Lễ trao Giải thưởng và Học bổng KOVA - Lần thứ 20 diễn ra tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 26/11.
Buổi lễ vinh dự có sự tham gia của GS. TS Nguyễn Thị Doan - Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng KOVA, đại diện lãnh đạo cơ quan nhà nước và hàng trăm cá nhân, tập thể được nhận giải và học bổng.
PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội gửi lời cảm ơn tới Uỷ ban Giải thưởng KOVA đã tin tưởng, lựa chọn trường ĐH Bách khoa Hà Nội là địa điểm tổ chức lễ trao giải thưởng KOVA lần thứ 20.
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội phát biểu tại Lễ trao Giải thưởng và Học bổng KOVA. Ảnh: Hoàng Toàn |
“Hoạt động truyền thống đầy ý nghĩa này không chỉ tôn vinh các công trình khoa học, nhân văn, nâng bước thế hệ trẻ mà còn mang ý nghĩa tích cực tới cộng đồng, truyền cảm hứng, đề cao những tấm lòng chia sẻ của con người Việt Nam, thúc đẩy tinh thần vươn lên học tập, nghiên cứu, sáng tạo của thế hệ trẻ”. PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, cũng khẳng định: PGS.TS Nguyễn Thị Hòe - cựu sinh viên khóa 11 của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, nguyên giảng viên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, luôn là tấm gương về nghị lực, tinh thần vượt khó của hàng ngàn thế hệ sinh viên Bách Khoa.
“Câu chuyện khởi nghiệp từ đam mê nghiên cứu khoa học của cô vẫn luôn là câu chuyện truyền cảm hứng của hàng ngàn thế hệ sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng như thế hệ trẻ Việt Nam”.
PGS.TS Nguyễn Thị Hoè - Nhà sáng lập Quỹ Giải thưởng KOVA phát biểu tại Lễ trao giải. Ảnh: Hoàng Toàn |
PGS.TS Nguyễn Thị Hoè – Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Sơn KOVA, Nhà sáng lập Quỹ Giải thưởng KOVA đã chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng làm giàu từ nghiên cứu khoa học, về mục đích, ý nghĩa của giải thưởng KOVA. Đồng thời, bà nhắn nhủ tới những nhà khoa học, những sinh viên được trao tặng giải thưởng, học bổng:
“Những nhà khoa học có đề tài được trao tặng giải thưởng, những em sinh viên nhận được học bổng phải cố gắng phấn đấu, tập trung nghiên cứu, đặc biệt đi sâu vào nghiên cứu ứng dụng. Khi chúng ta đã nghiên cứu, đã có được những thành công ban đầu thì phải phát triển nghiên cứu nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị, giúp ích cho xã hội, giúp cho mọi người có công ăn việc làm và làm giàu cho đất nước”.
Tại buổi lễ, GS.TS Nguyễn Thị Doan đã bày tỏ sự khâm phục trước những hy sinh, phấn đấu, nghị lực và những đóng góp của PGS.TS Nguyễn Thị Hòe nói riêng và những cống hiến của giải thưởng KOVA đối với sự phát triển của khoa học, giáo dục đất nước nói chung.
“Những cống hiến của giải thưởng sẽ được phát huy trong thời gian tới” – GS.TS Nguyễn Thị Doan khẳng định.
GS. TS Nguyễn Thị Doan - Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng KOVA chia sẻ những điểm đổi mới trong việc xét duyệt hồ sơ nhận giải những năm tới. Ảnh: Hoàng Toàn |
GS.TS Nguyễn Thị Doan cũng cho biết bối cảnh hiện nay đã khác xưa. Xã hội số hiện nay phát triển vượt bậc, gia đình số, dòng họ số, con người số buộc chúng ta phải học. Những nhà nghiên cứu, các thầy cô và những người đang làm việc cũng như sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường cần trau dồi và hoàn thiện 3 năng lực: Năng lực thứ nhất là tự học, tự nghiên cứu. Năng lực thứ hai là kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, kỹ năng sử dụng các công cụ thông tin, máy tính, công nghệ. Năng lực thứ ba là năng lực quan hệ công chúng.
Nguyên phó Chủ tịch nước cũng chia sẻ những điểm đổi mới trong việc xét duyệt hồ sơ nhận giải: Bắt đầu từ năm tiếp theo, trong thư gửi về các trường, Ủy ban Giải thưởng KOVA sẽ yêu cầu sinh viên chứng minh được năng lực sử dụng ngoại ngữ, kỹ năng sử dụng máy vi tính, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng tham gia các hoạt động cộng đồng (Đoàn Thanh niên, các CLB) để được xét trao tặng giải thưởng và học bổng KOVA.
Năm 2022, Giải thưởng và học bổng KOVA - Lần thứ 20 vinh danh hơn 150 cá nhân, tập thể tiêu biểu ở đầy đủ 4 hạng mục.
GS.TS Nguyễn Thị Doan trao tặng Giải thưởng Kiến tạo cho TS Nguyễn Thị Bích Ngọc và cộng sự. Ảnh: Hoàng Toàn |
Hạng mục kiến tạo được trao tặng cho 2 tập thể có công trình nghiên cứu khoa học công nghệ ứng dụng tiêu biểu (trị giá 50 triệu đồng/giải). Đó là công trình Nghiên cứu thành phần và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây chanh leo ở Việt Nam, do TS Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật làm Chủ nhiệm và thực hiện cùng nhóm cộng sự.
Sau thời gian nghiên cứu và ứng dụng, quy trình phòng trừ, tổng hợp các đối tượng gây hại chính trên chanh leo đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật. Mô hình áp dụng quy trình này đã này giúp tăng năng suất từ 20 - 37,8% và tăng hiệu quả kinh tế từ 31,3 - 52,1% (tại thời điểm nghiên cứu)
PGS. TS Nguyễn Thị Hòe trao giải Kiến tạo cho PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên và cộng sự. Ảnh: Hoàng Toàn |
Công trình Nghiên cứu thiết bị đèn tảo lọc không khí hấp thụ CO2 giúp cải thiện chất lượng không khí trong nhà, do PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên - Viện Khoa học Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội làm Chủ nhiệm, thực hiện cùng cộng sự kỹ sư Nguyễn Quang Dũng.
Thiết bị giúp loại bỏ bụi mịn, nhờ lớp màng hepa, làm giảm CO2 tích tụ trong phòng và sinh ra oxy nhờ cơ chế quang hợp của tảo. Nghiên cứu góp phần mở ra một hướng mới trong việc giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị.
Hạng mục Sống đẹp vinh danh 4 cá nhân tiêu biểu, với những việc làm tử tế, nhân văn và có sức lan tỏa trong cộng đồng (trị giá ba 30 triệu đồng/ giải).
4 cá nhân tiêu biểu, với những việc làm tử tế, nhân văn và có sức lan tỏa trong cộng đồng được vinh danh tại Hạng mục Sống đẹp. Ảnh: Hoàng Toàn |
Đó là chị Nguyễn Thị Ngọc Tâm – Người sáng lập và điều hành lớp học Ngọc Tâm Thủy Tinh, Quỹ học bổng Ngọc Tâm Thủy Tinh. Dù mang căn bệnh xương thủy tinh, nhưng với ý chí và nỗ lực, chị đã thành lập lớp học Ngọc Tâm Thủy Tinh, dạy miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Nam Định.
Chị Nguyễn Thị Minh Tâm - Giáo viên, người sáng lập Hội thiện nguyện Nhất Tâm. Vượt qua biến cố tai nạn xe gây 60% thương tật năm 2019, chị không ngừng truyền cảm hứng, động lực và giúp đỡ cho người khuyết tật thông qua các công tác thiện nguyện.
Bà Đỗ Thúy Nga - Người sáng lập Trung tâm Hy vọng. Ở độ tuổi hưu trí, năm 1998 bà thành lập Trung tâm Hy vọng. Bằng tình yêu trẻ, yêu nghề, 24 năm bà miệt mài chăm lo, dạy dỗ, thắp lên niềm tin cho trẻ bại não, chậm phát triển.
Chị Sùng Y Múa - Cán bộ y tế xã Hang Kia, hội viên phụ nữ xóm Hang Kia, xã Hang Kia, tỉnh Hòa Bình. Chị là một trong những người phụ nữ tiên phong trong phát triển du lịch cộng đồng, tạo việc làm cho các chị em phụ nữ trong khu vực, đồng thời nỗ lực cải thiện sức khỏe cho chị em tại xã Hang Kia thông qua việc giáo dục, tuyên truyền sức khỏe sinh sản.
Năm 2022, trong khuôn khổ Giải thưởng KOVA lần thứ 20, bên cạnh việc trao cho sinh viên xuất sắc có thành tích nghiên cứu khoa học, Giải thưởng còn hướng đến những dự án khởi nghiệp sáng tạo do sinh viên thực hiện, có khả năng ứng dụng thực tiễn đang tiếp tục cần thêm sự hỗ trợ hay khích lệ từ các tổ chức.
Ủy ban Giải thưởng KOVA vinh danh các cá nhân và tập thể tại Hạng mục Triển vọng. Ảnh: Hoàng Toàn |
Bởi vậy, Ủy ban Giải thưởng KOVA lần thứ 20 đã quyết định trao giải Triển vọng cho 11 sinh viên học tập tốt có thành tích nghiên khoa học đến từ các trường đại học trên cả nước; đồng thời trao cho dự án khởi nghiệp “Thiết bị hỗ trợ xe lăn Automov” giải Triển vọng cho tập thể sinh viên trường đại học Lạc Hồng (trị giá ba mươi triệu đồng/giải).
Ủy ban Giải thưởng KOVA cũng đã trao Học bổng Nghị lực cho 153 sinh viên vượt khó, học giỏi từ 52 trường đại học công lập trên cả nước, trị giá mười triệu đồng/học bổng.
Ủy ban Giải thưởng KOVA cũng đã trao Học bổng Nghị lực cho 153 sinh viên vượt khó, học giỏi từ 52 trường đại học công lập trên cả nước. Ảnh: Hoàng Toàn |
Ủy ban Giải thưởng KOVA cũng đã trao Học bổng Nghị lực cho 153 sinh viên vượt khó, học giỏi từ 52 trường đại học công lập trên cả nước. Ảnh: Hoàng Toàn |
Giải thưởng KOVA là nỗ lực vì cộng đồng của Tập đoàn Sơn KOVA do PGS.TS Nguyễn Thị Hoè – Chủ tịch Tập đoàn Sơn KOVA sáng lập vào năm 2002.
Giải thưởng KOVA ra đời với mục đích thúc đẩy các nghiên cứu khoa học vì cộng đồng; các hành động nhân văn, lan tỏa tinh thần sống đẹp trong xã hội và hỗ trợ cho sinh viên trên đất nước.
Trải qua 19 lần trao giải, Giải thưởng KOVA đã vinh danh và trao giải cho hơn 50 công trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng, tôn vinh 70 hành động nhân văn và nhân ái; trao tặng hơn 2000 học bổng đầy ý nghĩa cho các sinh viên vượt khó từ các trường đại học trên cả nước.
Chân dung hai nhà khoa học nữ đoạt Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021
Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021 vinh danh GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM) và GS.TS.NGƯT Nguyễn Minh Thủy (ĐH Cần Thơ)