'Huyền sử vua Đinh': Không thể khơi gợi lòng tự hào dân tộc bằng sự hời hợt và cẩu thả

Trái với kỳ vọng, tác phẩm để lại nỗi thất vọng và trở thành “thảm họa” trong nền điện ảnh Việt Nam.

Sau 10 ngày công chiếu, ngày 29/11, bộ phim Huyền sử vua Đinh của đạo diễn Anthony Võ rời khỏi rạp chiếu với mức doanh thu ghi nhận là 42 triệu đồng (theo số liệu từ Box Office Vietnam - đơn vị kiểm toán doanh thu phòng vé độc lập). Đây là một trong những bộ phim có doanh thu thấp nhất trong lịch sử điện ảnh Việt.

Đạo diễn Anthony Võ cho biết ban đầu, anh và ê-kíp trao đổi với hệ thống rạp là chỉ chiếu trong vòng một tuần. Nếu trong một tuần đó, doanh thu không như kỳ vọng, nhà rạp có thể rút phim.

Anh Tài vào vai Đinh Bộ Lĩnh.
Anh Tài vào vai Đinh Bộ Lĩnh.

Huyền sử vua Đinh khai thác đề tài lịch sử, kể lại câu chuyện Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Bộ phim dài 78 phút, quy tụ dàn diễn viên ít tên tuổi như Anh Tài, Sala Uyên Trinh, Ngô Tiến Thành, Ngô Phước Thiện, Đỗ Thành... Việc một bộ phim lịch sử tâm huyết về anh hùng cờ lau Đinh Bộ Lĩnh cũng như việc đoàn phim muốn lan tỏa tình yêu lịch sử nước nhà và khơi dậy lòng tự hào dân tộc là điều khiến nhiều khán giả mong đợi.

Tuy nhiên, chất lượng của bộ phim mới là vấn đề gây bàn cãi. Từ khi trailer được giới thiệu, tác phẩm đã bị dân mạng “soi” ra nhiều điểm hạn chế về mặt hình ảnh: bối cảnh sơ sài, phục trang diễn viên nghèo nàn, hóa trang thiếu chân thực, để những chi tiết hiện đại (như nhà xây cấp 4, cột điện, diễn viên nhuộm tóc màu nổi) lọt vào khung hình, các cảnh chiến đấu thiếu sự đầu tư…

Sau khi chiếu phim khán giả tiếp tục đưa ra những phản hồi không mấy tích cực bởi ngay cả những chi tiết đơn giản cũng không được trau chuốt một cách cẩn thận. Đoạn đầu phim khi hai mẹ con Đinh Bộ Lĩnh chạy trốn trong hang động xuất hiện sợi dây điện màu trắng lòng thòng trên vách động. Trong đám quân lính có cả một diễn viên đeo kính cận gọng đen hay nhân vật vợ của nhà họ Ngô đeo nhẫn vàng trắng nạm hột kiểu hiện đại.

  Diễn viên quần chúng bị lộ tóc tai hiện đại, cảnh cột điện, nhà cấp bốn xuất hiện trong một phân cảnh của phim.

Diễn viên quần chúng bị lộ tóc tai hiện đại, cảnh cột điện, nhà cấp bốn xuất hiện trong một phân cảnh của phim.

Ngoài ra, trang phục và đạo cụ trong phim không có sự đầu tư nghiên cứu. Binh khí được thiết kế qua loa, sơ sài, khó mang lại cảm giác chân thực cho người xem.

Người xem không cảm nhận được chút nào không khí hào hùng vì khâu dàn cảnh rất tạm bợ. Dàn quân lính hai bên lực lượng khá thưa thớt. Chưa kể là diễn xuất quá nhạt nhòa, không khắc họa tâm tư suy nghĩ của người trong cuộc.

Việc đạo diễn Anthony Võ tập trung tô đậm những cột mốc lịch sử (từ lúc Đinh Bộ Lĩnh ổn định gia tộc, dẹp loạn 12 sứ quân đến khi lên ngôi) mà quên khai thác sâu hình tượng nhân vật, làm nổi bật mối liên kết, xung đột giữa các nhân tố trong phim từ đó khiến tác phẩm điện ảnh này giống với một thước phim tài liệu minh họa lịch sử. Việc cài cắm yếu tố huyền huyễn vào phim cũng không đủ sức hấp dẫn, thuyết phục người xem.

Tâm lý của Đinh Tiên Hoàng trong những cảnh quan trọng hay mối quan hệ của ông với các nhân vật mật thiết đều không được khai thác kỹ lưỡng. Do quá đông tuyến diễn viên, đa số vai chỉ xuất hiện lướt qua, không để lại ấn tượng đậm nét.

'Huyền sử vua Đinh': Không thể khơi gợi lòng tự hào dân tộc bằng sự hời hợt và cẩu thả

Kịch bản không chăm chút xây dựng nhân vật, diễn viên hầu hết là gương mặt mới chưa có kinh nghiệm diễn xuất. Nam chính Anh Tài vào vai Đinh Bộ Lĩnh không toát lên được thần thái của một anh hùng hào kiệt. Khâu lồng tiếng căng cứng, thiếu tự nhiên càng giết chết nhân vật. Nhiều vai diễn khác như Nguyễn Bặc, Phạm Cự Lượng, Phạm Hạp… cũng không được đánh giá cao về cả ngoại hình lẫn diễn xuất. 

Phim cũng dùng hình ảnh đồ họa trước mỗi cảnh khiến hình thức thể hiện của phim nhàm chán. Đa số các phân cảnh trong phim đặc biệt là cảnh chiến trận có sự trùng lặp, dẫn đến thiếu tính sáng tạo.

Trên các diễn đàn, phần lớn khán giả chia sẻ họ sẵn sàng ủng hộ phim lịch sử nước nhà nhưng nói không với những tác phẩm kém chất lượng, thiếu chỉn chu. Nếu chỉ là video phát trên mạng, người xem có thể chấp nhận một số sai sót nhưng đây là phim điện ảnh, bán vé lấy tiền khán giả, cần có sự chuyên nghiệp. Vì vốn dĩ phim lịch sử là để khơi gợi lòng tự hào dân tộc, nhưng lòng tự hào không thể khơi gợi được từ những sự hời hợt và cẩn thả.

Chia sẻ với Thanh Niên, nhà bình luận điện ảnh Tuấn Lalarme cho rằng khán giả vẫn rất quan tâm đến những bộ phim lịch sử Việt Nam và họ sẽ ra rạp ủng hộ những bộ phim chất lượng. Tuy nhiên anh không đồng tình với lý do phim có kinh phí hạn chế nên chất lượng không đảm bảo: “Đó là một tư duy sai ngay từ khi dự án thành hình, vì nó mặc nhiên giết chết phim từ trứng nước”. Anh tiếp tục: “Khán giả chỉ ủng hộ phim họ thấy có cảm xúc. Bảo chứng là rất nhiều phim làm về chiến tranh, cũng bi hùng lắm, đều 'đắp chiếu' hoặc ra rạp không có người xem. Nên khán giả ủng hộ phim khơi được lòng tự hào lắm, nhưng mà phim có đủ yếu tố khơi được sự tự hào chưa? Hay tất cả chỉ là những điều đạo diễn nói và muốn. Điện ảnh Việt không còn ở thuở ‘khan hiếm’ phim nên khán giả được quyền chọn phim họ muốn và có sự đánh giá nhất định với phim nước ngoài. Nên nếu phim đã kinh phí thấp thì phải chỉn chu, phải giàu cảm xúc. Phải biết mình đang ở đâu để làm được những điều đẹp đẽ và lôi cuốn”.

Anh Phúc Trần - chuyên gia truyền thông mảng phim rạp ở TP HCM - thất vọng vì tác phẩm có nhiều cảnh quay kém đầu tư, thiếu nghiên cứu về phục trang. "Xem phim, tôi cảm giác các diễn viên không hiểu nhân vật của họ. Tôi không thấy được chất hào hùng như các phim cổ trang chiếu cả chục năm trước. Phim Việt từng có Thiên mệnh anh hùng (Victor Vũ), Long thành cầm giả ca (Đào Bá Sơn), Khát vọng Thăng Long (Lưu Trọng Ninh) với những trận đánh rất đã mắt...", anh Phúc nói.

Nhận về không ít lời chê, và thêm cả doanh thu kém sau một thời gian sau công chiếu, bộ phim lại là một thất bại đáng quên nữa của phim sử Việt. Bản thân đạo diễn Anthony Võ cũng phải thừa nhận dòng phim đề tài lịch sử kén khán giả nên không nhiều đạo diễn Việt Nam mặn mà. Anh cũng lường trước được điều này nhưng vẫn quyết tâm thực hiện vì đam mê với lịch sử.

Dù thất bại, đại diện êkíp cho biết rút được nhiều kinh nghiệm khi lần đầu làm thể loại dã sử và sẽ nỗ lực khắc phục ở dự án sau.

Bà Thúy Lành - Giám đốc sản xuất Huyền sử vua Đinh chia sẻ: "Đề tài phim lịch sử Việt Nam rất hay nhưng ít người dám khai thác vì bị dư luận và các nhà chuyên môn rất khắt khe quan tâm. Nếu không ai dám làm thì phim lịch sử Việt Nam sẽ đi về đâu? Các thế hệ tương lai sẽ đón nhận lịch sử bằng cách nào để có thể yêu thích và tự hào về nó? Tôi và ê kíp sẵn sàng đón nhận tất cả những khen chê của khán giả, miễn là phim được ra rạp và góp phần nhỏ bé trong việc đưa lịch sử Việt Nam và lòng tự hào dân tộc đến gần hơn với công chúng".

Thanh Mai

11 thiết bị thông minh giúp cuộc sống trở trên dễ dàng hơn

11 thiết bị thông minh giúp cuộc sống trở trên dễ dàng hơn

Những thiết bị thông minh nên sử dụng trong nhà sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức.