PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu - nhà khoa học nữ duy nhất được vinh danh tại Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022

PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu là một trong trong hai nhà khoa học tiêu biểu được vinh danh tại giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022. Đây cũng là năm thứ 3 Giải thưởng Tạ Quang Bửu vinh danh một nhà khoa học nữ.
PGS. TS Nguyễn Thị Lệ Thu hiện là giảng viên khoa Công nghệ Vật liệu trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc Gia TP.HCM)
PGS. TS Nguyễn Thị Lệ Thu hiện là giảng viên khoa Công nghệ Vật liệu trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc Gia TP.HCM)

Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng danh giá do Bộ Khoa học và Công nghệ trao cho tác giả của các công trình khoa học xuất sắc được thực hiện tại Việt Nam và công bố trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Giải thưởng góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng và khoa học công nghệ Việt Nam nói chung tiếp cận trình độ quốc tế, tạo tiền đề cho khoa học và công nghệ của đất nước hội nhập và phát triển.

"Giải thưởng ý nghĩa ghi nhận kết quả nghiên cứu và động viên tinh thần rất lớn đối với các nhà khoa học nói chung. Đặc biệt với điều kiện nghiên cứu khoa học còn nhiều hạn chế, các nhà khoa học trẻ, trong đó có các nhà khoa học nữ sẽ được khích lệ để theo đuổi đam mê trong nghiên cứu khoa học" – PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu xúc động chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu hiện là giảng viên khoa Công nghệ Vật liệu trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc Gia TP.HCM). Đề tài nghiên cứu giúp chị giành được giải thưởng Tạ Quang Bửu lần này là "Tailoring the Hard−Soft Interface with Dynamic Diels−Alder Linkages in Polyurethanes: Toward Superior Mechanical Properties and Healability at Mild Temperature". Đề tài nghiên cứu này còn khá mới trong xu hướng vật liệu PU composites tự lành, một hướng rất có tiềm năng ở Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu (giữa) tại phòng thí nghiệm. Ảnh: khoahoc.tv
PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu (giữa) tại phòng thí nghiệm. Ảnh: khoahoc.tv

"Nội dung công trình nghiên cứu chế tạo một hệ vật liệu polyuretan có cơ tính cao đồng thời kết hợp được tính năng “tự lành” vết rạn nứt và vết cắt, nhờ vào cấu trúc phân tử chứa liên kết thuận nghịch Diels-Alder không nằm ngẫu nhiên mà được thiết kế đặc biệt sắp xếp tại vị trí bề mặt phân pha.

Đối với các công trình nghiên cứu trước đây trên thế giới, vật liệu polyuretan trên cơ sở liên kết thuận nghịch Diels-Alder đều có cơ tính thấp hoặc chỉ có thể “tự lành” ở nhiệt độ cao (110-180 độ C). Hệ vật liệu nghiên cứu trong công trình này là vật liệu polyuretan trên cơ sở liên kết Diels-Alder được công bố đầu tiên trên thế giới cho thấy có tính năng “tự lành” tốt ở nhiệt độ dịu nhẹ (60-70 độ C) mà vẫn đảm bảo có cơ tính cao" - PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu Lệ chia sẻ thêm.

Để tạo ra khả năng “tự lành” cho vật liệu, các liên kết cộng hóa trị thuận nghịch Diels-Alder sẽ được dùng làm cầu nối mạng cho các mạch polydimethylsiloxane và polycaprolactone. Ảnh: khoahoc.tv
Để tạo ra khả năng “tự lành” cho vật liệu, các liên kết cộng hóa trị thuận nghịch Diels-Alder sẽ được dùng làm cầu nối mạng cho các mạch polydimethylsiloxane và polycaprolactone. Ảnh: khoahoc.tv

Nghiên cứu có thể ứng dụng trong việc tạo ra các vật liệu cao cấp như vật liệu trong các thiết bị y tế và cấy ghép y khoa. Bên cạnh đó, loại vật liệu mới này còn có thể được dùng làm màng phủ thông minh tự làm lành vết trầy xước cho xe hơi hay điện thoại, vừa đem lại giá trị về độ bền và thẩm mỹ, vừa có khả năng làm sơn chống ăn mòn.

PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu được biết tới là nhà khoa học nữ xuất sắc có nhiều bài đăng trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành và tạp chí trong nước có uy tín. Tính đến năm 2018, chị là là tác giả chính và đồng tác giả của 32 bài báo đăng trên các Tạp chí quốc tế chuyên ngành và 18 bài đăng ở các Tạp chí trong nước có uy tín, là đồng tác giả của 02 bằng sáng chế quốc tế, chủ trì 02 đề tài NAFOSTED và 02 đề tài cấp sở, cấp Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu (giữa) từng được tặng trao giải thưởng L’Oreal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2017. Ảnh: hcmus.edu.vn
PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu (giữa) từng được tặng trao giải thưởng L’Oreal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2017. Ảnh: hcmus.edu.vn

Chị từng được trao giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc và học bổng nghiên cứu khoa học cho các nhà nghiên cứu nữ tiềm năng của Việt Nam do Hội đồng khoa học L’Oreal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học bình chọn năm 2017.

Diệu Thuần (t/h)

3 nghiên cứu của các nhà khoa học nữ Việt Nam được vinh danh tại giải thưởng Sáng tạo châu Á

3 nghiên cứu của các nhà khoa học nữ Việt Nam được vinh danh tại giải thưởng Sáng tạo châu Á

3 công trình nghiên cứu của các nhà khoa học nữ Việt Nam được Hội đồng Giải thưởng ghi nhận có những đóng góp tích cực và thiết thực cho môi trường.