Khi lì xì trở thành “tai họa mùa xuân” với người lớn: Áp lực mừng tuổi bao nhiêu cho đủ đã trở thành gánh nặng cho nhiều người

“Nếu đối phương cho con mình lì xì, thì dù quan hệ là gì đi nữa, tôi cũng phải trả lại bằng hoặc cao nhất là gấp đôi cho con người ta”.

Tết Nguyên đán là dịp lễ hội quan trọng nhất trong năm của người Trung Quốc, Việt Nam,... Một trong những phong tục nổi bật nhất phải kể đến lì xì. Giá trị ban đầu của tiền mừng tuổi luôn là thể hiện tình yêu thương và lời cầu chúc may mắn. Vì thế, tiền lì xì không bao giờ cần nhiều. Nhưng theo nhịp sống thời đại, ngày nay tiền mừng tuổi đã biến thành một áp lực với một số người, nhất là người lớn vừa phải lo chu toàn mừng tuổi cho bố mẹ người cao tuổi, vừa phải lì xì cho trẻ nhỏ. 

Trên mạng xã hội Trung Quốc từng có bài đăng: “Điểm danh 9 nỗi sợ Tết lớn của thế hệ sinh sau năm 80” đã gây xôn xao cư dân mạng. 9 điều này bao gồm: sợ cháu nhỏ, sợ tặng quà, sợ họ hàng, sợ hàng xóm hỏi thăm về lương,... và nổi bật nhất phải kể đến sợ lì xì.  

Tiền lì xì bằng cả thưởng Tết

"Tiền thưởng cuối năm không đủ, sau nhận thưởng toàn bộ số tiền đó đều phải tiêu vào mừng tuổi", cô Trương, một người phụ nữ trung niên cho biết. Cô cho biết họ hàng rất đông người, trẻ nhỏ có hàng chục đứa. Ngày Tết chỉ cần sang nội ngoại một chút “phát” tiền lì xì là đã mất cả chục triệu đồng.

Cô Đông, sống ở trung tâm Bắc Kinh, 26 tuổi, có thu nhập hàng năm hơn 300 triệu đồng. Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, cô đã tặng cháu trai 1.000 nhân dân tệ (3,5 triệu đồng) làm lì xì, tặng bố mẹ mỗi người 2.000 nhân dân tệ (7 triệu đồng). Cô cho biết cảm giác sau 10 năm, số tiền mừng tuổi đã tăng gấp 10 lần. Ngày cô còn nhỏ, mọi người không lì xì nhau quá nhiều và không coi trọng việc đó. 

Ông Dư đã hơn 70 tuổi hiểu rõ điều này hơn cả. Ông kể, khi còn nhỏ, người lớn thường cho mình một, hai xu để mua kẹo vào dịp Tết Nguyên Đán. Sau này khi lấy vợ và lập nghiệp, ông bắt đầu đưa tiền Tết cho con cái, số tiền ngày càng tăng lên, từ vài xu đầu tiên đến vài nhân dân tệ, vài chục nhân dân tệ và thậm chí hàng trăm tệ. Năm nay, số tiền Tết ông đưa cho cháu trai và cháu gái mỗi người là 1.000 nhân dân tệ (tức 3,5 triệu đồng): “Khi tôi còn nhỏ, hàng năm bố tôi đều tặng tôi một chiếc phong bao dày, trong đó có những đồng tiền mới toanh, bao gồm hai nhân dân tệ, một nhân dân tệ và năm mươi xu. Với tôi, đó là một phần vĩnh cửu của tuổi thơ”.

Anh Trương, 35 tuổi, cho biết hiện nay, số tiền lì xì trẻ em tăng vọt, anh cảm thấy “đau lòng” mỗi dịp Tết đến. Anh chỉ muốn trốn tránh khi nghe tin ai đó đưa con đến chúc Tết: “Sau Tết Nguyên Đán, tôi phải ăn mì gói trong một tháng”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lì xì biến thành món nợ ân tình

Từ xa xưa, người Trung Quốc và Việt Nam đã có phong tục lì xì cho trẻ em trong dịp năm mới. Người ta nói rằng tiền lì xì có thể trấn áp tà ma, đem lại may mắn. Tuy nhiên, thời gian trôi qua, tiền mừng tuổi Tết tăng dần qua từng năm, dường như mang nhiều ý nghĩa tạo kết nối, trả nợ ân tình hơn.

Cô Vương ở Bắc Kinh chuẩn bị nhiều phong bao lì xì ít nhất trị giá 500 nhân dân tệ (1,7 triệu đồng), chủ yếu để tặng con cái đồng nghiệp và người thân: “Nếu có mối quan hệ tốt, bạn sẽ phải lì xì con họ nhiều hơn, thường là gấp đôi số tiền”.

Cô nói với các phóng viên rằng con cô năm nay 4 tuổi và đã nhận được hơn 10.000 nhân dân tệ (35 triệu đồng) tiền mừng năm mới. "Thu quá nhiều tiền Tết cũng không phải là điều tốt, đó còn là nợ ân tình", cô cho biết. Một số họ hàng không thân thiết cũng đưa lì xì Tết khiến cô cảm thấy có chút gánh nặng. 

“Nếu đối phương đưa cho con mình một phong bao lì xì trị giá 500 nhân dân tệ, thì dù quan hệ là gì đi nữa, tôi cũng phải trả lại bằng hoặc cao nhất là gấp đôi cho con người ta. Nếu không, mọi người có thể nghĩ rằng tôi keo kiệt”, cô nói.   

Về vấn đề này, Hạ Học Loan, giáo sư Khoa Xã hội học tại Đại học Bắc Kinh, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng việc người lớn tặng một ít lì xì cho thế hệ trẻ trong dịp Tết là điều dễ hiểu, nhưng phong tục đơn giản này đã thay đổi. Trước đây, tiền lì xì Tết chỉ là một hình thức có đi có lại, tiền Tết càng nhiều thì càng tốt nhưng nó mang lời chúc phúc cho con cái trưởng thành vui vẻ. Nhiều người hiện lo ngại tiền lì xì Tết có giá trị lớn đã dần làm biến tướng phong tục văn hóa, dần dần hình thành nên quan niệm sai lầm về tiền bạc ở trẻ em. 

Nhiều phương tiện truyền thông cảnh báo rằng khi số lì xì trao cho trẻ em ngày càng tăng, người lớn càng cần phải tận dụng “cơ hội” này để dạy con cách quản lý tài chính. Nói xa hơn, nó còn ảnh hưởng đến quan điểm của trẻ về tiền bạc và quan điểm sống, thế giới quan sau này.  

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 Nguồn: QQ

Chi Chi