"Tết ở làng Địa Ngục" của đạo diễn Trần Hữu Tấn là bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Thảo Trang. Ngay từ khi ra mắt, bộ phim đã nhận được phản ứng tích cực của khán giả từ cốt truyện, bối cảnh đến phục trang trong phim đậm yếu tố văn hoá dân gian. Phim liên tục chiếm vị trí Top 1 trên Netflix kể từ khi ra mắt trên nền tảng này.
Lấy bối cảnh xã hội Việt Nam thế kỷ XVI - XVII, câu chuyện xoay quanh ngôi làng Địa Ngục nằm sâu trong cánh rừng già heo hút trên núi cao. Nơi đây cây cối rậm rì, sương mù che phủ quanh nằm trên đỉnh núi, là nơi cư ngụ của hậu duệ băng cướp khét tiếng từng hoành hành ở truông nhà Hồ.
Hình ảnh trong phim Tết ở làng Địa Ngục. |
Do tội ác chất chồng của thế hệ trước, dân làng luôn lo sợ nghiệp báo sẽ quay trở lại "báo thù". Người dân sống trong làng này không thể xuống núi, ngoại trừ trưởng làng. Tết năm ấy, có nhiều chuyện lạ xảy đến với người dân và những cái chết đẫm máu dần xuất hiện khiến trưởng làng phải tìm cách ngăn chặn tai ương.
"Thương anh em cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ Nội tán cấm nghiêm".
Mỗi khi nhắc đến truông nhà Hồ, ai nấy đều kinh sợ vì sự rùng rợn của nơi này. Ngay mở đầu bộ phim "Tết ở làng Địa Ngục" đã nhắc tới 4 câu ca dao được lan truyền trong dân gian từ nhiều đời. Truông nhà Hồ được miêu tả không chỉ là nơi hoang vu, hẻo lánh, cây cối bạt ngàn mà còn là sào huyệt của băng cướp khét tiếng tàn bạo.
Truông nhà Hồ trong "Tết ở làng Địa Ngục" được miêu tả là nơi sương phủ trắng rừng quanh năm. |
Tương truyền, năm ấy có một đoàn buôn của gia tộc họ Trương lên tới cả trăm người buôn tơ lụa đi ngang qua. Nhưng vừa đặt chân đến khu vực truông nhà Hồ, họ đã bị băng cướp giết sạch một cách dã man. Chém đứt đầu, đâm lòi ruột, máu chảy lênh láng cả một vùng, đứng từ xa cũng ngửi thấy mùi máu tanh nồng thê lương.
Cả gia tộc bị diệt vong trong nháy mắt, chỉ may mắn còn người vợ của tộc trưởng đang bụng mang dạ chửa trốn thoát. Không ai biết bà ấy đã đi đâu, cứ như thể "bốc hơi" khỏi thế gian. Trước sự tàn sát độc ác của bọn cướp, quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng quyết tâm diệt sạch quân hung tàn. Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó thoát, ngày gia tộc họ Trương bị diệt vong cũng là ngày băng cướp đẩy mình vào thế khó.
Những tên cầm đầu bị quân triều đình bắt lại hết, chỉ còn đám tàn dư mải miết chạy thục mạng tìm đường thoát thân. Để trốn tránh sự truy quét của quân triều đình, những tên cướp còn lại tháo chạy đến nơi sơn cùng thuỷ tận, quanh năm sương phủ trắng rừng để tìm chốn dung thân. Trong tiểu thuyết cũng như khi chuyển thể thành phim, chi tiết ngôi làng không tên mà những tên cướp còn sót lại nương náu rất độc, không ai có thể ra khỏi làng mà trở về nguyên vẹn, khiến câu chuyện thêm thập phần u ám.
Băng cướp ở truông nhà Hồ hoạt động có tổ chức bài bản, với 'kim chỉ nam': gặp là cướp sạch và giết sạch, không được tha bất kỳ ai đi qua nơi này (Ảnh minh họa). |
Tưởng chừng địa danh truông nhà Hồ ấy chỉ là hư cấu trong tiểu thuyết và bộ phim. Tuy nhiên, ly kỳ hơn nữa, truông nhà Hồ là nơi có thật trong lịch sử và vẫn tồn tại cho đến bây giờ. Vậy truông nhà Hồ là nơi như thế nào mà khiến người ta "khiếp sợ" từ trong tiềm thức như vậy?
Điều đầu tiên, chúng ta có thể hiểu truông là gì? Theo Từ điển Tiếng Việt, truông có nghĩa là vùng đất hoang, nhiều cây cỏ. Theo phương ngữ, truông còn là vùng rừng được gọi là rú. Rú gồm vùng cây cối rậm rạp nhưng không quá cao. Trong Địa danh Việt Nam của Đinh Xuân Vịnh cũng nhắc đến một số truông ở Việt Nam như truông Bát, truông Trẩy (Hà Tĩnh), truông Bổn, truông Mèn, truông Sắt (Nghệ An), truông Mây (Bình Định), truông nhà Hồ (Quảng Trị),...
Truông nhà Hồ là địa phận giáp ranh giữa hai châu Địa Lý và Ma Linh (sau là Minh Linh) thuộc xứ Thuận Hoá (nay thuộc huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình và huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn có nói đến: "Đường vào Thuận Hóa thì chỉ từ xã Phù Tôn, H. Lệ Thủy đến xã Hồ Xá, H. Minh Linh dọc đường có quán Cát, quán Sen, quán Bụt, quán Hà Cờ, cư dân ở 2 bên, hành khách có chỗ ngủ trọ". Thế nhưng chừng ấy không đủ để khỏa lấp nỗi sợ của người xưa về vùng đất nhiều cướp bóc này.
Truông nhà Hồ khi xưa là sào huyệt ẩn náu của băng cướp tàn độc (Ảnh minh họa). |
Đi tìm địa danh trong câu ca dao cổ đôi khi cũng đầy khó khăn. Người ta từng nói, trai gái yêu nhau "Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua" nhưng rồi tình yêu đậm sâu đến mấy cũng bị ngăn trở bởi khoảng cách địa lý, bởi thế mà: "Thương em anh cũng muốn vô; Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang".
Truông nhà Hồ trước kia là vùng đất diện tích lớn, bao bọc cả thảy gần nửa huyện, nay là các xã Vĩnh Tú, Vĩnh Long, Vĩnh Chấp thuộc huyện Vĩnh Linh. Đi qua thăng trầm, truông nhà Hồ cũng thu hẹp dần và không còn rộng như xưa nữa, chỉ còn vùng rừng nhỏ thuộc thôn Tứ Chính, mà người bây giờ gọi là rú Tứ Chính.
Ngược dòng thời gian để đi tìm nguồn gốc tên gọi truông nhà Hồ, có lẽ chúng ta vẫn chưa truy vấn được rõ ràng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu được từ những tài liệu nghiên cứu còn lại, chẳng hạn như Mộc bản Triều Nguyễn, truông nhà Hồ còn được gọi với tên khác nữa là rừng Hồ Xá. Trong Đại Nam nhất thống chí có ghi: "Rừng Hồ Xá, cách 7 dặm về phía Bắc huyện Vĩnh Linh, rừng dài 3 dặm. Tương truyền, ngày trước rừng cây rậm rạp, có nhiều côn đồ tụ họp, cướp bóc người đi đường...". Hay trong Đại Nam thực lục tiền biên cũng nhắc tới "rừng Hồ Xá" (ý nói truông nhà Hồ). Sau đó, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cử một vị Nội tán vào trấn giữ vùng này.
"Nhâm Dần (1722), cho Nguyễn Khoa Đăng làm Nội tán (còn gọi là Diên Tường hầu), coi cả việc quân, định lại điều lệ. Bấy giờ đường đi qua rừng Hồ Xá (tức truông nhà Hồ) thường có trộm cướp tụ họp, hành khách lấy làm lo ngại. Chúa sai Khoa Đăng đi kinh lược nơi ấy. Khoa Đăng tìm cách bắt để trị, lệnh cấm nghiêm minh. Từ đó trộm cướp im tắt, đường sá không bị cản trở, trăm họ đều ca tụng" - trích Đại Nam thực lục tiền biên.
Ở một bản khác của Đại Nam liệt truyện tiền biên, quyển 5 cũng có khắc như sau: "Nhâm Dần (1722), Hiển Tông năm thứ 31, được thăng Nội tán kiêm Án sát sứ coi hết việc quân quốc trọng sự, định rõ điều lệ. Đường rừng nhà Hồ (Hồ Xá) thường có giặc cướp tụ họp, người đi đường sợ hãi. Chúa sai Đăng đi kinh lý đất ấy. Đăng tới đặt phép bắt cướp, lệnh cấm nghiêm minh. Từ đó bọn cướp im bặt".
Mỗi giai thoại và điển tích ghi lại trận diệt loạn cướp của Nội tán có nhiều phiên bản, tựu chung lại đều có mang tính huyền hoặc, ly kỳ, đó cũng là một trong những yếu tố giúp hậu nhân sau này có thể dựa vào để sáng tạo nghệ thuật, chẳng hạn như bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên "Tết ở làng Địa Ngục" đang ăn khách.
Có lẽ người ta biết đến địa danh thành nhà Hồ nhiều hơn truông nhà Hồ. Thành nhà Hồ là thành đá được Hồ Quý Ly cho xây dựng năm 1397 trên khu đất rộng 1 km2 nằm giáp ranh các xã Vĩnh Lộc, Vĩnh Tiến, Vĩnh Long thuộc huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá.
Theo tài liệu dân gian, vị trí truông nhà Hồ nằm ở trục giao thông, đoạn giáp ranh giữa xã Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh, Quảng Trị) và xã Sen Thuỷ (Lệ Thuỷ, Quảng Bình). Gần truông nhà Hồ cũng có làng Hồ Xá, xưa kia nơi này là do một nhánh triều Hồ (1400 - 1407) di dân vào lập nghiệp và đặt quân đồn trú ở đây. Cho nên người ta vẫn thường đặt câu hỏi liệu truông nhà Hồ có liên quan gì đến thành nhà Hồ hay không? Và với thông tin cái tên Hồ Xá kia gắn với việc khi khi nhà Hồ lên nắm quyền có nhánh người di dân vào, đặt tên nơi trú là Hồ Xá. Hồ trong chi họ Hồ, xá là nơi ở.
Truông nhà Hồ vốn là vùng đất rộng bạt ngàn, cây cối rậm rì, um tùm (Ảnh minh họa). |
Thời bấy giờ chúa Nguyễn cử quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng cai quản vùng đất này. Ông đã tìm cách tiêu diệt quân cướp hung tàn. Một lần, ông cho xe chở lúa cùng hàng hoá đi qua truông. Trong xe có quân lính núp sẵn rải lúa dọc đường làm dấu, nhờ dấu lúa mà quân lính triều đình đã tìm ra sào huyệt và tiêu diệt gọn cả ổ.
Về phân đoạn diệt cướp của Nội tán ở truông nhà Hồ cũng được Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam liệt truyện tiền biên, quyển 5 tại Trung tâm lưu trữ quốc gia IV ghi lại như sau.
Kẻ cướp ở truông nhà Hồ ăn cướp giấy của lái buôn, không truy được dấu vết gì. Người lái buôn đem việc ấy đến kiện. Đăng thong thả cho người dân mỗi người khai họ tên quê quán, mỗi người một bản. Giá giấy do đó đắt lên, tên kẻ cướp đem giấy ra bán. Nhân thế, bắt được bọn cướp giấy.
Hình ảnh đường đi qua truông nhà Hồ hiện tại ở Vĩnh Linh, Quảng Trị. Ảnh: Báo Quảng Trị |
Đăng lại từng dò la biết được tên một bọn cướp, nhưng vờ như không biết. Ngay đầu làng có hòn đá to, nhân dân vẫn thường thờ làm thần. Đăng bí mật sai quân đào đất làm hầm ở dưới sân, cho người ẩn trong hầm ấy. Sáng sớm, Nội tán sai người đem hòn đá lớn để lên trên hầm rồi tra hỏi hòn đá tên họ kẻ cướp.
Dưới hòn đá vang lên tiếng kêu khóc, rồi nói ra mồn một tên bọn cướp. Từ đó cứ thế mà bắt, chúng đều thú nhận khuất phục. Người ta cho việc ấy thực giỏi như thần. Về sau, dân chúng tôn sùng vị quan tài giỏi này là vậy.
Không chỉ giúp dân dẹp trừ cướp bóc mà còn chiêu mộ người đến lập làng, sinh sống tạo nên các làng quê trù phú. Chính thế mà sau này, người dân an ổn sinh sống, cũng không còn sợ quân cướp khét tiếng ở truông nhà Hồ nữa, mới có câu ca: "Truông nhà Hồ, Nội tán dẹp yên".
Truông nhà Hồ hiện nay còn lại những cánh rừng nguyên sơ gắn liền với đời sống của người dân huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Ảnh: Minh Tân/Kinh tế đô thị |
Truông nhà Hồ giai đoạn sau này còn gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử lớn của dân tộc. Dưới thời Pháp xâm chiếm, truông nhà Hồ trở thành nơi trú ẩn của các nghĩa sĩ trong phong trào Cần Vương đi theo vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết. Đến thời chống Mỹ, truông nhà Hồ đã trở nên đông đúc dân cư, người và xe qua lại, hành quân như mắc cửi và được gọi với cái tên mới là "Dốc 6 Độ". Không chỉ là một địa danh xuất hiện trong câu ca cổ, truông nhà Hồ cũng ghi dấu bao biến đổi thời gian, cất giấu một giai đoạn văn hoá lịch sử của dân tộc như thế.
Truông nhà Hồ trong nửa đầu câu ca cổ từng là một nơi rùng rợn như thế, vậy còn phá Tam Giang trong nửa sau câu ca dao là nơi như thế nào? Mời quý bạn đọc chờ đón kỳ sau.
Tình trường của cậu Đức “Tết Ở Làng Địa Ngục”: Được 5 cô tỏ tình nhưng không "chấm" ai, dính tin đồn hẹn hò với hot girl xứ Nghệ
Tiêu chuẩn của "cậu Đức" cũng "khét" lắm à nha!