Không ký ức nào bị lãng quên

“Những mảnh ký ức 1979-1989: Chuyện kể từ biên giới phía Bắc” -những ký ức không cần tô hồng hay bôi đen, tự bản thân chúng đã sống động vô ngần

“Chiến tranh, tôi nghiệm ra nhanh cũng chết, chậm cũng chết, khôn cũng chết, dại cũng chết, ông nào sống là ông ấy may mắn. Vào chiến trận, ông nào nói không sợ là nói hươu. Nghe đạn nổ, sợ. Nhưng rồi không sợ nữa vì bạn mình chết, đồng đội chết, nhìn thấy máu chảy, đằng nào chả chết, đánh thôi. Mình không giết nó nó cũng giết mình”. (Trang 43)

“Trên chốt, đụng độ luôn có thể nổ ra, mà phía sau lưng lại là cuộc sống khác. Chắc chắn trong thâm tâm thằng lính nào chẳng giằng xé. (Trang 59)

Sau trận đánh ấy, tôi được thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất. Đến tháng 10/1979 được đi dự Đại hội Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc ở trên Hà Nội. Kết thúc Đại hội, tất cả đứng dậy vỗ tay hát bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…”, không còn tay nữa nên tôi mặc cảm, đi lùi lại đằng sau. Nghĩ cũng tủi thân, nghẹn hết cả cổ, chảy nước mắt, năm 1979 tôi mới 20 tuổi… “ (trang 120)

“Quân đi, quân đi

ngược lên biên giới

có cái nhìn như sỏi ném sau tôi…” (trang 174)

“Sợ quá. Không ăn được cơm. Hoang mang lắm. Nhìn thấy anh em chết nhiều thế, chỉ muốn về quê, chỉ muốn ra khỏi khu vực có tiếng súng, cho thoát khỏi ám ảnh.… Rồi nó cũng phải quen thôi, phải động viên, không thể trốn được, không thể bỏ đi được. Anh em chết đó rồi, đồng đội mình đấy, vừa mới ngày nào nói chuyện với nhau, ăn lạc rang, uống rượu thế mà giới phải gói nó rồi, đau thương lắm chứ” (trang 226)

Những mảnh ký ức 1979-1989: Chuyện kể từ biên giới phía Bắc - Nhóm tác giả Đào Thanh Huyền - Hà Hương - Phạm Hoài Thanh, NXB Trẻ ấn hành năm 2024. 
Những mảnh ký ức 1979-1989: Chuyện kể từ biên giới phía Bắc - Nhóm tác giả Đào Thanh Huyền - Hà Hương - Phạm Hoài Thanh, NXB Trẻ ấn hành năm 2024. 

Đó là một vài trang, lấy ra từ cuốn sách mới ra mắt “Những mảnh ký ức 1979-1989: Chuyện kể từ biên giới phía Bắc”. Chúng tôi chỉ chọn lựa ngẫu nhiên một vài ký ức, những ký ức không cần tô hồng hay bôi đen thêm nữa, tự bản thân chúng đã sống động vô ngần.

Đã nhiều lần nói chuyện với nhóm tác giả về cuốn sách, một cuốn sách ấp ủ từ rất lâu, tới mức có lúc, tôi đã quên luôn rằng đồng nghiệp mình vẫn đang viết sách. Hơn 10 năm với các tư liệu, các cuộc gặp gỡ, các cuộc thăm dò trên các bài báo lẻ, những lần đi tìm kinh phí, cuốn sách ra đời, vừa như một tiếng thở phào, cũng là tiếng thở dài.

Cuốn sách này không phải là một biên niên sử đầy đủ về chiến tranh biên giới, như tên gọi, đó là những mảnh ký ức - và còn là những ký ức khá vụn của những người trong cuộc - những con người đã có mặt, tham gia hoạch định kế hoạch, hay ít nhiều chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến. Nhưng cũng vì tiếp cận từ góc độ ấy, nên cuốn sách tránh được những câu chữ đao to búa lớn, không phong thần ai, không dìm hàng ai. Những nhân vật trong sách, được bảo chứng, với phương pháp thực hiện có đủ độ khoa học và tin cậy. Một mặt nào đó, sự xuất hiện của những nhân vật trong sách này, còn là một lời đính chính nhẹ nhàng cho nhiều lập lờ về lịch sử bấy lâu.

Người đọc không cần phải tìm một thứ lập ngôn đao to búa lớn, cũng không cần tác giả phân tích, nhận định vấn đề. Chỉ có những câu chữ mộc, từ những nhân vật, họ kể lại câu chuyện của chính mình. Nhóm tác giả đã hệ thống, sắp xếp các ký ức theo từng giai đoạn, đan cài các vị trí, vai trò để người đọc có cái nhìn đa dạng.

Đánh giá, bình luận, đó là việc của hậu thế, của những người cầm cuốn sách trên tay. Nhưng tôi tin là, những người đọc sách, đều cảm nhận được sự chân thực trong các câu chữ. Trong cuốn sách này, có những con người và những câu chuyện, có giai đoạn thậm chí tưởng chừng như họ đã bị lãng quên.

Những câu chuyện trong sách, có quyết tâm, có sợ hãi, có đồng cảm, có vô tình, có lãng mạn, có khốc liệt, đó là đời! Và cũng là chiến tranh! Không phải lúc nào cũng “đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Không phải người chiến sĩ nào cũng hô vang “nhất xanh cỏ nhì đỏ ngực”. Nhưng nhờ thế mà chúng ta hiểu, sự yên ổn đang có suốt 1.449,566km đường biên đã phải trả giá thế nào, đáng quý thế nào. Không phải cứ gào lên đánh nhau là đánh ngay được đâu. Máu cả đấy!

"Những mảnh ký ức 1979-1989: Chuyện kể từ biên giới phía Bắc" không phải là một biên niên sử đầy đủ về chiến tranh biên giới, như tên gọi, đó là những mảnh ký ức - và còn là những ký ức khá vụn của những người trong cuộc - những con người đã có mặt, tham gia hoạch định kế hoạch, hay ít nhiều chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến

 Thế hệ 8X của chúng tôi, vẫn tự bảo rằng, chúng ta là thế hệ đầu tiên sinh ra và lớn lên trọn vẹn trong hoà bình. Nhưng phải khi rất lớn (và già), chúng ta mới nhận ra rằng, những năm tháng đi học của chúng ta, đất nước vẫn chưa im tiếng súng. Những cuộc đấu tranh vẫn dai dẳng, và những cuốn sách như thế này, nhắc cho chúng ta về những đoạn lịch sử ấy.

Lịch sử, dù thế nào vẫn phải ghi lại, dưới nhiều góc độ. Cuốn sách này là một góc độ đó. Nhưng có một điểm rất rõ ràng, rằng từ những ký ức được ghi lại, chúng ta có đầy đủ sự tự hào và tính chính nghĩa trong cuộc chiến bảo vệ mảnh đất quê hương mình.

Như đã nói, vì chỉ là những mảnh ghép ký ức, nên sách còn thiếu sự tổng quát, còn nhiều điểm chưa đả động được đến. Một số lỗi typing và tên địa danh, có vẻ do nhân chứng kể lại bằng trí nhớ đã qua mấy chục năm. Phần đậm nét nhất là cuộc chiến Vị Xuyên 1984 - 1989. Tuy nhiên, giai đoạn đấu tranh chống lấn chiếm 1977-1979 và năm 1979 vẫn còn nhiều khoảng trống - đó là điều khá tiếc nuối khi gập cuốn sách lại.  

Sự nuối tiếc đó, phần nhiều đến từ vấn đề kinh phí. Nhưng mới chỉ là “mảnh ký ức”, đã ngốn của cả nhóm thực hiện hơn 10 năm với hàng trăm nhân vật. Nói vậy để thấy, biên giới này còn bao nhiêu điều phải nhắc đến. Dù thế nào, quyển sách này vẫn là nỗ lực đáng tôn trọng của nhóm tác giả, cũng như một trách nhiệm “giời đày” của chính họ. Cuốn sách, cũng như một lời tri ân, tới những người đã bảo vệ và giữ yên biên cương, trong tháng 7 này.

Và nhóm tác giả cũng mở ra một mệnh đề, rằng hồ sơ biên giới vẫn là còn để mở đó…

Mai Nguyên

Tưởng niệm các Liệt sỹ hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma

Tưởng niệm các Liệt sỹ hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma

Các cựu chiến binh, thân nhân của các Liệt sỹ Gạc Ma đã tổ chức dâng hương, thả vòng hoa tưởng niệm, tri ân các Liệt sỹ.

Đọc nhiều nhất