraine. Giá dầu Brent đã đạt đỉnh 139,13 USD/thùng hồi cuối tháng 3, mức cao nhất kể từ năm 2008 sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Giá dầu sau đó đã nhanh chóng hạ nhiệt trong suốt nửa cuối năm do nhu cầu yếu hơn từ nhà nhập khẩu hàng đầu Trung Quốc, các ngân hàng trung ương tăng lãi suất liên tục, và lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.

2022 là một năm đặc biệt đối với thị trường hàng hóa, với những rủi ro về nguồn cung khiến biến động giá gia tăng và giá cả leo thang. Nhiều chuyên gia dự báo năm tới sẽ là một năm không chắc chắn với rất nhiều biến động. 

Trong năm nay, giá dầu Brent đã tăng khoảng 10%, sau khi tăng 50% vào năm 2021; dầu WTI của Mỹ tăng gần 7%, sau khi tăng 55% vào năm trước đó. Cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn này đã giảm mạnh giá vào năm 2020 do đại dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu nhiên liệu.

Trong năm 2023, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục thận trọng, cảnh giác với việc tăng lãi suất và suy thoái kinh tế có thể xảy ra.

Theo dự báo của các nhà kinh tế và nhà phân tích, giá dầu Brent sẽ được duy trì ở mức trung bình 89,37 USD/thùng trong năm 2023. Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ được dự đoán sẽ ở mức trung bình 84,84 USD/thùng.

Nguồn cung sẽ thắt chặt hơn trong năm tới do mức tiêu thụ nhiên liệu giảm bởi môi trường kinh tế xấu đi.

Năm tới, nhu cầu dầu của Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi do nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới này nới lỏng chính sách "Không Covid". Tuy nhiên, số ca nhiễm Covid-19 vẫn gia tăng đang làm lu mờ hy vọng về việc tăng mua dầu ngay lập tức ở quốc gia Đông Á.

HÀ MY