Hậu COVID-19: Mô hình kinh tế Trung Quốc thay đổi thế nào?

Trung Quốc từ bỏ đặt mục tiêu tăng trưởng của năm 2020. Thủ tướng Trung Quốc đã công bố trong báo cáo hàng năm trước Quốc Hội. Ông Lý Khắc Cường thừa nhận nền kinh tế thứ 2 thế gới đang chật vật khởi động sau khủng hoảng dịch COVID-19.

Trong hoàn cảnh thế giới đầy bất trắc, Bắc Kinh đặt cược vào phát triển kỹ thuật số và các công ty tư nhân mặc dù nguy cơ khủng hoảng Hong Kong khuấy động trở lại.

Chuyên gia Mathieu Duchâtel, Giám đốc chương trình châu Á, Viện tư vấn chính trị Montaigne của Pháp, đánh giá rằng 2020 là một năm rất đặc biệt, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ ở dưới mức của các năm trước đó.

Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây đánh giá mức tăng trưởng của Trung Quốc chỉ dưới 3%, thậm chí còn thấp hơn nữa. Tuy nhiên, trong bối phục hồi khó khăn, Trung Quốc vẫn tiến hành công cuộc hiện đại hoá quân đội với việc tăng chi tiêu quân sự lên 6,6%. Với mức tăng này, ngân sách quân sự của Trung Quốc năm 2020 sẽ là 178 tỷ USD, tức đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ.

  Lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc giảm 27,4% trong bốn tháng đầu năm 2020. Ảnh: AP

Lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc giảm 27,4% trong bốn tháng đầu năm 2020. Ảnh: AP

Điều đáng chú ý mức tăng ngân sách quốc phòng không còn mối tương quan với tăng trưởng kinh tế khi Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố từ bỏ ấn định chi tiêu tăng trưởng kinh tế. Theo chuyên gia này, đây là điểm mới vì tất cả những năm trước mức tăng ngân sách quốc phòng vẫn nhỉnh hơn một chút so với mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Như vậy, thông điệp ở đây cũng thay đổi. Trước kia, việc chi tiêu quốc phòng phát đi thông điệp về sự trỗi dậy của Trung Quốc thành cường quốc kinh tế và quân sự. Năm nay có khác. Tín hiệu gửi đi là các chương trình hiện đại hoá quân đội không bị ảnh hưởng vì khủng hoảng kinh tế Trung Quốc và các mục tiêu an ninh quốc gia vẫn như vậy.

Trung Quốc đang ở trong giai đoạn cạnh tranh rất gay gắt với Washington nên nước này phải chi phí ở mức cần thiết để duy trì tính liên tục trong chương trình hiện đại hoá quân đội của mình. Về vấn đề kiểm soát đại dịch, Trung Quốc đã sớm thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế này. Vì vậy, chuyên gia Mathieu Duchâtel cho rằng Bắc Kinh sẽ nắm lấy cơ hội này để vực dậy nền kinh tế.

Trang Asia Times ngày 26/5 cho biết chiến lược giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với xã hội và kinh tế Trung Quốc mà Thủ tướng Lý Khắc Cường đưa ra đặt trọng tâm vào việc đảm bảo an ninh việc làm, đời sống người dân, an ninh lương thực và năng lượng, chuỗi cung ứng và công nghiệp ổn định. Mục tiêu chính là đưa nền kinh tế và xã hội trở lại bình thường.

Trong khi đó, chuyên gia Mathieu Duchâtel cho rằng Bắc Kinh sẽ buộc phải có những lựa chọn mà họ đã từ chối trong những năm trước đây. Trước tiên, Trung Quốc sẽ lựa chọn khôi phục kinh tế không phải bằng tiêu thụ mà là bằng đầu tư.

Người ta trông đợi có những thông báo về kế hoạch đầu tư chủ đạo của Trung Quốc là phát triển hạ tầng cơ sở dịch vụ của cuộc cách mạng kỹ thuật số, đặc biệt là hạ tầng cơ sở mạng Internet thế hệ thứ 5 (5G) và các trung tâm dữ liệu.

Ngoài ra, trong các thông báo của thủ tướng, Trung Quốc nhắm nhiều hơn chút vào lĩnh vực kinh tế tư nhân với các chính sách nới lỏng quy định cấp tín dụng cho các công ty cũng như giảm thuế mạnh mẽ cho các doanh nghiệp.

Chuyên gia này nhận định rằng Trung Quốc đang rời xa tư bản nhà nước thắng thế trong những năm qua, đó là thời điểm mà các doanh nghiệp nhà nước được hỗ trợ mạnh mẽ của chế độ. Điều này cho thấy Trung Quốc ý thức được phải dựa vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ để xử lý khủng hoảng việc làm và xử lý các vấn đề kinh tế ở cấp địa phương. Như vậy, Trung Quốc có chút thay đổi về mô hình kinh tế của mình.

(Nguồn: TTXVN)

PV (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương