Hạn mặn chưa từng có trên khắp miền Tây

Người thiếu nước uống, lúa thiếu nước tưới. Đất đai khô cằn, hạn mặn bủa vây các tỉnh miền Tây ngày càng khốc liệt.

Những ngày vừa qua, tại các tỉnh ven biển ĐBSCL như Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau... hạn mặn xâm nhập ngày càng dữ dội khiến người nông dân lao đao.

Theo đó, rất nhiều kênh rạch trong tình trạng trơ đáy, đồng ruộng nứt nẻ,... Theo dự báo, độ mặn năm nay có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm và cao hơn thiên tai năm 2016.

Không chỉ gây thiệt hại đến nền kinh tế khi lúa thì thiếu nước tưới, đất đai khô cằn mà ngay cả các hộ gia đình còn thiếu nước để uống và sinh hoạt.

  Hạn mặn khốc liệt, lúa chết non, khắp miền Tây mang can đi thồ nước

Hạn mặn khốc liệt, lúa chết non, khắp miền Tây mang can đi thồ nước

Chia sẻ với Vnexpress, 4h30 sáng, Hai Phương (ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) thức dậy, pha vội ấm trà để kịp mang theo ra đồng. Đây là thói quen của người đàn ông 45 tuổi, sau 15 năm gắn bó với nghề trồng màu. Nhưng buổi sáng hôm ấy, lội bộ ra con kênh Kiểm Lâm phía trước nhà, ông thừ người khi thấy mực nước dưới kênh đã sụt vài tấc chỉ trong một đêm.

Chỉ sau vài ngày, nước dưới kênh tiếp tục cạn dần, Hai Phương lo lắng, dùng máy bơm chạy hết công suất đưa nước vào ruộng, nhưng nước cũng chỉ "trụ" lại được một, hai ngày rồi lại trơ đáy dưới cái nóng thiêu đốt.

Cách vùng đất cực Nam 170 km, giữa trưa nắng khoảng 33 độ C, những chiếc máy cày vẫn đang xới tung mặt ruộng, trên cánh đồng lúa khô héo đã 40 ngày tuổi ở xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Một nông dân lùa đàn bò ra giữa cánh đồng, chúng cặm cụi gặm những đám lúa èo uột, vàng cháy còn sót lại bên những luống cày. Kênh nội đồng quanh vùng cạn trơ đáy, trong khi các kênh đổ ra sông Hậu thì quá mặn, không thể lấy nước vào ruộng.

Những ruộng lúa đang trổ đòng chờ nước tưới nhưng những người nông dân nơi đây vẫn chỉ biết cầu trời
Những ruộng lúa đang trổ đòng chờ nước tưới nhưng những người nông dân nơi đây vẫn chỉ biết cầu trời

"Khu này 4 ha, do không có nước, lúa chết nên phải xới bỏ, để phơi đất diệt mầm bệnh, chờ cuối tháng 4 mưa xuống mới sạ lại được", ông Nguyễn Thanh Hùng, 65 tuổi, buồn rầu nói. Năm ngoái, cánh đồng nhà ông Hùng trúng mùa, được giá, mỗi ha lúa lãi gần 30 triệu đồng. Vụ này, sau khi đổ vào mỗi ha 10 triệu đồng chi phí làm đất, phân bón, giống, công lao động, giờ gia đình ông mất trắng.

Ông Hùng không phải là trường hợp duy nhất bị ảnh hưởng bởi mùa hạn mặn khốc liệt. Dọc theo sông Hậu, hơn 10 km từ Long Đức đến Tân Hưng, những cánh đồng chết, mặt ruộng khô nứt nẻ nối tiếp nhau, nước ngoài sông mặn chát.

Ngồi thẫn thờ bên bờ ruộng nhặt những hạt lúa giống khô queo, bà Nguyễn Thị Nhiên (38 tuổi, Tân Hưng) cho biết, sau khi sạ hơn 40 ngày, do không có nước tưới, nên mầm lúa không lên nổi. Vụ này, bà xuống giống 20 ha, đến nay, xem như "công cốc", thiệt hại hơn 150 triệu đồng.

Đến nay, Cà Mau ghi nhận hơn 16.000 ha lúa bị thiệt hại 30-70%; 340 ha hoa màu có nguy cơ bị ảnh hưởng do hạn mặn, chủ yếu ở huyện Trần Văn Thời. Mùa hạn mặn khốc liệt bốn năm trước, toàn tỉnh có hơn 50.000 ha lúa bị thiệt hại; 4.700 ha hoa màu chết khô. Cà Mau cùng 12 địa phương khác ở miền Tây đã công bố thiên tai hạn hán. 

Không chỉ riêng tại Cà Mau, Sóc Trăng,... đây cũng là tình trạng chung của nhiều đám lúa khác tại Giống Trôm, Bến Tre. 
Không chỉ riêng tại Cà Mau, Sóc Trăng,... đây cũng là tình trạng chung của nhiều đám lúa khác tại Giống Trôm, Bến Tre. 

Ông Lương Văn Hiếu, 58 tuổi, ở ấp Mỹ Trung, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, Bến Tre chia sẻ với Vietnamnet, giờ chỉ mong trời mưa hay con nước tới, nước dưới kênh đỡ mặn để bơm lên ruộng, không thì đứt luôn. 3 công lúa đang trổ nên suốt 10 ngày qua, ngày nào ông Hiếu cũng ra thăm đồng.

Người dân tại Giồng Trôm, Bến Tre phải dùng những thùng lớn chở nước ngọt từ nơi khác về. 
Người dân tại Giồng Trôm, Bến Tre phải dùng những thùng lớn chở nước ngọt từ nơi khác về. 

Anh phạm Minh Trọng nói Nước máy ở nhà mặn dữ lắm, không sử dụng được. Trung bình mỗi ngày 1 khối nước 4 người sử dụng mới đủ, nhưng đó là tiết kiệm lắm rồi, anh Trọng nói. Có những nơi phải mua nước với giá 200.000 đồng/m3.

Những ngày gần đây, người dân lấy nước trong một ngôi chùa có nước ngọt. Một sư thầy nơi đây cho biết mỗi ngày có vài chục xe tải đến đây để chở nước, nhà chùa chỉ phụ thu tiền điện còn lại bà con dùng nước miễn phí.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã mở hàng chục vòi nước công cộng cho người dân các huyện phía đông sử dụng nước miễn phí.

Dự báo độ mặn các vùng hạ lưu Nam bộ trong tuần từ 28/2- 5/3, độ mặn sông Vàm Cỏ và dọc sông Tiền xuất hiện vào đầu tuần, ở mức lớn hơn năm 2016. Ranh mặn 4 g/l xâm nhập sâu nhất khoảng 80km trên sông Hàm Luông, trên sông Vàm Cỏ khoảng 85km, các sông khác 40 65km.

PV (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương