Chiều ngày 19-5, tại Trung tâm Phụ Nữ và Phát triển 20 Thụy Khuê, Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải thưởng Kovalevskaia.
Đây là giải thưởng uy tín thường niên được trao tặng cho các nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc và có nhiều đóng góp cho khoa học và cộng đồng. Do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nên lễ trao giải thưởng năm nay được dời lại, và diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đại diện nhóm tập thể và cá nhân được trao tặng Giải thưởng Kovalevskaia 2019 |
Giải thưởng Kovalevskaia 2019 vinh danh tập thể cán bộ nữ Phòng thí nghiệm Cúm, Khoa virus, Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) và PGS.TS Trần Thị Thu Hà, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Các cá nhân và tập thể được trao tặng giải thưởng Kovalevskaia 2019 |
Tập thể cán bộ nữ Phòng thí nghiệm Cúm, Khoa virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương là nhóm các nhà khoa học có nhiều thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu dịch bệnh cúm mùa.
Năm 2003, khi dịch SARS xảy ra tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu đứng đầu là PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai đã trực tiếp tham gia thu thập mẫu, tiến hành chuẩn đoán các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nguy hiểm đầu tiên điều trị tại bệnh viện Việt - Pháp. Với những kinh nghiệm trong quá trình xét nghiệm, phòng chống dịch SARS năm 2003 và virus cúm gia cầm A/H5N1 trên người, nhóm đã nghiên cứu và điều chế thành công thuốc kháng virus: Oseltamivir- Taminflu - là loại thuốc đặc hiệu nhất trong điều trị nhiễm virus cúm A (A/H5N1; H1N1), cho tới nay vẫn chưa có các chế phẩm khác thay thế hoặc bổ sung.
Năm 2019, nhóm các nhà khoa học nữ phòng thí nghiệm cúm đã phân lập thành công virus Corona chủng mới, đưa Việt Nam trở thành một trong 4 quốc gia đầu tiên phân lập thành công virus này.
PGS.TS Trần Thị Thu Hà - Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) là một nhà khoa học nữ dành trọn tâm huyết cho việc nghiên cứu, lai tạo, nhân giống nhằm bảo tồn và phát triển một số loài dược liệu quý của Việt Nam như: giảo cổ lam, tam thất nam, kim ngân... Không những vậy, chị còn phát triển thành công mô hình Viện Nghiên cứu theo cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm, giải quyết việc làm cho hơn 100 cán bộ, sinh viên đã qua đào tạo tại Hà Giang, Quảng Nam và Thái Nguyên.
PGS.TS Trần Thị Thu Hà Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên là cá nhân duy nhất được trao tặng giải Kovalevskaia 2019 |
Đặc biệt, trong lễ trao giải thưởng Kovalevskaia 2019 năm nay, ngoài vinh danh các nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc, có nhiều đóng góp cho nền khoa học nước nhà và trao 3 suất học bổng cho nữ sinh, Hội khuyến học Việt Nam và Hội Nữ trí thức Việt Nam còn trao tặng 2 suất học bổng trị giá 10.000.000 đồng cho 2 nữ sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện: em Hoàng Thị Tới - Lớp Y5C ngành bác sĩ đa khoa, khóa 2015 - 2021 (ĐH Y Hà Nội) và em Trần Thị Quỳnh Trang - Ngành công nghệ sinh học, khóa: QH.2017.T.CQ (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội).
GS.TS Nguyễn Thị Doan (Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam) và GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu trao tặng học bổng cho 2 nữ sinh viên có thành tích học tập, rèn luyện xuất sắc. |
Chia sẻ về điều này, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam cho biết: "Một trong những nhiệm vụ của Hội Nữ trí thức là phát hiện, bồi dưỡng, tôn vinh những tài năng trí thức trẻ. Năm nay, Hội Nữ trí thức và Hội khuyến học Việt Nam dành tặng 2 suất học bổng cho 2 nữ sinh viên xuất sắc nhằm vinh danh, khuyến khích động viên về tinh thần cho lớp nhà khoa học nữ kế cận."
Tại lễ trao giải, Thường trực Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam cũng đã dành tặng 30 suất học bổng trị giá 2.000.000/ suất cho nữ sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19, có hoàn cảnh khó khăn nhưng có thành tích học tập tốt nhằm động viên, khích lệ các em.
Giải thưởng Kovalevskaia mang tên nhà toán học Nga Sophia Kovalevskaia bắt đầu trao tại Việt Nam vào năm 1986, là giải thưởng quốc gia đầu tiên dành cho các nhà khoa học nữ. Từ năm 1986 đến nay, giải thưởng được trao cho 19 tập thể và 48 cá nhân nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực toán, lý, hóa, sinh, nông nghiệp, y học, công nghệ thông tin...
Hội Nữ trí thức tích cực ủng hộ tiền, khẩu trang và nhiều vật dụng góp phần đẩy lùi Covid-19
Hội nữ trí thức đã có những hoạt động thiết thực góp phần đáng kể cùng toàn dân đẩy lùi dịch COVID- 19.