Chân dung hai nhà khoa học nữ đoạt Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021

Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021 vinh danh hai nhà khoa học nữ GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) và GS.TS.NGƯT Nguyễn Minh Thủy - Giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm, khoa Nông nghiệp, trường Đại học Cần Thơ.

Cuối tháng 3/2022, Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam quyết định xét tặng giải thưởng Kovalevskaia năm 2021 cho hai nhà khoa học nữ, gồm GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) và GS.TS.NGƯT Nguyễn Minh Thủy - Giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm, khoa Nông nghiệp, trường Đại học Cần Thơ.

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai từng tốt nghiệp cử nhân ngành hóa học trường Đại học Tổng hợp TP. HCM (nay là trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM). Sau đó, bà lấy bằng tiến sỹ chuyên ngành hóa dược tại trường Đại học Y dược Toyama (Nhật Bản). Bà được công nhận Phó Giáo sư năm 2014 và Giáo sư năm 2020.

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai. Ảnh: VTC
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai. Ảnh: VTC

 Trong 10 năm đầu sau tiến sĩ, bà chủ yếu tập trung nghiên cứu lĩnh vực phát hiện thuốc từ dược liệu Việt Nam.

Gần đây, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai tiếp tục triển khai một số nghiên cứu ứng dụng. Trong đó, tiêu biểu là công trình nghiên cứu phân lập các hoạt chất từ nguồn cây cỏ Việt Nam định hướng tác dụng ức chế enzyme α-glucosidase, xanthine oxidase và tyrosinase.

Kết quả công trình nghiên cứu đã phân lập và xác định cấu trúc của 228 hợp chất từ 19 mẫu dược liệu Việt Nam. Các hợp chất được phát hiện có tác dụng ức chế enzyme tyrosinase, xanthine oxidase hoặc α-glucosidase, góp phần định hướng cho việc phát triển thuốc mới điều trị bệnh đái tháo đường, gout và sạm nám da từ dược liệu trong nước.

Với nghiên cứu về các sản phẩm từ loài ong nuôi ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu do GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai chủ trì đã đạt được giải thưởng Quả cầu vàng năm 2017 và Giải thưởng sáng tạo TP.HCM năm 2019.

Tính đến thời điểm hiện tại, bà đã công bố tổng cộng 135 bài báo khoa học, trong đó 75 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế.

GS.TS Nguyễn Thanh Mai từng chia sẻ: "Để trở thành một nhà khoa học thật sự, cần kiên trì theo đuổi đam mê, phải nắm bắt cơ hội và dám đương đầu với những thách thức. Khi hoàn thành một chương trình nghiên cứu, các bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc và tự hào về con đường mình chọn. Tôi luôn mong muốn các kết quả nghiên cứu cơ bản của mình có thể phát triển thành các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe hoặc là thuốc điều trị bệnh".

GS.TS.NGƯT Nguyễn Minh Thủy hiện là giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm, khoa Nông nghiệp, Trường đại học Cần Thơ. Bà được cấp bằng Thạc sỹ ngành công nghệ sau thu hoạch của Viện Kỹ thuật châu Á (Asian Institute of Technology - AIT), Thái Lan năm 31 tuổi. Sau đó, bà trở thành nghiên cứu sinh ngành kỹ thuật khoa học sinh học của trường KU Leuven (Katholieke Universiteit Leuven), Vương quốc Bỉ và được cấp bằng Tiến sĩ vào năm 2007. Năm 2010, bà được công nhận chức danh Phó Giáo sư ngành công nghệ thực phẩm, và là một trong ba nữ giáo sư liên ngành hóa học-công nghệ thực phẩm năm 2020.

Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Minh Thủy. Ảnh: VTC
Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Minh Thủy. Ảnh: VTC

Hơn 30 năm gắn bó với khoa học, GS.TS. NGƯT Nguyễn Minh Thủy tập trung nghiên cứu 2 hướng chính: Thứ nhất là “Dinh dưỡng trong mối liên quan với thực phẩm và con người”; Thứ hai là “Ứng dụng các kỹ thuật xử lý/tồn trữ/chế biến các loại nông sản nhiệt đới sau thu hoạch”.

Nhiều nghiên cứu của Giáo sư đã được ứng dụng tại nhiều Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Bến Tre, Sóc Trăng,  Vĩnh Long, Trà Vinh và Cần Thơ… giúp giải quyết lâu dài vấn đề về tiêu thụ nông sản, hỗ trợ nông dân và ngành nông nghiệp khi gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, bệnh dịch.

Bên cạnh đó, nữ Giáo sư cũng đã viết một Sách tổng hợp tất cả các công trình nghiên cứu đạt được đến năm 2016 (Sách: Kỹ thuật sau thu hoạch (Bảo quản và chế biến) một số loại nông sản ở đồng bằng sông Cửu Long, xuất bản năm 2016, NXB ĐHCT).

Trong giảng dạy, Giáo sư sử dụng các phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập và sự tiến bộ của sinh viên bằng các hoạt động trao đổi kiến thức chuyên môn trên lớp và đánh giá sinh viên theo các hình thức khuyến khích khác nhau, từ đó sinh viên tích cực học tập nâng cao kiến thức và trao đổi với giáo viên tích cực hơn.

Mặc dù đã đến tuổi được nghỉ hưu, nhưng GS.TS Nguyễn Minh Thủy vẫn khuyến khích, truyền cảm hứng NCKH cho thế hệ trẻ, bà chia sẻ: “Mình cố gắng truyền đạt lại những kỹ năng mình có cho thế hệ trẻ. Mình tin tưởng rằng, khi mình làm việc nghiêm túc thì học trò sẽ nhìn thấy tấm gương đó để học tập, nghiên cứu và làm việc nghiêm túc”.

Tính đến thời điểm hiện tại, GS.TS Nguyễn Minh Thủy đã có hơn 150 bài báo (tiếng Việt và tiếng Anh) được công bố trong các tạp chí khoa học có phản biện trong nước (có chỉ số ISSN) và tạp chí quốc tế có uy tín (SCOPUS, Indexed ISI). Bà có 28 công trình khoa học được công bố ở các kỷ yếu trong nước và quốc tế; đã báo cáo 48 công trình/kết quả nghiên cứu tại các hội thảo khoa học chuyên ngành trong nước (16 công trình) và quốc tế (32 công trình).

Giải thưởng Kovalevskaia là giải thưởng thường niên nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân là các nữ khoa học có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, đem lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực - kinh tế, xã hội và văn hóa.

Tính đến năm 2020, Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam đã xét chọn và trao giải thưởng cho 20 tập thể và 49 cá nhân nhà khoa học nữ có thành tích nghiên cứu khoa học tự nhiên xuất sắc và có ứng dụng nổi bật trong các lĩnh vực toán học, hóa học, sinh học, y tế, giáo dục, nông nghiệp...

Lễ trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021 dự kiến tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam (tháng 5/2022) tại Hà Nội.

Diệu Thuần (t/h)

Lễ trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2020 cho các nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu ứng dụng

Lễ trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2020 cho các nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu ứng dụng

Ngày 5-3, Lễ kỷ niệm 35 năm giải thưởng Kovalevskaia và lễ trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2020 cho các nhà khoa học nữ đã được tổ chức tại Hà Nội.