Hãy đánh lừa bộ não

Những bài học sống còn của quá trình tiến hóa được lưu giữ trong não bộ, trở thành những phản ứng và lối tắt ra hiệu cho những quyết định hằng ngày.

Ngày này qua ngày khác, nắng cũng vậy mà mưa cũng thế, cứ 6 rưỡi sáng báo thức lại đổ chuông. Bạn với lấy điện thoại, ấn chọn “Báo lại”, không quên thả một câu cằn nhằn. Năm phút sau, chuông lại kêu. Rồi mười phút, mười lăm phút. Riết rồi bạn cũng phải dậy. Cằn nhằn mãi rồi cũng phải dậy. Mắt nhắm mắt mở chui vào nhà vệ sinh. Vận đồ rồi ăn sáng qua loa. Leo lên xe máy, bạn lao vào dòng người đông đúc cũng đang cáu bẳn hệt như mình.

Và thế là một ngày mới - tẻ nhạt và buồn chán - lại bắt đầu.

Ngày qua ngày, dường như một đám mây u ám cứ thể tích tụ và đè nặng lên chúng ta, khiến cả tâm trí lẫn thể xác và cảm xúc của ta dần dần rạn nứt.

Theo thống kê của Bộ Y tế vào năm 2019, khoảng 15% dân số nước ta mắc các chứng rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress. Nhưng trên thực tế, con số này thậm chí còn lớn hơn và ngày càng gia tăng. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thì trong năm 2020, trầm cảm sẽ trở thành căn bệnh đứng thứ hai về tầm ảnh hưởng lên sức khỏe của người Việt - chỉ đứng sau tim mạch mà thôi. Số người tự tử do trầm cảm mỗi năm cũng được ước tính là gấp 2,5 lần so với số người chết vì tai nạn giao thông.

Quả là một hiện thực đau lòng và những con số đáng sợ!

Tại sao?

Đã hàng ngàn năm nay, các nhà khoa học, các vị triết gia và cả những “bậc thầy” rao giảng về tự lực cũng phải hao tổn không biết bao nhiêu công sức để giải mã câu hỏi: Tại sao chúng ta lại làm những việc mà mình làm? Hay chính xác hơn là, tại sao chúng ta lại thường không làm những việc mà mình muốn làm?

Ảnh minh họa: istock.
Ảnh minh họa: istock.

Tác giả Mike McHargue - người sáng lập và dẫn chương trình radio “Science Mike” (tạm dịch: Mike Khoa Học) vì đam mê tìm hiểu khoa học và lý giải cuộc sống - đã đào sâu vào câu hỏi ấy trong cuốn sách mới nhất của mình mang tên You’re a Miracle (and a Pain in the Ass) (tạm dịch: Bản thân bạn là phép nhiệm màu (và cũng là kẻ đáng ghét).

Là một diễn giả có uy tín, từng xuất hiện trên sân khấu của Google và MIT, cố vấn khoa học và câu chuyện cho Marvel Studio, McHargue đã vận dụng những kiến thức cũng như kỹ năng nghiên cứu của mình để làm sáng tỏ cách vận hành của bộ não. Và từ đó, giải thích cho nhiều hành động của chúng ta.

Con người thường cho rằng mình là sinh vật có lý trí và luôn dựa vào suy nghĩ, tư duy logic để hành động. Thế nhưng, sự thật mà khoa học đã chứng minh lại là não bộ của chúng ta không đáng tin một chút nào. Nó thậm chí cũng chẳng hề tự mình đưa ra quyết định. Hàng loạt các yếu tố như cảm xúc, ngoại cảnh và cả những suy nghĩ bốc đồng đầy xung đột đều góp mặt vào cuộc chơi này. McHargue đã vạch trần chúng qua các nghiên cứu tâm lý học, xã hội học, khoa học thần kinh và kinh tế học hành vi. Dẫn chứng và số liệu được trích dẫn và liệt kê đầy đủ, nhưng không vì thế mà cuốn sách của ông trở nên khô khan. Ông phân tích và mổ xẻ từng vấn đề qua những câu chuyện của riêng mình - những trắc trở và bế tắc - và khiến cho You’re a Miracle (and a Pain in the Ass) mang màu sắc của một cuốn tự truyện nhẹ nhàng. Vậy là độc giả cứ thế đồng hành cùng McHargue trên hành trình đi tìm lý do TẠI SAO?

Tại sao dù đã cảm thấy thực sự không hài lòng với cuộc sống hiện tại, mà ta vẫn không thể bắt bản thân thay đổi tình thế? Rõ ràng là đã tự nhủ phải tập trung lo xong phần việc thật sớm để rồi nghỉ ngơi, mà cứ phút chốc, ta lại bị cuốn vào chiếc điện thoại. Rõ ràng là đã hạ quyết tâm tập tành, mà quay đi quay lại, ta đã ngồi ì trên ghế tự lúc nào. Tại sao thế nhỉ? Tại sao trí não dưỡng như chẳng chịu nghe lời mong muốn của ta?

Liệu có phải vì chúng ta quá lười biếng nên không thể thay đổi, quá sợ hãi nên không dám dấn thân vào những điều mới chăng?

Những cảm xúc thường bị coi là tiêu cực - buồn bã, tức giận hay lo sợ - thực ra lại là chìa khóa giúp con người sống sót và phát triển qua quá trình tiến hóa. Và cuốn sách của McHargue sẽ giúp ta hiểu được chúng, cũng như hiểu được tại sao mình mắc kẹt với chúng.

Đi tìm câu trả lời

Trải qua hàng trăm triệu năm tiến hóa, bộ não của con người đã tạo ra nhiều “đường tắt” - các suy nghiệm (heuristic) - để có thể bảo toàn năng lượng và hoạt động hiệu quả hơn. Những lối tắt nhận thức này chính là chủ nhân của các đánh giá và cách giải quyết chớp nhoáng mà đôi khi, chính bản thân chúng ta cũng không cảm nhận được. Ví dụ như nếu quảng cáo của một sản phẩm nào đó đồng điệu với tâm hồn bạn, thì tới lúc cần đến, bạn sẽ thiên vị sản phẩm ấy dù trên thị trường có bao nhiêu nhãn hiệu khác. Có cân đo đong đếm, so sánh lợi hại đến đâu thì bộ não cũng đã ưng mắt một đối tượng rồi.

Những bài học sống còn được in đậm và trở thành lối tắt cho những quyết định hàng ngày (Ảnh minh họa: internet).
Những bài học sống còn được in đậm và trở thành lối tắt cho những quyết định hàng ngày (Ảnh minh họa: internet).

Kết quả, như các bạn có lẽ cũng đã đoán được, là “đi tắt đón đầu” không phải lúc nào cũng là cách ra quyết định chất lượng và có lý nhất. Nghiên cứu xuất bản năm 2017 của nhóm các nhà tâm lý học thuộc Đại học Duke, Mỹ đã khẳng định bấy lâu nay, cảm xúc bị đổ oan là kẻ thù của lý trí, trong khi kẻ ném đá giấu tay thực ra lại là bộ não lười biếng của chúng ta.

Khoa học công nghệ tân tiến, nền văn minh phát triển, nhưng bộ não của con người vẫn không thể quên được những bài học sống còn của quá trình tiến hóa. Chúng in đậm và trở thành những phản ứng và lối tắt ra hiệu cho những quyết định hàng ngày. Tay chân lạnh cóng trước khi thuyết trình nơi đông người ư? Kết quả của việc tổ tiên của chúng ta phải hạn chế tối đa lượng máu chảy khi đương đấu với các loài vật khác đấy mà. Sợ phải bứt khỏi cuộc sống quen thuộc sao? Bộ não muốn ngăn ta đến với những điều mới bởi sự quen thuộc đảm bảo cho sự an toàn. Những người quen thuộc không phải là kẻ thù (dù ta có thích họ hay không). Và những nơi quen thuộc cho ta no bụng và giấc ngủ không lo nghĩ. Bị rơi vào hố sâu trì hoãn à? Vì bạn đang quá căng thẳng nên bộ não ra lệnh cho bạn gác nó sang một bên đấy.

Vậy hóa ra, chúng ta cứ mãi bế tắc trong cuộc sống của mình không phải vì ta kém cỏi hay hèn nhát, mà bởi bộ não của ta cứ mãi kẹt trong những lối mòn nhận thức và bị đánh lừa bởi những chỉ dấu tưởng như có lợi. Bạn cần tập thể dục làm gì? Bạn đang ngồi xem tivi thư giãn, thoải mái lắm rồi mà. Bạn cần tập trung làm việc ư? Ôi, sao mà áp lực thế, nghỉ ngơi đi chứ lỡ lả ra đấy thì sao? Bạn muốn đi tìm cơ hội ở thành phố khác à? Nhưng mà công việc ở đây tốt mà, bạn bè ở đây tốt mà, chăn vẫn ấm đệm vẫn êm cơ mà. Thế là hết lần này sang lần khác, ta nằm ì trong mớ hỗn độn khiến mình bực tức mỗi ngày. Không phải vì ta “thích” thế, mà vì bộ não thích ta làm thế.

Đánh lừa bộ não

Vậy có cách nào để thoát khỏi cái vòng quẩn quanh ấy không? Làm sao để ta dứt ra khỏi những thói quen cố hữu? Câu trả lời chính là hãy đánh lừa bộ não.

Nếu muốn làm việc hiệu quả, bạn có thể tìm cách tiếp xúc với ánh mặt trời nhiều hơn. Ánh nắng báo hiệu cho bộ não biết rằng một ngày mới đã bắt đầu và đã đến lúc cơ thể phải lao động. Có thể bạn không có thời gian (hay không muốn) đi tập thể dục mỗi sáng, nhưng việc tiếp thêm ánh sáng tự nhiên cho cơ thể vẫn hoàn toàn khả thi. Bạn có thể tranh thủ ra ban công hay lên sân thượng hít thở một chút trước khi đi làm, mở rộng rèm cửa trong phòng làm việc hay sắp xếp một chỗ có thật nhiều ánh sáng nếu đang làm việc tại nhà.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Một mẹo khác để tự thúc đẩy bản thân chăm chỉ hơn là liệt kê những việc bạn cần hoàn thành, có thể gộp chúng vào các nhóm nhỏ nữa, và bắt đầu từ những việc đơn giản nhất. Dopamine được sản sinh sau khi làm xong một đầu việc sẽ kích thích não tiến lên xử lý những đầu việc tiếp theo một cách vui vẻ.

Còn nếu bạn muốn xây dựng thói quen tập thể dục, thì đừng tự gây áp lực cho mình là phải tập thật hăng, thật nhiều. Cứ tự tin bắt đầu bằng những bài tập nhỏ và ngắn, thậm chí chỉ cần vươn vai, kéo giãn ngay trên giường khi mới ngủ dậy thôi cũng được. Dần dần, bộ não sẽ quen với những hoạt động này và coi chúng như hoạt động bình thường. Bấy giờ, bạn có thể tăng dần cường độ tập luyện mà không sợ não “ngại” cái mới nữa.

Thêm một việc đơn giản mà bạn có thể làm để nhắc nhở bản thân tập thể dục chính là để mắt luôn nhìn thấy đồ tập: Giày tập ở ngay trước cửa, thảm yoga ở ngay phía tường đối diện giường, quần áo tập treo sẵn trên mắc. “Xa mặt thì cách lòng”, hãy nhắc bộ não nhớ đến việc luyện tập thay vì ép nó muốn luyện tập.

Mẹo cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng chính là mỉm cười với bản thân. Nghe thì kì quặc, nhưng Bác sĩ Thần kinh học Isha Gupta đã giải thích hành động mỉm cười kích thích não giải phóng dopamine và serotonin, khiến chúng ta vui vẻ và làm giảm căng thẳng. Bác sĩ Tâm thần học Eva Ritzo thì chia sẻ thêm nụ cười kích hoạt các tế bào thần kinh phản chiếu (mirror neuron) - các tế bào cho phép ta sao chép và phản chiếu lại hành động kết nối với khả năng thấu cảm mà ta quan sát được ở đối phương. Đây là lý do vì sao khi thấy người khác cười, ta sẽ tự nhiên cười lại mà không cần suy nghĩ. Thú vị ở chỗ, ta có thể tự mình tạo ra phản ứng này: Chỉ đơn giản là nhìn vào gương và mỉm cười thôi.

Những lúc cảm thấy bế tắc trong cuộc sống hay thấy mình như là kẻ thất bại, có lẽ chẳng dễ gì để chúng ta không đổ lỗi cho bản thân và chấp nhận rằng nhiều lựa chọn thực ra nằm ngoài ý thức của ta. Thế nhưng, nắm rõ điểm yếu này của bộ não lại chính là cánh cửa mở ra giải pháp cho sự thay đổi. Chúng ta không bế tắc vì chúng ta kém cỏi, chỉ là bộ não của ta mải đi theo những lối mòn thôi.

Nguyễn Nga

Cải thiện sức khỏe não bộ bằng một trái tim khỏe mạnh

Cải thiện sức khỏe não bộ bằng một trái tim khỏe mạnh

Nghiên cứu cho thấy, để sở hữu một trí não minh mẫn và tập trung, hãy giữ cho trái tim được mạnh khỏe.