Hãy đừng làm mất đi cơ hội trưởng thành của chính mình và của con!

Thực tế, hành vi có thay đổi ngay lập tức khi bị đe dọa, kiểm soát nhưng những thay đổi này không bền vững.

Xã hội Việt Nam đương đại chứa trong mình rất nhiều mâu thuẫn. Trong khi các giá trị Khổng giáo, Nho giáo vẫn có những chỗ đứng vững chắc ở hầu hết các ngõ ngách trong cuộc sống, các giá trị tự do hiện đại về tình yêu và tình dục cũng tỏ ra không hề kém cạnh. Một người con gái được mong đợi vừa phải dịu dàng, thùy mị, nữ công gia chánh đồng thời lại phải biết hết mình và luôn rạng rỡ. Một người con trai cũng được mong đợi trong khi luôn tôn trọng, nhẹ nhàng với người yêu thì cũng phải mạnh mẽ, từng trải, thể hiện được vai trò trụ cột của mình. Hệ lụy của nó là Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới trong nhiều năm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tỷ lệ bạo lực, quấy rối và xâm hại tình dục cũng ở mức cao. Việt Nam đứng đầu trong danh sách tìm kiếm từ ‘sex’ trên google. Tất cả cho thấy người Việt Nam thiếu đói thông tin về vấn đề này như thế nào. Giáo dục tình dục toàn diện đã được đưa vào luật, vào chính sách từ rất nhiều năm nhưng chưa bao giờ thực hiện được. Từ ‘tình dục’ vẫn là cái gì đó quá nhạy cảm. Các bố mẹ và thầy cô giáo hầu hết tìm cách né tránh hơn là đối diện. Họ không biết phải chỉ dạy cho con, cháu, cho học sinh thế nào vì có khi chính họ cũng còn không biết phải làm gì trong mối quan hệ với bạn tình hay chồng của mình hay với những quấy rối diễn ra thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày.

Trong nghiên cứu của mình, tôi thường xuyên gặp sự lo lắng này của các cha mẹ. Trong khi những lo lắng này là rất bình thường thì các cách thức mọi người đương đầu với nó lại có nhiều điểm cần xem lại. Ba cách thức đối mặt thường thấy nhất là 1) Miễn nhiễm, yên tâm giả tưởng: kiểu như ‘con vẫn trẻ con chưa nghĩ đến cái này’, ‘con chỉ tập trung vào học thôi, các thứ khác chưa biết’, ‘hôm trước thấy bao cao su trong túi con trai, may quá nó bảo đấy là lớp phát trong giờ giáo dục công dân’, ‘thuốc tránh thai này là nó dùng để trị trứng cá thôi chứ còn trẻ con lắm’, ‘film này là do thằng bạn trong lớp tự nhiên gửi vào chứ nó ghét lắm’, ‘may quá em phát hiện ra có dấu hiệu nghi ngờ, gọi lên mắng cho một trận nên giờ biết rồi, ngoan rồi’…2) Kiểm soát: các bố mẹ trong trường hợp này sẽ kiểm tra thường xuyên giờ vào mạng, lịch sử hoạt động trên internet của con, cài đặt phần mềm kiểm soát thời gian hay giới hạn tiếp cận trên internet 3) Cấm đoán: ngăn mọi tiếp cận của con tới internet và các phương tiện như máy tính, điện thoại hoặc chỉ phép dùng khi có mặt bố mẹ. Những cách xử trí bình tĩnh và hiệu quả hơn, đáng tiếc vẫn còn ít. 

Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng đe dọa, làm cho sợ hãi, kiểm soát không có tác dụng trong thay đổi hành vi. Thực tế, hành vi có thay đổi ngay lập tức khi bị đe dọa, kiểm soát nhưng những thay đổi này không bền vững vì ‘núi này to lại có núi khác to hơn’. Trong cuốn ‘Quyền lực đích thực’, cố thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nhấn mạnh mối quan hệ của ‘quyền lực’ với ‘tự do’.

Một người chỉ thực sự thay đổi khi người đó tự nguyện, mong muốn làm điều đó chứ không phải do cưỡng bức và kiểm soát. Chưa kể, cấm đoán và kiểm soát của cha mẹ đã phá vỡ mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái về ‘sự tin tưởng’. Điều con cái thường buồn nhất về cha mẹ là cha mẹ không tin tưởng mình. Rất nhiều cha mẹ phàn nàn việc bị ‘mất giao tiếp với con’ khi con đến tuổi dậy thì. Bên cạnh sự thay đổi về tâm sinh lý ở các con thì các hành động cấm đoán, kiểm soát của cha mẹ đã như những viên đá tảng làm dày thêm bức tường ngăn cách sự giao tiếp.

Trong các cuộc tư vấn, nói chuyện của tôi với các cha mẹ, nhiều người chia sẻ là rất quan tâm và muốn nói chuyện với con nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Các cuộc nói chuyện do vậy thường rất tẻ nhạt kiểu như ‘Hôm nay con đi học thế nào?’, ‘Con ăn món đó được không?’, vv. Sau câu trả lời rất phổ biến và rất ngoan của con ‘Vâng, cũng bình thường ạ!’, cuộc nói chuyện rơi vào im lặng. Những sự việc xảy ra trong xã hội, những vụ việc cha mẹ phát hiện trên máy tính hay trong điện thoại của con lẽ ra phải là cơ hội tuyệt vời để cha mẹ bắt đầu các cuộc nói chuyện về chủ đề không dễ nói này thì lại bị vứt bỏ và trở thành cuộc tra khảo, thể hiện quyền lực của cha mẹ.

Sẽ là rất ngây thơ nếu chúng ta tin rằng có thể tách ai đó ra khỏi một môi trường mà tin tức giả, độc hại, hình ảnh xxx đã là một phần của cuộc sống hàng ngày trong thực tế hay trên mạng. Dân gian thế mới có câu rất hay ‘Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa’. Do vậy, cách giúp con miễn nhiễm tốt nhất là cùng con đối mặt với thách thức, cùng nhau xác định các giới hạn và cùng cam kết trách nhiệm. Đôi khi, có lẽ không phải đôi khi mà là trong nhiều trường hợp, các con trưởng thành hơn bố mẹ vẫn nghĩ.

Một lần bạn tôi kể câu chuyện của anh ấy với con trai 9 tuổi. Anh ấy phát hiện ra con xem phim xxx. Mất một thời gian rất lâu anh ấy cứ rấm rứt khó chịu vì không biết bắt đầu với con thế nào. Anh muốn nói chuyện nhưng cũng sợ con nghĩ là anh dò xét, giám sát máy tính của con. Một hôm, lấy hết can đảm, anh rủ con trai đi dạo ở một nơi đẹp đẽ.

Sau rất nhiều vòng vo, cuối cùng anh cũng đi được vào vấn đề ‘S này, hôm trước bố sửa máy, tình cờ phát hiện ra clip xxx trong máy của con. Con có thể nói thêm việc này với bố được không?’. Không ngờ, con không chút lúng túng bảo anh: ‘Vâng, hôm trước có một bạn gửi con link này. Con xem nhưng cũng không thấy thú vị lắm.’ Anh hỏi tiếp: ‘Sao vậy? Bạn con thích mà? Nhiều người khác cũng thích!’. Con trai anh bảo: ‘Con không biết. Con chỉ thấy nhìn khá kinh khủng, có chỗ còn bạo lực nữa.’ Và câu chuyện cứ thế tiếp diễn, hai bố con còn nói chuyện về cô bạn gái ở lớp mà con trai anh thích. Anh mừng là vì mình đã nói với con và mừng hơn nữa là thấy được sự trưởng thành của con, thấy con cùng chia sẻ những giá trị cuộc sống với mình và thấu hiểu những khác biệt.    

Bạn tôi đã tận dụng tuyệt vời cơ hội của anh ấy. Sự cởi mở và chân thành của anh ấy đã biến nỗi lo lắng của anh thành niềm hạnh phúc. Đây là cách mà mỗi cha mẹ đều có thể tham khảo và thực hiện. Hãy tận dụng những cơ hội của mình để kết nối và hiểu con hơn. Đấy cũng là cơ hội để cha mẹ học hỏi. Để không rơi vào tình huống bị động, sẽ tốt hơn nếu cha mẹ có thể chủ động thực hiện các cuộc trò chuyện này ngay cả khi không có sự việc gì xảy ra. Một tin tức trên báo, một tình huống trên tivi hoặc ngay cả khi không có gì cả, cha mẹ đều có thể bắt đầu những cuộc trò chuyện như thế này. Chỉ cần chúng ta dũng cảm hơn một chút!  

Hà Nội, 15/3/2022

TS.BS. Hoàng Tú Anh  

Cao su xuất khẩu chịu tác động tiêu cực từ cuộc chiến Nga – Ukraina

Cao su xuất khẩu chịu tác động tiêu cực từ cuộc chiến Nga – Ukraina

Dù giá cao su trong nước ổn định, nhưng dầu tháng 3/2022, giá cao su khu vực châu Á giảm mạnh do tác động của căng thẳng chính trị giữa Nga – Ukraina.