Giải mã 5 câu hỏi lớn ở 'Kẻ ăn hồn': Hóa ra có liên quan đến 'Tết ở làng địa ngục'

Nhiều chi tiết có thể sẽ được giải đáp trong phần tiếp theo của 'Kẻ ăn hồn' hoặc 'U hồn tượng đất' - mùa tiếp theo của 'Tết ở làng địa ngục'.

Tết Ở Làng Địa Ngục và Kẻ Ăn Hồn là nỗ lực hiếm hoi trong việc tạo ra một "vũ trụ kinh dị" có sự liên kết chặt chẽ qua nhiều tác phẩm của điện ảnh Việt. Trong đó, các bộ phim sẽ hé lộ dần những bí mật hay bỏ ngỏ nhiều câu hỏi để người xem tò mò. 

1. Vì sao chỉ có cô Phong thấy được đò chở vong?

Trong Kẻ Ăn Hồn, Phong (Hoàng Hà) là người duy nhất có thể nhìn thấy linh hồn và con đò chở vong. Vì thế mà khi cô kể chuyện này cho dân làng nghe thì không một ai tin tưởng. Bộ phim giải thích rằng vì Phong có dòng máu thuần âm, cho nên được trời phú cho đôi mắt âm dương. Nhưng ở Tết Ở Làng Địa Ngục, ông Thập (Quang Tuấn) và Tam Quỷ (Võ Tấn Phát) cũng có năng lực này.

Trên thực tế thì khả năng nhìn thấy hồn ma không phải "độc quyền" của Phong. Nhưng người mạnh người yếu khác nhau. Ông Thập là do được Phong truyền lại. Còn Tam Quỷ cũng có nhiều liên kết với thế giới tâm linh do thường xuyên bị ma quỷ hù dọa và sở thích kể chuyện ma. Song, cả hai đều không thể "mạnh" bằng Phong.

Giải mã 5 câu hỏi lớn ở 'Kẻ ăn hồn': Hóa ra có liên quan đến 'Tết ở làng địa ngục'

2. Vì sao Thập Nương cũng bị đám đom đóm câu hồn?

Trong Tết Ở Làng Địa Ngục và Kẻ Ăn Hồn thì làng Địa Ngục bị đàn đom đóm câu hồn bao vây nên hễ ai ra khỏi làng vào ban đêm đều không toàn mạng. Trong tiểu thuyết gốc của Thảo Trang, đom đóm câu hồn là do Thập Nương (Lan Phương) sai khiến để chúng tụ tập ở ngoài làng vào ban đêm, cũng là reo giắc nỗi sợ hãi cho người làng.

Nhưng ở cuối phần phim điện ảnh, ả cũng bị đám đom đóm này tấn công khi Phong dập tắt ngọn đuốc. Nếu để ý kỹ thì hồn phách của Thập Nương bị đám đom đóm phân tán nhỏ ra rồi mang đi nơi khác. Đây có lẽ chỉ là chiêu trò của nữ ác nhân để đánh lừa Phong và dân làng rằng mọi chuyện đã kết thúc khi kế hoạch của Sang bị bại lộ.

Một người phụ nữ nham hiểm như Thập Nương sẽ phải có kế hoạch dự phòng và biện pháp phòng ngừa cho chính mình. Chi tiết này có thể sẽ được giải đáp trong phần phim tiếp theo của Kẻ Ăn Hồn hoặc U Hồn Tượng Đất - mùa tiếp theo của Tết Ở Làng Địa Ngục.

Giải mã 5 câu hỏi lớn ở 'Kẻ ăn hồn': Hóa ra có liên quan đến 'Tết ở làng địa ngục'

3. Nguồn gốc bài vè trẻ em chứa đựng công thức luyện rượu sọ người là gì?

Câu chuyện về bình rượu sọ người được lấy cảm hứng từ những bài vè quỷ dị dân gian và câu chuyện cổ tích Ai Mua Hành Tôi. Chúng chỉ là những câu ca dao truyền miệng và không hề có tác giả thực thụ. Rất có thể một người nào đó trong bang cướp Truông Nhà Hồ biết vu thuật và công thức đã sáng tạo ra để dạy cho đám trẻ con sự khát máu từ bé.

Và trong quá trình theo dõi, rình rập người làng, Thập Nương đã biết bài vè và lấy đó để tạo ra những cái chết rùng rợn. Mục đích của ả là muốn gieo rắc nỗi kinh hoàng cho cả làng bằng những câu chuyện thân thuộc nhất. Thực tế thì dù công thức rượu sọ người xuất hiện nhưng chẳng có ai dám tin rằng nó lại nằm trong bài vè trẻ em.

Giải mã 5 câu hỏi lớn ở 'Kẻ ăn hồn': Hóa ra có liên quan đến 'Tết ở làng địa ngục'

4. Vì sao cụ Khảm không hề biết gì về rượu sọ người và Thập Nương?

Trong Kẻ Ăn Hồn, Khảm (Huỳnh Thanh Trực) là người trực tiếp đưa cho Phong cuốn sách có chứa công thức làm rượu sọ người cũng như khám phá ra bí mật liên quan đến Thập Nương và quá khứ của làng. Nhưng đến Tết Ở Làng Địa Ngục thì cụ Khảm (NSƯT Văn Báu) lại không nhớ gì về chi tiết này.

Tưởng là "sạn" nhưng hóa ra lời giải thích nằm trong lời nguyền của Thập Nương. Ả từng rủa hậu nhân của làng Địa Ngục rằng "kẻ sẽ dẫn ta vào làng, kẻ sẽ thay ta làm việc ác và kẻ sẽ quên mất bí mật về ta". Lời nguyền ứng nghiệm khi Phong đã dẫn Thập Nương vào làng, Sang (Võ Điền Gia Huy) thay ả giết người và thu thập nguyên liệu luyện rượu sọ người còn Khảm lại quên mất bí mật kinh hồn này.

Giải mã 5 câu hỏi lớn ở 'Kẻ ăn hồn': Hóa ra có liên quan đến 'Tết ở làng địa ngục'

5. Vì sao lời nguyền được hóa giải ở cuối phim Kẻ Ăn Hồn?

Trong đoạn kết của Kẻ Ăn Hồn, Khảm có tiết lộ vì Thập Nương tan biến nên lời nguyền được hóa giải và nhiều người dân đã rời làng. Chi tiết này đối nghịch hẳn với Tết Ở Làng Địa Ngục khi ả vẫn còn sống và tiếp tục trả thù người dân.

Lời giải thích thực tế nằm ở chữ: "Người làng tin rằng", của Khảm. Hóa ra, chỉ số ít dân làng nghĩ rằng Thập Nương đã chết và lời nguyền không còn. Do đó mà những người rời đi thực chất đã chết ở dọc đường và bị thú dữ ăn mất xác. Đó là nguyên nhân chưa từng có ai quay lại làng. Khi bà Phong hay ông Thập xuống núi cũng không có tin tức gì của những người năm xưa.

Những ai xem Tết Ở Làng Địa Ngục sẽ biết rằng lão ăn mày què (NSƯT Phú Đôn) đã dò la tin tức ở chợ Dâu từ rất lâu nhưng lại không thể đến được làng Địa Ngục. Nếu người làng thực sự còn sống thì lão đã không phải đợi đến gặp ông Thập mới vào được làng. Thực tế thì lời nguyền vẫn còn và không ai thoát được khỏi tính toán của Thập Nương.

Nhật Quang

Địa danh rùng rợn trong phim Tết ở làng địa ngục - vùng nước lợ rộng lớn nhất Đông Nam Á, nơi những người đang yêu chỉ muốn... 'đập bỏ'

Địa danh rùng rợn trong phim Tết ở làng địa ngục - vùng nước lợ rộng lớn nhất Đông Nam Á, nơi những người đang yêu chỉ muốn... "đập bỏ"

Xưa kia, truông nhà Hồ và phá Tam Giang đầy rẫy thảo khấu và thủy tặc, cũng là khởi nguồn cho câu chuyện đẫm máu trong bộ phim.