PGS.TS Nguyễn Thị Hòe – Chủ tịch Tập đoàn Sơn Kova từng là một nữ sinh chuyên ngành Hóa Hữu cơ, không biết gì về kinh doanh. Trở thành doanh nhân “bất đắc dĩ” nhưng bằng sự cần mẫn, nghị lực và bản lĩnh, bà đã từng nước đưa thương hiệu sơn Kova (loại sơn được tạo ra bằng công nghệ Nano từ vỏ trấu) đến nhiều thị trường trên thế giới.
Gần 30 năm xây dựng và phát triển, Kova hiện đã trở thành một Tập đoàn vững mạnh với 12 công ty, 9 nhà máy ở 7 quốc gia.
PGS.TS Nguyễn Thị Hòe - Chủ tịch Tập đoàn Sơn Kova chia sẻ câu chuyện làm giàu từ nghiên cứu khoa học của mình. Ảnh: hust.edu.vn |
PGS.TS Nguyễn Thị Hòe từng được trao tặng Giải thưởng Kovalevskaya tại Mỹ vào năm 1993. Bà cũng từng có tên trong danh sách 1.000 phụ nữ được đề cử nhận giải Nobel năm 2005. Hiện giờ dù đã gần 80 tuổi, bà vẫn miệt mài làm việc ở cả hai lĩnh vực nghiên cứu khoa học và quản lý doanh nghiệp.
“Nghiên cứu khoa học rất bền vững, bởi không ai lấy được của mình”, PGS. TS Nguyễn Thị Hòe khẳng định tại buổi tọa đàm “Làm giàu từ đam mê nghiên cứu khoa học” diễn ra tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vào ngày 5/5 vừa qua.
Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe không chỉ chia sẻ những kinh nghiệm đúc rút từ quá trình nghiên cứu khoa học mà còn chia sẻ những trải nghiệm “làm giàu từ hai bàn tay trắng”.
Được biết, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe từng là sinh viên K11 và là cựu giảng viên Viện Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Trước khi quyết định tập trung cho sự nghiệp kinh doanh, bà đã từng có hơn 30 năm nghiên cứu và giảng dạy.
“Tôi không bao giờ nghiên cứu xong rồi đút ngăn kéo”, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe chia sẻ.
Bà cho rằng các nhà nghiên cứu phải tập trung tạo ra những sản phẩm mà xã hội cần. Và khi đã tạo ra được sản phẩm thì phải thương mại hóa, mà muốn thương mại hóa thành công cần phải biết sản phẩm của mình ở mức nào và đến được nước nào?
“Cần phải thương mại hóa được và sản xuất số lượng lớn. Muốn phát triển phải đưa sản phẩm ra nước ngoài để sản phẩm được đánh giá và sử dụng bởi nhiều đối tượng”
Đó là một trong những lý do giúp sản phẩm Sơn Kova của bà chinh phục được nhiều thị trường khó tính như Singapore, Nga, Đức...
PGS.TS Nguyễn Thị Hòe thẳng thắn chia sẻ: “Khi tôi đưa sản phẩm của mình tới Singapore thì người ta không coi sản phẩm của tôi ra gì hết. Người ta bảo “Việt Nam thì chỉ có tre, nứa, hạt điều, cà phê … chứ làm gì đưa được sản phẩm khoa học sang đây”. Nhưng sau khi tôi tham gia đấu thầu mấy công trình ở Singapore thì Kova đã thắng lợi và đánh bại được sản phẩm sơn của Đức ở Vico city. Kể từ đó Kova trở nên nổi tiếng, nhắc tới những sản phẩm sơn tốt nhất ở Singapore là người ta nhớ tới Kova. Hiện nay, sơn Kova chiếm thị phần lớn nhất Singapore, hơn 80% các bệnh viện, phòng y tế tại Singapore sử dụng dòng sơn kháng khuẩn của Kova.”
Bên cạnh xác định đúng hướng, mục tiêu nghiên cứu, tập trung thương mại hóa sản phẩm với số lượng lớn, định đúng thị trường mục tiêu, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Kova khẳng định một trong những bí quyết để thành công nữa là “Phải liều”.
PGS.TS Nguyễn Thị Hòe (trái) và PGS.TS Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội tại buổi tọa đàm 5/5. Ảnh: hust.edu.vn |
“Cuộc đời tôi có 3 cái liều. Đầu tiên là ôm 3 con nhỏ tới giảng đường đại học, được cái là các thầy cô rất tốt, cho tôi vào lớp ngồi mà không đuổi ra, thỉnh thoảng nó khóc oe oe thì lại bế nó ra dỗ. Cái liều thứ 2, là đi sang Mỹ lúc đang cấm vận, và không có tiền. Lúc đó tôi phải bán cái xe máy để đi. Mới đầu sang phải ngủ sân bay, ăn mì ăn liền. Sau khi sang tới nơi thì được nhận giải thưởng và mấy ngàn đô, nhưng không ăn thua gì hết, tôi phải mượn thêm tiền của rất nhiều người để bắt đầu kinh doanh. Cái liều thứ ba là mang sản phẩm sang đất nước khó tính nhất là Singapore và thành công.” – PGS.TS Nguyễn Thị Hòe tâm sự.
Nhiều thắc mắc của các nhà khoa và sinh viên được chia sẻ, giải đáp tại tọa đàm "Làm giàu từ nghiên cứu khoa học". Ảnh: Fanpage Đại học Bách Khoa Hà Nội |
Nhiều thắc mắc của các nhà khoa và sinh viên được chia sẻ, giải đáp tại Tọa đàm "Làm giàu từ nghiên cứu khoa học". Ảnh: Fanpage Đại học Bách Khoa Hà Nội |
Bà tự hào cả cuộc đời chưa bao giờ ngừng lao động, ngừng nghiên cứu, sáng tạo. “Tôi đi các nước cũng chủ yếu vì công việc. Đi nhiều nơi, tôi học được rất nhiều. Làm việc phải say mê, phải làm đến cùng. Nhà riêng của tôi có 2 phòng thí nghiệm, căn nhà ở Singapore cũng có phòng thí nghiệm. Đến nằm mơ cũng nghĩ về nghiên cứu, đang mơ nghĩ ra thí nghiệm, tôi bật dậy làm tiếp.”
Điều bà tâm đắc nhất khi nghiên cứu, đó là “Làm khoa học đầu tiên đừng nghĩ đến đồng tiền, hãy nghĩ đến kết quả trước. Phải tập trung tạo ra những sản phẩm mà xã hội cần.”
Các diễn giả, các nhà khoa học và sinh viên tham gia Tọa đàm "Làm giàu từ đam mê nghiên cứu khoa học" chụp hình lưu niệm. Ảnh: Fanpage Đại học Bách Khoa Hà Nội |
Tọa đàm “Làm giàu từ đam mê nghiên cứu khoa học” là một hoạt động do trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Chi hội Nữ trí thức ĐH Bách Khoa Hà Nội tổ chức. Tọa đàm có mục tiêu thúc đẩy việc hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước, chú trọng phát triển kết nối với mạng lưới cựu sinh viên và cựu cán bộ của nhà trường, khơi dậy niềm tự hào và truyền lửa đam mê nghiên cứu cũng như kinh nghiệm khởi nghiệp, làm giàu, thành đạt của các thế hệ đi trước cho các sinh viên tương lai.
Sau phần chia sẻ đầy tâm huyết của PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, buổi tọa đàm đã diễn ra hết sức sôi động với nhiều câu hỏi của các nữ khoa học gia và các bạn sinh viên, góp phần truyền nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho những ai đam mê khởi nghiệp bằng nghiên cứu khoa học.
PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, 'Bà phù thủy' sắc màu
Là kỹ sư hóa học xuất sắc, bà đã tạo ra sản phẩm sơn KOVA có tính năng ưu việt khiến tập đoàn sơn các nước phát triển công nhận