Theo dữ liệu cập nhật mới nhất từ Bộ Công Thương cho thấy, trên thị trường Singapore, giá xăng A92 là 85,6 USD/thùng, xăng A95 là 89,7 USD/thùng, dầu diesel 120 USD/thùng.
Trên thị trường thế giới, lúc 7h ngày 20/12, trên Oilprice , giá dầu WTI của Mỹ giao dịch ở mức 75,67 USD/thùng, tăng 0,6%; dầu Brent giao dịch mức 79,80 USD/thùng, tăng 0,9%. Mức giá này thấp hơn so với bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 1 và 12/12 (mức 84,04 USD/thùng với xăng RON92, mức 88,44 USD/thùng với xăng RON95 và mức 111,284 USD/thùng với dầu diesel).
Với mức giá trên, xăng dầu trong trước dự kiến về dưới mức 20.000 đồng/lít. Mức giảm tùy thuộc vào việc trích lập Quỹ Bình ổn giá (BOG), nếu trích nhiều, khả năng giá sẽ đi ngang. Như vậy có thể đây là mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.
Tại kỳ điều hành trước đó, Liên bộ Công Thương điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo hướng giảm đồng loạt tất cả các mặt hàng. Theo đó, giá xăng E5 RON92 giảm 1.330 đồng/lít, bán ra ở mức 20.340 đồng/lít, giá xăng RON95 giảm 1.500 đồng/lít, bán ra ở mức 21.200 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu diesel giảm 1.543 đồng/lít, còn 21.670 đồng/lít. Đây là lần thứ ba liên tiếp giá xăng trong nước giảm. Tính từ đầu năm đến nay, mặt hàng xăng đã trải qua 33 lần điều chỉnh giá, trong đó có 17 lần tăng và 15 lần giảm, một lần giữ giá.
Nhiều ý kiến cho rằng, giá xăng dầu có thể giảm xuống dưới 20.000 đồng/lít nếu nhà điều hành không trích lập Quỹ Bình ổn giá (BOG).
Liên quan quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG), Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Bộ Tài chính và nhiều chuyên gia kinh tế trước đó đề xuất bỏ quy định về lập, sử dụng quỹ BOG để xăng dầu được hoạt động theo cơ chế thị trường. Nhiều người kỳ vọng việc bỏ Quỹ BOG sẽ giúp nâng cao tính minh bạch công khai trong điều hành giá, tạo cơ hội cạnh tranh bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối.
Tại dự thảo Luật Giá sửa đổi đang lấy ý kiến mới đây, Bộ Tài chính cũng đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá xăng, dầu và điều tiết theo giá thị trường. Sau khi bỏ quỹ BOG, nếu giá xăng dầu tăng quá cao hoặc giảm quá thấp ảnh hưởng đến kinh tế xã hội hoặc trong các trường hợp khẩn cấp, cơ quan chức năng sẽ triển khai bình ổn giá theo các bước kiểm tra yếu tố hình thành giá, kiểm soát hàng hóa tồn kho, kiểm tra số lượng, khối lượng hàng hóa hiện có để xác định nguyên nhân làm cơ sở cho việc lựa chọn biện pháp bình ổn giá phù hợp, quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp bình ổn giá theo quy định...
Tuy nhiên, giải trình sau đó về Quỹ BOG giá xăng dầu trên diễn đàn Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay đã lấy ý kiến của Bộ Công Thương, các bộ ngành đều đồng tình giữ quỹ này. Theo ông Phớc, khi giá xăng dầu mà tăng lên thì ảnh hưởng tới đời sống nhân dân, sản xuất kinh doanh, kinh tế vĩ mô, vì vậy giữ quỹ này giúp giảm tăng giá sốc từ từ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nói thêm hiện nay Nhà nước sử dụng 5 công cụ để điều chỉnh giá xăng dầu. Bao gồm thuế, chi phí định mức, nguồn cung, thông qua cấp phép để xây dựng bộ máy và Quỹ BOG xăng dầu.