Hikikomori - Những đứa trẻ bị mắc kẹt tại Nhật Bản

Maika Elan - Nhiếp ảnh gia Việt Nam đã khám phá thế giới ẩn của của những người mắc chứng Hikikomori tại Nhật Bản. Bộ ảnh phóng sự của chị nhận được nhiều giải thưởng và đăng tải trên các trang báo quốc tế uy tín.

Maika Elan - Nhiếp ảnh gia gây sốt với bộ ảnh Pink Choice (với chủ đề cuộc sống riêng tư của người đồng tính) tiếp tục gây ấn tượng mạnh với bộ ảnh Hikikomori – những đứa trẻ bị mắc kẹt. Cuộc trò chuyện với Maika Elan quá dài nhưng cũng là quá ngắn để có thể hiểu một hội chứng tại Nhật Bản.

Điều gì khiến chị chọn những thanh niên mắc hội chứng Hikikomori làm nhân vật cho bộ ảnh của mình?

Trong những ngày tháng ở Nhật Bản, tôi luôn tự hỏi rằng: Tại sao thanh niên Nhật thường hay đi một mình? Tại sao quán café có quá nhiều bàn ghế dành cho người đi một mình. Tại sao học sinh Nhật Bản thường hay đi học về muộn, còn người lớn thì có khi tới 11h đêm mới về tới nhà và thường trong tình trạng kiệt sức. Sống ở đó và cảm nhận được sự cô đơn tràn ngập, tôi nhớ tới nhà báo Uyên Ly đã kể về hội chứng này, nên tôi đã lên mạng và tìm hiểu được trong xã hội Nhật Bản hiện đang tồn tại một lối sống – được gọi là Hikikomori.

Tại sao học sinh Nhật Bản thường hay đi học về muộn, còn người lớn thì có khi tới 11h đêm mới về tới nhà và thường trong tình trạng kiệt sức? (Ảnh: Hải Thanh)
Tại sao học sinh Nhật Bản thường hay đi học về muộn, còn người lớn thì có khi tới 11h đêm mới về tới nhà và thường trong tình trạng kiệt sức? (Ảnh: Hải Thanh)

Hiểu một cách rõ ràng nhất, Hikikomori nghĩa là gì?

Hikikomori được ghép bởi hai chữ: “Hiku” có nghĩa là kéo, “komori” trong tiếng Nhật là nghỉ ngơi. Dịch đơn giản, hikikomoro có nghĩa “tự rút lui và nghỉ ngơi”. Triệu chứng này mang tính tâm lý nhiều hơn bệnh lý.

Các Hikikomori thường đến từ các gia đình trung lưu, đa phần là nam giới, được học hành tử tế và có độ tuổi trung bình từ 14 đến 50. Họ sống giam mình trong phòng, tách biệt và từ chối mọi liên hệ với xã hội bên ngoài. Họ ngủ ban ngày, thức ban đêm để chơi game, đọc truyện tranh, xem tivi, lướt Net. Tình trạng giam mình trong phòng từ 6 tháng trở nên dẫn tới 10 năm và có khi là vĩnh viễn. Đã có trên 1 triệu người Nhật Bản mắc phải – thế hệ “lost generation” (thế hệ lạc lối) trong thế giới riêng của mình, chỉ giam mình trong 4 bức tường: Không muốn đi học, không đi làm, không giao du với bạn bè, không lấy vợ, kết hôn. Tôi không chỉ quan tâm tới họ, mà còn khá quan tâm tới các giải pháp cho lứa Hikikomori đầu tiên đang già: 40-50 tuổi. Nếu bố mẹ họ mất đi, họ sẽ sống như thế nào? Các bạn tuổi thiếu niên không đi học, không bằng cấp, họ sẽ làm gì để sống?

Tình trạng giam mình trong phòng từ 6 tháng trở nên dẫn tới 10 năm và có khi là vĩnh viễn. (Ảnh: Maika Elan)
Tình trạng giam mình trong phòng từ 6 tháng trở nên dẫn tới 10 năm và có khi là vĩnh viễn. (Ảnh: Maika Elan)

Quá khó để có thể tiếp cận họ, chị đã làm thế nào?

Tôi có nhờ một chị làm giám tuyển nghệ thuật, tổ chức một cuộc nói chuyện, sau đấy, tôi được biết một người bạn trong giới nhiếp ảnh nói, anh trai của anh ấy cũng là một Hikikomori, người nữa nói có quen một Hikikomori, và một bạn chính là Hikikomori. Vậy nên tôi nghĩ, dự án của mình khá khả thi. Tôi lên mạng tìm thấy một tổ chức phi lợi nhuận có tên “New Start” và xin làm tình nguyện viên để tìm hiểu và tiếp cận với Hikikomori. Ở đây, họ dạy cho những Hikikomori các kỹ năng cơ bản như nấu ăn, dọn vệ sinh, giao tiếp, nói chuyện nhìn vào mắt người khác… New Start đóng vai trò như một môi trường mở trong đó ngoài việc cung cấp chỗ ở, họ còn có sẵn quán cà phê, tiệm làm bánh, trung tâm chăm sóc người già, nhà hàng... để các hikikomori có thể thực tập trong quá trình sinh sống ở đây. Họ cũng thường xuyên tổ chức các buổi nấu ăn, ca nhạc, bán vé hoặc mời những người dân xung quanh nói chuyện. Ở trung tâm này, Hikikomori chỉ được sống tối đa trong thời gian 2 năm, sau đó, họ sẽ phải tốt nghiệp và ra ngoài tìm cách tự lo cho bản thân mình hoặc được đưa về lại với gia đình. Khi không thể hòa nhập, nếu muốn họ sẽ quay lại đó. Có người quay đi quay lại, cũng đã 10 năm ở trung tâm.

Chị muốn bộc lộ gì qua bộ ảnh Hikikomori?

Tôi muốn chụp khoảnh khắc đầu tiên của một Hikikomori khi bước chân ra khỏi phòng. Điều này rất khó và rất nhiều người đã ngăn cản, nhưng tôi cảm thấy cơ hội để tới nước Nhật cho dù ngắn ngủi. Điều này cần phải dài hơi, có thể là vài năm, mà tôi chỉ ở Nhật 6 tháng. Tôi bắt đầu lên mạng tìm hiểu tiếp. Tình cờ tôi đọc được cuốn tiểu thuyết Hikikomori and the rental sister của Jeff Backhaus mới phát hiện ra khái niệm về rental sister, rental brother.

Maika Elan tìm thấy khái niệm Rental Sister, Borther qua một cuốn tiểu thuyết. Người ngồi cạnh Hikikomori chính là một Rental Sister - có nhiệm vụ làm quen và đưa Hikikomori ra khỏi tổ kén.
Maika Elan tìm thấy khái niệm Rental Sister, Borther qua một cuốn tiểu thuyết. Người ngồi cạnh Hikikomori chính là một Rental Sister - có nhiệm vụ làm quen và đưa Hikikomori ra khỏi tổ kén.

Rental sister, rental brother nghĩa là gì?

Họ là những người trợ giúp các hikimori tại nhà. Đầu tiên,họ gửi cho Hikimori một lá thư. Có thể, hikimori sẽ vứt lá thư, không đọc. Thậm chí, có Hikimori còn xé nát thư, đập phá đồ đạc. Lại trôi qua vài tháng nữa, thậm chí là vài năm, Rentail gửi lá thư thứ hai, thứ ba, thứ tư.... Khi Hikimori chấp nhận, rentail bắt đầu gọi điện thoại làm quen, rồi dần dần cho gặp mặt. Rentail sẽ tới nhà, vào phòng, nói chuyện với Hikikomori, khuyên họ hòa nhập cuộc sống, ra ngoài đường, hoặc vào trung tâm học.

Tôi đã tìm ra chị Oguri – người đã làm việc với vai trò một Rental sister được 10 năm. Rất nhiều người Nhật có xu hướng cho rằng, phải làm việc tại công ty nào đó mới gọi là làm việc, và là cách duy nhất, nhưng các Rental sẽ gợi ý cho họ rằng: Cuộc sống có thể rất đa dạng, nếu người ta mở rộng quan điểm.

Đã một năm anh bạn này chưa ra khỏi phòng.
Đã một năm anh bạn này chưa ra khỏi phòng.

Lúc đầu, tôi xin theo chân các Rental sister, Rental brother tới nhà của Hikikomorri. Trong hai tiếng họ vào phòng của Hikikomori, tôi phải đứng ngoài cửa. Sau vài lần, tôi được chủ nhà chào hỏi, sau nữa, tôi được mời vào nhà. Trước đó, tôi phải gửi CV của mình tới cho cha mẹ của Hikikomori kiểm tra và được phép, tôi mới có thể thực hiện việc đi theo các Rental. Lần tiếp xúc đầu tiên của tôi với một Hikikomori, tôi phải ngồi cách xa bạn 2 bàn, lúc đầu nói chuyện, họ không nhìn vào mặt tôi, sau đó vài lần, họ mới dám nhìn.

Một vài nhân vật mà chị có thể chia sẻ?

Hiroshi Okamoto: Hồi xưa bị bắt nạt, các bạn thường giấu đồ, trêu chọc, nên khi đi học, cậu nhìn ai cũng tưởng như họ sẽ bắt nạt mình. Sau đó, cậu chuyển qua dằn vặt bản thân, lúc nào cũng nghĩ về quá khứ, không biết là mình đã gây ra lỗi lầm gì. Một lần, cậu quyết định nghỉ học. Sau khi nghỉ một ngày, thấy khá dễ chịu, cậu quyết định nghỉ thêm một tuần. Cha mẹ mắng, cậu thấy áp lực và bắt đầu sợ đi học. Cậu ở nhà tiếp một tháng nữa. Cứ như vậy, đã 3 năm, cậu không bước chân ra khỏi cửa. Cơm nước có bố mẹ đặt trước cửa phòng. Cứ luẩn quẩn trong phòng vài năm cho đến một ngày bạn thấy thế là đủ, cậu đi ra khỏi căn phòng đó. Cuộc sống của cậu ấy gặp nhiều bất lợi, như phải đi học trường bổ túc, xin việc làm quá khó, thế nên, Hashimoto chọn nghề làm nhiếp ảnh gia. Và giờ cậu đã khá nổi tiếng với nhiều bộ ảnh trong đó có bộ “Tuyển dụng”.

Tôi cảm thấy an toàn khi ở đây !
Tôi cảm thấy an toàn khi ở đây !
Hiroki Chujo – 23 tuổi, 3 năm Hikikomori.
Hiroki Chujo – 23 tuổi, 3 năm Hikikomori.

Hashimoto Masaya: Là người học rất giỏi và đạt thành tích cao ở trường nhưng lại không được bố mẹ ghi nhận. Anh luôn bị giằng co giữa hai giá trị “người thắng, kẻ thua”, lúc nào cũng muốn về nhất trong tâm trí cho đến khi không thể giữ được danh hiệu “học sinh danh dự, anh quyết định trở thành Hikikomori. Sau này, anh đã thoát khỏi căn phòng đó và đi du lịch bằng tàu vòng quanh thế giới, nhưng mọi việc sau đó lại tồi tệ, chuyến đi không giúp anh cảm thấy khả quan hơn mà còn khiến anh quyết định tự giam mình lại trong phòng một lần nữa, và nó nặng nề hơn trước rất nhiều khi lần này anh giam mình trong phòng tới 7 năm. Bố mẹ đã phải nhờ sự giúp đỡ của Rental Sister mới có thể kéo anh ra khỏi lãnh địa của mình sau đó.

Riki Cook – 30 tuổi, 4 năm Hikikomori với căn phòng đã được dọn dẹp bớt vì có khách.
Riki Cook – 30 tuổi, 4 năm Hikikomori với căn phòng đã được dọn dẹp bớt vì có khách.
Riki Cook có bố là người Mỹ, mẹ người Nhật. Bạn thấy mình chẳng thuộc về nước nào hết.
Riki Cook có bố là người Mỹ, mẹ người Nhật. Bạn thấy mình chẳng thuộc về nước nào hết.

Riki Cook: Bạn có bố là người Mỹ, mẹ người Nhật. Bạn thấy mình chẳng thuộc về nước nào hết. Vì vậy bạn luôn cố gắng để trở nên nổi bật nhưng nếu chỉ cần một lần sai phạm cũng khiến bạn sợ hãi rằng mình sẽ bị loại bỏ. Bạn có nỗi sợ rất buồn cười, chỉ một hôm quên sách vở, bạn đã thấy cuộc sống sụp đổ hay khi không tìm thấy phòng học mới, bạn cũng thấy như bị bế tắc hoàn toàn. Khi tôi hỏi có thể đến nhà được không, bạn nói phải dọn phòng, và đây là căn phòng đã được dọn bớt: Rác, thức ăn, mỳ tôm hết hạn đầy trong phòng. 

7 năm giam mình trong phòng.
7 năm giam mình trong phòng.

Một nhân vật khác do bị ám ảnh về các con số, luôn nói chuyện và làm việc một cách tuyệt đối chính xác. Cơm là phải cân lên, cá, gạo, muối, chính xác từng gam. Ông đã từng đi làm ở Cục Thuế. Vì ông làm rất nhanh và chính xác, nên cứ hết việc là sếp lại giao thêm cho ông, cảm thấy bất công nên ông bỏ việc và trở thành một Hikikomori.

Một bạn khác do không chịu được vấn đề liên quan đến tiền nong, vì thế mà anh trở thành Hikikomori trong 7 năm.

Rental Sister viết thư và đưa qua khe cửa cho Hikikomori, người mẹ chỉ tấm hình của con mình)
Rental Sister viết thư và đưa qua khe cửa cho Hikikomori, người mẹ chỉ tấm hình của con mình)

Theo chị, liệu hội chứng Hikikomori có xuất hiện ở Việt Nam không? Và chúng ta nên làm gì?

Tôi nghĩ môi trường sống cũng như những thói quen, văn hóa của người Việt Nam khó có thể là điều kiện để Hikikomori tồn tại. Ở Việt Nam có thể có những bạn trẻ nghiện game, nghiện net nhưng thường vẫn giữ mối quan hệ với bạn bè, gia đình; họ cũng không giam mình trong phòng trong thời gian dài như vậy. Thế nhưng tôi cũng hơi bất ngờ vì ở Việt Nam đã có trường học dành riêng cho trẻ nghiện Game và hiện nay, đã có tới 1000 học sinh theo học.

Nhiều người thoát được Hikikomori, nhưng lại bị lại một cách nhanh chóng.
Nhiều người thoát được Hikikomori, nhưng lại bị lại một cách nhanh chóng.

Chị sẽ tiếp tục theo đuổi dự án này chứ, bằng cách nào?

Đấy là ước mơ của tôi, tôi cũng đang phải tìm cách. Vì quay lại Nhật đã khó, tìm được cơ hội để sống ở đó 2 năm còn khó hơn.

Cảm ơn chị đã chia sẻ.

NAG Maika Elan và một Hikikomori
NAG Maika Elan và một Hikikomori
Trung tâm New Start- nơi NAG Maika Elan trải nghiệm thực tế với vai trò tình nguyện viên.
Trung tâm New Start- nơi NAG Maika Elan trải nghiệm thực tế với vai trò tình nguyện viên.

Một trong những nguyên nhân để xuất hiện hội chứng Hikikomori, đó là do đặc thù riêng của văn hóa, lịch sử Nhật Bản. Văn chương thơ ca Nhật Bản luôn ca ngợi sự tĩnh lặng, vắng vẻ và cuộc sống cô đơn, ẩn dật. Quen thuộc nhất với độc giả Việt Nam, đó là Kawabata Yasunari với tác phẩm “Người đẹp say ngủ”, “Đẹp và buồn”, “Ngàn cánh hạc”; Watanabe Dzunichi với “Đèn không hắt bóng” và gần đây nhất là Murakami Haruki với “Rừng Nauy”, “Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời”, “Kafka bên bờ biển”…

Nhân vật văn chương của các tác giả này cũng có ít nhiều những nét tương đồng với người Hikikomori như người chỉ thích chui xuống giếng, người ca ngợi cuộc sống cô độc, và tìm đến cái chết…

Tâm lý con một cũng ảnh hưởng không nhỏ tới những người Hikikomori. Nền văn hóa Nhật luôn khép kín, và đa phần, bố mẹ vẫn chịu nuôi con cái khi chúng tự giam mình trong phòng, họ xấu hổ với hàng xóm, và vẫn hy vọng một ngày nào đó con mình sẽ thức tỉnh.

Ở Việt Nam chưa có Hikikomori nào tự giam mình tới 10 năm như ở Nhật Bản, nhưng các phương tiện giải trí đương địa như phim, truyện, Internet, game trực tuyến cũng có tác động không nhỏ, có thể dẫn con người tới sự nghiện game, không thích tương tác giao lưu ngoài đời thực mà chỉ sống trong ảo của Net. Có một số lượng không nhỏ thanh thiếu niên Việt Nam có ảnh hưởng của truyện tranh Nhật Bản, nên chọn cho mình phong cách, trang phục, thái độ sống giống như các nhân vật trong truyện. Học quá nhiều, bị áp lực căng thẳng, dẫn đến đối kháng, đó là triệu chứng của một số học sinh giỏi xuất sắc từ các trường chuyên ở Việt Nam - Hikikomori cũng có rất nhiều người giống như vậy. Lối thoát là rất khó, nhưng không phải không có.

Ở trung tâm New Start – nơi NAG Maika Elan tới làm tình nguyện viên, các nhân viên đóng vai trò người thân, người chị, người anh em của Hikimori. Khi kéo Hikimori ra khỏi gia đình, và cho họ một gia đình khác rộng mở, thân thiện và cùng họ hành động. Mối quan hệ gia đình là quan trọng nhất, quyết định ảnh hưởng cuộc sống của những đứa trẻ. Có 3 yếu tố để lôi đứa trẻ ra khỏi tổ kén tự giam mình, hoặc từ chối giao tiếp, đó là: Bạn bè+Làm việc+Sống cảm thấy có ích.

Cũng giống như người tự kỷ, chỉ có người thân mới có thể cứu và đồng hành cùng trẻ được tốt nhất, Hikikomori cũng vậy. Sẽ thất bại hoàn toàn, nếu gia đình không cởi mở, bao dung, hoặc có chiều hướng tích cực, quyết liệt để kéo con cái ra khỏi hội chứng Hikikomori. Và thật rùng mình, nếu chúng cũng phát triển ở Việt Nam

Codet Hanoi

Cô giáo Bỉ gốc Việt khát khao tìm mẹ sau 23 năm bị bỏ rơi

Cô giáo Bỉ gốc Việt khát khao tìm mẹ sau 23 năm bị bỏ rơi

Việc tìm lại gia đình có ý nghĩa lớn với tôi. Đó là mảng ký ức tôi đã đánh mất. Nếu không tìm được, tôi sẽ day dứt đến hết cuộc đời.