“Giới tính không quyết định thành công, chính bản thân mỗi người mới quyết định thành công của mình"

Với công trình “Chất xúc tác từ oxit kim loại chuyển tiếp và công nghệ xử lý khí thải và nước thải” của GS.TS Lê Minh Thắng đã dành giải thưởng Sáng tạo châu Á của quỹ Toàn cầu Hitachi.

Năm 2021, giải thưởng Sáng tạo châu Á của quỹ Toàn cầu Hitachi đã vinh danh 3 công trình nghiên cứu của các nhà khoa học nữ Việt Nam, trong đó công trình “Chất xúc tác từ oxit kim loại chuyển tiếp và công nghệ xử lý khí thải và nước thải” của GS.TS Lê Minh Thắng được vinh danh tại hạng mục Sáng tạo xuất sắc.

“Giới tính không quyết định thành công, chính bản thân mỗi người mới quyết định thành công của mình và biến cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn” - GS Lê Minh Thắng nói vậy khi trao đổi với phóng viên tạp chí PNM.

GS.TS Lê Minh Thắng - giảng viên cao cấp, Viện Kỹ thuật Hóa học, Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức Đại học Bách khoa Hà Nội.
GS.TS Lê Minh Thắng - giảng viên cao cấp, Viện Kỹ thuật Hóa học, Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức Đại học Bách khoa Hà Nội.

Giáo sư Lê Minh Thắng là giảng viên cao cấp, Viện Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội, Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức Đại học Bách khoa Hà Nội. Chị từng là nữ phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2009 và được công nhận giáo sư năm 2019, chuyên ngành tổng hợp hữu cơ hóa dầu. Hiện chị đang theo đuổi hướng nghiên cứu xử lý khí thải, bởi đây là hướng nghiên cứu có khả năng ứng dụng nhiều tại Việt Nam.

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm khoa học, ít ai biết rằng nữ Giáo sư Lê Minh Thắng từng có ước mơ theo đuổi nghiệp văn chương, nhưng cuối cùng chị lại quyết định lựa chọn gắn bó với ngành hóa học theo định hướng của gia đình.

Có lẽ bởi vậy mà trò chuyện với chị, sẽ thấy cuộc sống của một nhà nghiên cứu khoa học không chỉ gắn liền với phòng lab, với giảng đường, với những công thức khô khan, mà cuộc sống của nhà khoa học vẫn vô cùng thú vị hay “sống động” – theo cách chị nói. Ở chị là sự nhiệt huyết, quyết liệt, mạnh mẽ trong công việc, nhưng cũng đầy nữ tính và cả một tình yêu bất tận với nghiên cứu khoa học.

PV: Xin chúc mừng Giáo sư Lê Minh Thắng đã giành được giải Sáng tạo xuất sắc của quỹ Toàn cầu Hitachi. Chị có thể chia sẻ cho độc giả được biết chị đã bắt đầu nghiên cứu về “Chất xúc tác từ oxit kim loại chuyển tiếp và công nghệ xử lý khí thải và nước thải” từ khi nào và công nghệ này có thể áp dụng cho các mô hình sản xuất nào ạ?

GS.TS Lê Minh Thắng: Tôi đã có ý tưởng về hướng nghiên cứu tạo ra chất xúc tác từ oxit kim loại từ khi còn đang theo học Thạc sỹ, và thực sự tập trung vào nghiên cứu từ năm 2009. Cho đến nay tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu để có thể cho ra những sản phẩm xử lý các loại khí thải khác nhau. Ví dụ như xử lý riêng CO, xử lý riêng NOx, hoặc xử lý đồng thời cả CO, NOx và VOCs (các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi).

Công nghệ này có thể áp dụng được ở nhiều nhà máy có khí thải của các quá trình đốt cháy nhiên liệu. Vì xúc tác có thể xử lý các thành phần như là NOx, CO, VOCs. Hầu hết các nhà máy đều phải tiêu thụ năng lượng nên bằng cách này hay cách khác đều có quá trình đốt cháy nhiên liệu, mặc dù thành phần khí thải của mỗi nhà máy sẽ khác nhau. Ví dụ: nhà máy nhiệt điện thì sẽ có khí thải là Nox, các nhà máy đốt than, dầu, xăng… thì khí thải sẽ có các thành phần NOx, CO, VOC; các nhà máy sản xuất hóa chất hữu cơ, dung môi, sơn thì khí thải sẽ chứa chủ yếu là các hợp chất dễ bay hơi VOC. Các xúc tác của tôi cũng đều có thể xử lý. Dĩ nhiên đối với mỗi nhà máy thì cần phải nắm vững công nghệ để đưa ra dòng xúc tác phù hợp, chứ không phải một loại xúc tác mà dùng được cho tất cả các nhà máy.

GS.TS Lê Minh Thắng giới thiệu về chất xúc tác oxit kim loại. Ảnh: Ngô Hà/KHPT
GS.TS Lê Minh Thắng giới thiệu về chất xúc tác oxit kim loại. Ảnh: Ngô Hà/KHPT

Tôi đã ứng dụng công nghệ này tại một số nhà máy tại Hải Dương và Hà Nội và đạt được một số kết quả đáng mừng. Khi dùng xúc tác thì mùi giảm rất đáng kể, đỡ ảnh hưởng tới môi trường.

Tôi cũng rất vui khi biết tin công trình nghiên cứu của mình giành được giải thưởng HITACHI. Điều này là một sự ghi nhận, khích lệ đối với cá nhân tôi, và cũng là sự khuyến khích động viên các nhà khoa học nữ tự tin hơn khi tham gia các giải thưởng quốc tế, đưa công trình, kết quả nghiên cứu của mình giới thiệu tới công chúng. Tuy nhiên, điều tôi thấy hứng thú nhất lại chính là quá trình nghiên cứu ra sản phẩm.

PV: Thưa chị, là một nhà nghiên cứu có nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm, chị có thể chia sẽ thêm về những khó khăn và thách thức mà nhà khoa học có thể gặp phải trong việc đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường được không ạ?

GS.TS Lê Minh Thắng: Việc đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường, ứng dụng rộng rãi trong đời sống và sản xuất cũng có những khó khăn nhất định. Một trong những khó khăn đó là phải gặp được người có nhu cầu. Bạn biết đó, các nhà khoa học như chúng tôi thường không có tập trung vào việc đi gặp gỡ hoặc giới thiệu sản phẩm như những người làm kinh doanh. Chúng tôi tập trung nhiều vào nghiên cứu nên khả năng tiếp cận đối với những đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu bị hạn chế. Cũng không có nhiều thời gian để đưa các sản phẩm ra để nhiều người biết đến, mà nếu có nhiều người biết đến rồi cũng không có thời gian để đi sâu vào sản xuất. Chỉ có những nơi nào biết đến chúng tôi, tin tưởng vào chúng tôi mới tìm đến và đặt hàng chúng tôi.

Tuy nhiên, vấn đề trên chỉ đúng với những người chỉ tập trung vào nghiên cứu như tôi, với những nhà khoa học có đặt mục tiêu và kế hoạch đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường thì khả năng tiếp cận thị trường tốt hơn. Hiện nay, có những nhà khoa học trẻ có tinh thần khởi nghiệp rất lớn, các bạn ấy chú trọng việc đưa kết quả nghiên cứu của mình ra thị trường và dành nhiều thời gian hơn cho việc tiếp cận thị trường, khi đó khả năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu sẽ cao hơn.

Do đó việc đưa kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường được thành công hay không còn tùy thuộc vào định hướng riêng của mỗi người.

PV: Thưa chị, được biết chị là một trong những thành viên rất tích cực của Ban vận động thành lập Chi hội NTT Đại học Bách khoa Hà Nội. Chị có thể chia sẻ lý do vì sao chị mong muốn thành lập Chi Hội NTT trong trường ĐH? Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh, việc sinh hoạt, tổ chức các hoạt động của chi hội có những khó khăn gì? Và chị làm cách nào để khắc phục những khó khăn đó?

GS.TS Lê Minh Thắng: Tôi đã được biết đến Hội NTT Việt Nam khá lâu rồi và GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu cũng động viên, khuyến khích chúng tôi thành lập một “mái nhà chung” để phát triển các hoạt động khoa học của chị em.

Đối với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cán bộ nam giới chiếm đa số, nhưng các chị em phụ nữ cũng có nhiều hoạt động và thành tích xuất sắc về khoa học công nghệ không hề thua kém nam giới.

Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành chi hội NTT ĐH Bách Khoa nhiệm kỳ (2020- 2025)
Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành chi hội NTT ĐH Bách Khoa nhiệm kỳ (2020- 2025)

GS.TS Lê Minh Thắng: Tôi mong muốn các chị em phụ nữ có thể nhận ra việc bản thân là nữ giới không hề cản trở họ thành công. Nếu như ai đó nghĩ rằng phụ nữ không thể làm tốt như nam giới, thì đó là định kiến của chính bản thân họ. Và nếu phụ nữ có những định kiến như vậy, thì chính suy nghĩ ấy mới là điều cản trở họ, vì khi họ nghĩ nam giới có năng lực tốt hơn thì sẽ không cố gắng, phấn đấu hết mình để làm việc. Về năng lực giữa nam và nữ tôi nghĩ là như nhau. Trong bất cứ công việc gì, chỉ cần bạn hiểu rõ khả năng của mình và thực sự quyết tâm thực hiện thì chắc chắc bạn sẽ làm được tốt như nam giới. Nhưng để thành công thì còn phụ thuộc vào từng người, bạn có đủ kiên trì, nghị lực, niềm tin hay không nữa.

Do đó, chúng tôi thành lập Chi hội NTT Trường ĐH Bách khoa để tạo một môi trường cho các chị em có thể trao đổi, giao lưu với nhau, động viên, hỗ trợ khích lệ nhau phát triển các hoạt động nghề nghiệp, có được thành công trong nghiên cứu, trong sự nghiệp và có thêm năng lượng để theo đuổi đam mê.

Hiện tại thì chi hội có hơn 100 hội viên là các nhà khoa học nữ tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Chi hội thành lập trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát nên cũng gặp nhiều khó khăn, nhiều kế hoạch và dự định của chúng tôi đành phải tạm hoãn lại do dịch. Chúng tôi cũng tìm cách chuyển một số hoạt động sang hình thức online để tổ chức một số hoạt động cho chi hội và kết nối các thành viên. Gần đây, chúng tôi cũng có tổ chức một số hoạt động như chuỗi bài giảng đại chúng dành cho sinh viên và học sinh phổ thông, để khuyến khích và khơi dậy niềm đam mê khoa học trong các em. Hiện nay, các bài giảng sẽ được chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội của trường với tần suất phát sóng 1 số/ tháng. Nội dung bài giảng là những vấn đề khác nhau về khoa học công nghệ trong Trường ĐH Bách khoa mà ĐH Bách khoa có chuyên ngành, chẳng hạn như: thị giác máy tính, xác định ô nhiễm không khí bằng trí tuệ nhân tạo, thời trang và cuộc sống. Đây là những bài giảng giúp sinh viên, học sinh hình dung cụ thể hơn về các vấn đề khoa học công nghệ được ứng dụng trong cuộc sống.

Trong năm 2021, chúng tôi cũng đã tổ chức hoạt động STEM cho học sinh, sinh viên. Trong hoạt động này, các em có thể đến phòng thí nghiệm và tham gia thực hiện một số thí nghiệm đơn giản theo sự hướng dẫn của các cô. Tuy nhiên, đây là hoạt động offline cho nên chúng tôi mới tổ chức được một buổi thì phải tạm dừng do dịch.

Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn tổ chức một số hoạt động kết nối doanh nghiệp, đi tham quan, làm việc với một số doanh nghiệp để hỗ trợ hội viên thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

PV: Là một trong những nhà nghiên cứu thành công cả trong công việc và cuộc sống, chị có điều gì muốn nhắn nhủ tới các thế hệ nghiên cứu trẻ không ạ?

GS.TS Lê Minh Thắng cùng các cộng sự trong phòng thí nghiệm bên sơ đồ công nghệ xử lý khí thải. Ảnh: Ngô Hà/ KHPT
GS.TS Lê Minh Thắng cùng các cộng sự trong phòng thí nghiệm bên sơ đồ công nghệ xử lý khí thải. Ảnh: Ngô Hà/ KHPT

GS.TS Lê Minh Thắng: Nhắn nhủ thì không hẳn, nhưng tôi muốn chia sẻ rằng: Các bạn trẻ hãy luôn luôn nuôi dưỡng cho mình sự sôi nổi, nhiệt huyết với cuộc sống và công việc, làm việc hết lòng hết mình từ đó sẽ tìm thấy rất nhiều điều thú vị.

Tôi thấy rằng cuộc sống rất sôi động và tôi không muốn cuộc sống trôi qua một cách bình thường, mà muốn làm cho cuộc sống trở nên đặc biệt hơn, sống động hơn.

Tôi cũng mong muốn mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ luôn dung dưỡng những suy nghĩ tích cực để cuộc sống nhiều năng lượng và hạnh phúc hơn. Hãy sống và làm việc hết mình chứ đừng vì cái gì cả. Nhiều khi các bạn đặt vấn đề làm cái này có lợi ích gì, có được thành công hay không thì sẽ mất đi sự nhiệt huyết, độ “máu lửa” trong công việc.

Hãy xác định mục đích không phải chỉ là thành công, cái đích chính là quá trình làm việc say mê. Nếu bạn làm vì niềm vui, vì đam mê, thì chắc chắn bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc vì mình được sống với chính mình, và thành công cũng sẽ đến với bạn.

Không nên lấy thành công làm mục đích hay thước đo, hãy sống một cách nhiệt huyết và ý nghĩa nhất.

Xin chân thành cảm ơn chị!

Các hướng nghiên cứu chính của GS.TS Lê Minh Thắng:

- Xúc tác xử lý khí thải các quá trình đốt cháy nhiên liệu (xử lý riêng biệt hoặc đồng thời các thành phần CO, hydrocarbon, VOCs, NOx...)

- Xúc tác oxy hóa chọn lọc các hydrocarbon nhẹ (methane, ethylene/ethane, propylene/propane...) thành các hợp chất hữu cơ có giá trị công nghiệp (methanol, acrylic acid, propanol/propanal...)

- Xúc tác quang hóa xử lý chất hữu cơ và kim loại nặng trong nước thải

Diệu Thuần

Chi hội Nữ trí thức trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chính thức được thành lập

Chi hội Nữ trí thức trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chính thức được thành lập

Chiều 15/10, Hội Nữ trí thức Việt Nam kết hợp với Ban vận động đã tổ chức Đại hội thành lập Chi hội nữ trí thức trường ĐH Bách Khoa Hà Nội.