Hải sản ngoại ồ ạt vào chợ, siêu thị

Hiện các loại hải sản ngoại (HSN) như tôm, cá, cua, nghêu, sò, ốc… xuất hiện ngày càng nhiều tại các chợ, cửa hàng trên địa bàn TP.HCM.

Mặc dù chất lượng không sánh bằng HS nội nhưng do tâm lý sính ngoại, HS ngoại nhập an toàn hơn nên HSN vẫn thu hút khách, có chỗ đứng trên thị trường.

Sính ngoại vì giá ngày càng rẻ

Tại các cửa hàng hải sản, HSN chiếm số lượng không hề nhỏ, người đến tìm mua HSN khá đông và giá thành không còn quá đắt đỏ như trước.

Tại cửa hàng Hiếu hải sản (Ngô Đức Kế, P.12, Q.Bình Thạnh) có đủ loại HSN như ốc vòi voi Canada (còn gọi là tu hài Canada), vẹm xanh Newzealand, hàu Pháp, tôm hùm Canada, ca hoàng đế Na Uy và Hàn Quốc, bào ngư Hàn Quốc, sò điệp Hokkaido, cá bơn Hàn Quốc, cá hồi Na Uy…

Chủ cửa hàng cho biết, tại Việt Nam cũng có những loại hải sản này nhưng không sánh bằng hàng ngoại, chẳng hạn như ốc vòi voi của Việt Nam có kích thước nhỏ hơn, thịt không chắc, ngọt bằng loại nhập khẩu.

Hải sản ngoại ồ ạt vào chợ, siêu thị

Mặc dù loại này có giá từ 1-1,9 triệu đồng/ký nhưng vẫn được nhiều khách hàng ưa chuộng. Nhiều loại HSN nhưng cũng có giá khá rẻ như vẹm xanh Newzealand loại đông lạnh, đã tách vỏ, có giá chỉ 280.000đ/ký, thịt ăn chắc, giòn, ngọt không thua vẹm sống; hàu Pháp giá 120.000đ/20 con hay cá hồi Na Uy chỉ có giá 400.000đ/ký.

“Lượng hàng bán ra ngày một tăng hơn so với trước đây, nhiều loại HSN phải “cháy hàng” vì cung không đủ cầu”, chủ cửa hàng cho hay.

Tại các chợ truyền thống như Hòa Bình (Q.5), Xóm Chiếu (Q.4), Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), lượng HSN như cá thu Nhật, mực lá Đài Loan, cá nục bông Nhật, cá cam Nhật… chiếm số lượng không hề nhỏ.

Đang lựa mớ cá cam Nhật tại chợ Hòa Bình, chị Bích thẳng thắn thừa nhận gia đình thích ăn cá ngoại hơn cá nội. “Cá Cam nội và ngoại đều đồng giá 60.000đ/ký trong khi đó cá nội sống trong vùng biển bị ô nhiễm, còn cá ngoại được quản lý nghiêm ngặt nên yên tâm hơn” – chị Bích nói.

Không riêng gì chị Bích, tại các chợ truyền thống không khó để bắt gặp nhiều bà nội trợ chọn HSN. “Trước đây người tiêu dùng chuộng cá nội vì ngon. Kể từ khi có thông tin biển miền Trung bị ô nhiễm, không ít người chuyển sang ăn cá ngoại vì giá tương đương cá nội nhưng lại an toàn” – một tiểu thương chợ Hòa Bình nói.

Vẹm xanh Newzealand giá không quá cao, thịt ăn chắc, giòn, ngọt
Vẹm xanh Newzealand giá không quá cao, thịt ăn chắc, giòn, ngọt

Tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), vào khu hải sản, thi thoảng sẽ thấy tiểu thương bán nhiều loại nghêu, sò, ốc từ Thái Lan, Campuchia…

Giá các loại ốc ngoại này cũng tương đồng với ốc nội, chẳng hạn sò huyết giá 80.000 – 120.000 đ/ký, nghêu giá 20.000 – 35.000 đ/ký. Một tiểu thương chợ này cho biết, trước đây người dân thấy lạ nên mua ăn thử, ngày nay do tâm lý sính ngoại, giá lại rẻ ngang ngửa thậm chí thấp hơn hàng Việt nên vẫn có chỗ đứng trên thị trường.

Được biết các loại ốc này không hề được nhập khẩu đường chính ngạch, chủ yếu mua sỉ từ các ngư dân vùng lãnh hải, vùng biên giới biển Kiên Giang, Cà Mau rồi đưa vào nội địa tiêu thụ nên không biết có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay không.

Ghi nhận tại các vựa hải sản khác trên địa bàn TP.HCM, HSN nhập chiếm 30-50% tổng lượng hàng, được bán dưới hình thức tươi sống (đã gây mê rồi chuyển về Việt Nam bằng đường hàng không) hoặc đông lạnh.

Theo số liệu từ chợ đầu mối Bình Điền (Q.8, TP.HCM), HSN nhập về khoảng 80 tấn mỗi đêm, khoảng 5-7 loại. Chiếm phần lớn là các loại như cá nục bông giá bán ra 31.000-36.000 đồng/kg, đầu cá hồi Na Uy 35.000-40.000 đồng/kg, cá cam Nhật Bản 55.000-62.000 đồng/kg, mực ống và mực lá Đài Loan 80.000-100.000 đồng/kg, cá hồi 210.000-220.000 đồng/kg, cá thu đao 33.000-38.000 đồng/kg...

Về giá, so với trước đây thì HSN có giá ngày càng rẻ. Chẳng hạn, trước đây ốc vòi voi xách tay từ Mexico, Mỹ bán với giá 1,4 triệu đồng/ký thì nay nhiều đơn vị bán sỉ chỉ có giá 500.000 – 900.000đ/ký. Nhiều loại khác cũng có giá rẻ hơn trước.

Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng lớn, HSN nhập về Việt Nam ngày càng nhiều nên không còn giá đắt đỏ. Không chỉ các nhà hàng, khách sạn mới lấy HSN về bán mà cả quán ăn tầm trung cũng bắt đầu bán HSN.

Cá cam Nhật Bản giá chỉ từ 55.000-62.000 đồng/kg
Cá cam Nhật Bản giá chỉ từ 55.000-62.000 đồng/kg

Chỉ lo hàng tiểu ngạch, xách tay trôi nổi

Theo Chi cụ Thú y vùng VI (Bộ NN&PTNT), HSN về Việt Nam nhiều nhất từ Ấn Độ, Na Uy, Nhật Bản, Trung Quốc. Các loại thủy hải sản khi nhập về Việt Nam đều thuộc đối tượng kiểm dịch. Nếu hàng nhập chủ yếu từ các nước có vùng biển lạnh thì nguy cơ về dịch không cao

Ông Trần Đình Vĩnh – Chủ tịch Hiệp hội thủy hải sản TP.HCM cho biết, chỉ lo sợ hàng thủy hải sản nhập theo đường tiểu ngạch, nhập lậu chứ thủy hải sản nhập khẩu theo đường chính ngạch đều được kiểm tra rất nghiêm ngặt từ chất lượng, hạn sử dụng, giấy kiểm tra chất lượng ở cửa khẩu…

Trên “chợ” mạng, hiện HSN xách tay được rao bán tràn ngập, trong đó nhiều nhất là các loại cá hồi, bào ngư, nghêu, sò ốc, tôm hùm đỏ. Theo những tiểu thương tại chợ Bình Điền, nếu mua hàng xách tay hay tại các cửa hàng hải sản không uy tín, người mua có thể gặp phải hàng tráo.

Chẳng hạn, một số nơi rao bán vẹm sống Newzealand với giá rẻ, người tiêu dùng có thể mua phải vẹm Phú Yên (Việt Nam) vì kích cỡ và hình dáng tương đối giống nhau. Hay như rau bán hàu Pháp, khách có thể mua hàu giống Pháp nhưng nuôi tại Việt Nam chứ không phải nhập từ Pháp.

Đặc biệt, cũng có thực trạng, người bán trà trộn hải sản Trung Quốc nhập tiểu ngạch rồi tự phong hải sản các nước Ấn Độ, Na Uy… Người mua hoàn toàn mù tịt thông tin vì không có đặc điểm nào để nhận dạng giữa hàng Việt, Trung Quốc hay các nước khác.

HOÀNG HẢI

Hải sản giảm mạnh tại siêu thị

Hải sản giảm mạnh tại siêu thị

Giá thực phẩm hôm nay 12/11 ghi nhận hải sản các loại gồm cua, tôm, nghêu tại siêu thị giảm mạnh, đối với chợ lẻ ở TP.HCM giữ mức giá ổn định.