Con đường đến với thế giới những sắc màu của Hoàng Huệ Phương (sinh năm 1995, tại Hưng Yên) đã khiến cho gia đình và bạn bè của cô không khỏi ngỡ ngàng. Bởi lẽ, sau một năm tốt nghiệp cử nhân Luật Thương mại Quốc tế (Trường Đại học Ngoại thương), Huệ Phương đã tiếp tục ứng tuyển vào Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và rồi, năm 2023, cô đã có tấm bằng cử nhân chuyên ngành Sơn dầu, khoa Hội họa.
Nữ họa sĩ Hoàng Huệ Phương tại triển lãm “Trời buồn gió cao”. Ảnh: L.Q.V |
Không rõ hấp lực nào đã cuốn hút Huệ Phương như thế, nhưng các thày, bạn của cô đều có chung nhận xét rằng, trong quá trình học, Phương rất cần mẫn chịu khó tìm tòi xử lý các chất liệu và thử sức sáng tạo, góp mặt ở nhiều triển lãm, khởi đầu là ở “Art for you” tại không gian nghệ thuật Manzi (Hà Nội) vào năm 2020.
Tiếp sau một số triển lãm trong các năm qua, tới năm 2024, Huệ Phương lại bung tỏa năng lực, sánh vai với những tên tuổi trong làng mỹ thuật qua các triển lãm ở Hà Nội, như: “Đối thoại với dòng tranh Ukiyo-e” (tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám”, “Phía xa là đường chân trời” (tại The Muse Artspace), “Chuyện đình trong phố” (UBND phường Hàng Bạc tổ chức), “Sắc màu nguồn cội” (tại Pan Pacific Hà Nội) và nay, là triển lãm cá nhân đầu tay với tên gọi khá gợi cảm, pha đượm nét se se man mát: “Trời buồn gió cao”, tại Mai Gallery (113 Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm - Hà Nội), sẽ kéo dài tới hết ngày 13/12.
Phụ nữ là hình tượng mà nữ họa sĩ Huệ Phương rất chú trọng biểu đạt. Ảnh: L.Q.V |
“Trời buồn gió cao” trưng bày hơn 50 tác phẩm - chủ yếu là chất liệu sơn dầu và một số tranh sơn mài, lụa, bột màu/chì trên giấy… Cũng thực độc đáo, khi tác giả chia triển lãm này thành 6 chủ đề, gồm: Śarīra, Con chim bay lạc, Đôi bờ, Con mắt trần gian, Thành phố đi vắng, Bên kia của Đỏ.
Những chủ đề đó trải dài trong các bức tranh của nữ họa sĩ trẻ Huệ Phương, ẩn chứa nhiều nỗi niềm - qua sự tự vấn và bày tỏ quan niệm về cuộc sống, vừa rắn rỏi giọng của một “luật sư” và vừa hài hước nét hóm hỉnh của một “nghệ sĩ”, như trong chủ đề “Śarīra”: “Tôi hay mơ thấy sự chết dưới hình hài một đống xương - những ác mộng kinh hoàng nhất. Vậy nên, tôi vẽ xương. Nỗi sợ, hãy đến đây xem mặt mũi mi ra sao?”.
Họa sĩ Lý Trực Sơn chia sẻ những trải nghiệm trong thời gian sống và làm việc ở Châu Âu. Ảnh: L.Q.V |
Còn với chủ đề “Đôi bờ”, Huệ Phương giãi bày đầy thân thương: “Bến đò, có lẽ là nơi đầu tiên cho tôi biết thế nào là chia ly. Lúc tôi mới được vài tuổi, bố phải đi công tác bên Lào. Mỗi lần chia tay bố ở bến đò là một lần tôi khóc ngằn ngặt, cứ ngỡ bên kia sông đã là đất Lào rồi, là cái nơi tàn nhẫn đã bắt tôi phải xa người thân lâu ơi là lâu. Lớn hơn một chút, tôi lại hay phải đi về với quê và phố; con sông lại trở thành dấu mốc cách ngăn quê hương và phố thị sầm uất. Bên này là những ngọn khói rơm dịu dàng tỏa trên những mái ngói cũ, cay xè đôi mắt; bên kia là dòng xe cộ hối hả, chen chúc cho kịp giờ làm. Bao nhiêu sự sung sướng và sầu muộn của một đứa trẻ đã diễn ra trên những bến sông ấy”.
Có lẽ, trong đời riêng, Huệ Phương là một cô gái trẻ đa sầu, đa cảm, nên có những suy ngẫm khá già dặn, kiểu như trong các chủ đề trên, hoặc với chủ đề “Con mắt trần gian” trong phòng tranh “Trời buồn gió cao”: “Trên đời này có ba kiểu người: Đàn ông, đàn bà và phụ nữ. Tôi thích vẽ phụ nữ. Tại sao tôi lại hay vẽ phụ nữ nhỉ? Chắc vì thấy có bản thân trong đó. Trong trí tưởng của tôi, mọi chốn quen đều mang gương mặt phụ nữ. Nếu đặt tên cho từng nơi ấy, tôi biết chính xác cần phải đặt tên theo người nào. Tôi đi ra đi vào những nơi ấy, như thể ra vào chính tâm tư của bản thân”.
Ở chủ đề “Thành phố đi vắng”, Huệ Phương đã tỏ bày: “Bằng cách nào đó, ký ức luôn đẹp hơn những trải nghiệm thực sự. Quá khứ là thứ mà ta không thể giữ lại như cái cách nắm chặt tay người ta yêu. Tôi mãi mãi mất đi quá khứ, dầu có cố gắng thế nào. Giống như thể tôi hái một bông hoa trên đồng cỏ. Nó héo đi, ta có thể hái một bông khác. Nhưng bông hoa héo kia, dẫu đã tàn lụi, vẫn sẽ mãi mãi là một bông hoa đặc biệt trong tâm trí tôi, duy nhất, một màu sắc đó, một mùi hương đó, không thể thay thế, không thể có lại một lần nữa”.
Một số tác phẩm của nữ họa sĩ Hoàng Huệ Phương:
Hoàng Huệ Phương chia sẻ: “Tôi sinh ra tại một làng quê xinh đẹp ở Hưng Yên. Nhà tôi liên tục đổi chỗ ở, khoảng mười mấy lần. Từ làng lên thị trấn, rồi đến thủ đô. Cứ mỗi lần như thế là một lần chia ly. Chưa kịp nhìn rõ cái gì, đã phải nói lời tạm biệt. Với thành phố này, tôi là người nhập cư, với tất cả những thương nhớ, vui buồn của một người nhập cư.
Tôi từng tốt nghiệp ngành Luật. Khi đi làm, mới biết rằng tâm lý tôi yếu đuối, không giỏi đi giải quyết vấn đề giùm người khác. Phải ép bản thân vào một vai diễn xa lạ khiến tôi khổ sở. Hồi đó có viết:
Em vội mất từ bao giờ đã thế
Hỏi đường về nơi hồng máu thơm non
Thuở ban sơ tay trắng vẫn chưa mòn
Những cội xanh nắng giòn như đá vỡ.
Tôi chỉ muốn nhìn vào vấn đề của bản thân. Vậy nên, tôi học vẽ để được lặn ngụp trong dòng sông của riêng mình. Điều vui nhất, vẽ, đã cho tôi cơ hội rất danh chính ngôn thuận để soi chiếu bản thân. Những bóng mờ ký ức, vốn không toàn vẹn, được chắp nối lại, để một lần nữa sống dậy, như giở xem lại các trang nhật ký. Nó cũng giống như việc mở bản đồ phiêu lưu, với tâm trạng đầy háo hức và say mê khám phá, nhưng bản thân cũng cần thận trọng nghe ngóng.
Tôi thích vẽ sơn dầu, vì tôi là người nhiệt tình, cái gì vui thích thì muốn được làm luôn, không giỏi chịu đựng việc chờ đợi. Ngoài ra, tôi cũng thích sơn mài, vì nó có mùi của những ngôi đền chùa xưa. Còn tranh lụa, nó là một nơi trú ẩn khi tôi mệt mỏi.
Tôi thích vẽ trong sự ngẫu hứng và không làm phác thảo kỹ. Chính trong lúc vẽ là lúc tôi tính toán rất nhiều. Như thể khi đi thám hiểm, phải tự đặt ra rất nhiều câu hỏi. "Có nên rẽ lối này không? Leo lên trên, hay xuống dưới nhỉ? Hay là cứ thử mạnh dạn đi vào cái hang này xem bên trong có gì hay không?”...
Nhiều người bạn của nữ họa sĩ Hoàng Huệ Phương đã có mặt từ sớm ở buổi khai mạc triển lãm. Ảnh: L.Q.V |
Với Hoàng Huệ Phương, triển lãm cá nhân “Trời buồn gió cao” là một sự chia tay ngọt ngào với người thân và bạn bè, bởi lẽ, vào giữa tháng 12/2024, cô sẽ bay sang sống và làm việc tại Mỹ với người bạn đời - một kỹ sư ngành Toán, đang giảng dạy và đồng thời làm luận án tiến sĩ tại đây. Đây sẽ là cơ hội trải nghiệm nhiều mặt về cuộc sống và nghệ thuật với Huệ Phương và nói như họa sĩ Lý Trực Sơn (nguyên giảng viên ĐH Mỹ thuật Việt Nam, đã có 9 năm sống ở Châu Âu): “Huệ Phương là một nữ họa sĩ đầy nghị lực và trong môi trường sống mới, cô ấy sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhưng điều quan trọng là, Phương sẽ thu lượm được nhiều điều bổ ích trong lao động nghệ thuật…”.
Mong rằng, với nghị lực của người đã “lặn ngụp trong dòng sông của riêng mình”, Huệ Phương sẽ sải cánh trên đại dương nghệ thuật thế giới…
Khai mạc Triển lãm ảnh “Nữ quân nhân Việt Nam với hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”
Gần 100 bức ảnh trưng do chính những quân nhân Việt Nam trực tiếp tham gia hoạt động tại các Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thực hiện.