Tinh thần “lá lành đùm lá rách” chưa bao giờ lên cao đến thế, nó giúp mọi người sống tích cực hơn, vững tin vượt qua dịch bệnh.
Thế nhưng bên cạnh việc làm ý nghĩa ấy vẫn còn xuất hiện những hình ảnh xấu xí như chen lấn, xô đẩy hay “tranh” quà tại các điểm từ thiện, thậm chí·còn có cả đường dây "nhận gạo chuyên nghiệp" nhằm trục lợi. Những hành vi xấu xí này·làm giảm đi ý nghĩa của việc làm nhân văn cao cả, làm nản lòng người tốt.
Từ chuyện máy "ATM gạo" đầu tiên
Máy ATM gạo đầu tiên được đặt tại số 204 đường Vườn Lài, quận Tân Phú, TP.HCM. Ảnh: Tiền Phong |
"Có rất nhiều người nhận gạo chuyên nghiệp. Một ngày nhận đến mười mấy lần. Nếu 1, 2 lần thì tôi không nói nhưng nhận quá nhiều lại còn có đường dây, tổ chức. Họ chuẩn bị cả quần áo để thay, đi một nhóm từ 4-5 người lần lượt vào lấy. Khoảng 5-10 phút sau, họ quay lại với quần áo khác”.
Lời trần tình của anh Hoàng Tuấn Anh - người làm ra ATM gạo đầu tiên trên trên báo Thanh Niên đáng để suy ngẫm về một thực tế buồn.
Trước đó, vụ việc tài khoản mạo danh nhân viên công ty chủ "ATM gạo" miệt thị cô gái áo đen thì những tin nhắn, cuộc gọi nặc danh xúc phạm, dọa giết gia đình khiến anh Hoàng Tuấn Anh rệu rã. Anh đã từng nghĩ "nên buông xuôi"...
Theo lời anh kể, lần trở lại "ATM gạo này", anh bất ngờ không tin vào mắt mình. Số lượng người đến nhận rất đông, xếp hàng dài và lượng gạo quyên tặng chật kín không gian quán cà phê. Đây là điều mà anh mong ước từ ngày đầu triển khai mô hình. Tuy nhiên, anh cảm thấy thật sự mỏi mệt, áp lực.
Anh buồn bởi đang vướng vào sự việc gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Chuyện bé H. đi nhận gạo bị từ chối và chuyện nhân viên của anh rơi vào hoảng sợ vì bị người xấu tấn công tinh thần.
Tình nguyện viên hỗ trợ người dân nhận gạo từ máy "ATM gạo" tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk. Ảnh: Báo Đăk Lăk |
"Hiện tại, 3 nhân viên của tôi đã xin nghỉ vì sợ hãi tột độ. Nhiều người nhắn tin, gọi điện đe dọa, chửi bới và còn chặn xe trước cửa công ty không cho về. Bản thân tôi, người nhà cũng bị hăm dọa giết cả nhà. Áp lực từ cộng đồng mạng quá khủng khiếp", anh Tuấn Anh lắc đầu chia sẻ.
Hơn nửa tháng qua, từ khi cây "ATM gạo" đầu tiên đi vào hoạt động, cả anh và nhân viên không ngày nào thảnh thơi. Mọi người vừa đảm đương trách nhiệm vận hành mô hình mới vừa tiếp tục công việc chuyên môn của công ty. Nhân lực thiếu hụt, lượng người đến nhận gạo ngày càng đông khiến áp lực đè lên vai người lãnh đạo càng thêm nặng.
Điều khiến anh áy náy nhất là lời hứa với mạnh thường quân khi họ ủng hộ gạo cho máy phát. Lời hứa đem những phần gạo đến đúng tay người gặp khó khăn và hạn chế những kẻ lợi dụng việc từ thiện mà trục lợi cá nhân.
"Sự công bằng và đúng người là giá trị cốt lõi cũng là lời hứa của tôi với mạnh thường quân. Tôi sẽ hạn chế những người trục lợi chứ chưa bao giờ nói phân biệt giàu, nghèo qua vẻ bên ngoài", anh bày tỏ.
Đến quán cơm Nụ Cười
Theo một người có nhiều tâm huyết với các chương trình thiện nguyện, đặc biệt là với quán cơm Nụ Cười chia sẻ, chuỗi quán cơm này do đặc thù là ăn tại chỗ, không được mang về (trừ một số trường hợp đặc biệt như quá nghèo khổ, già yếu, bệnh tật mà quán đã xác minh) nên ít xảy ra trục lợi.
Những tình nguyện viên các quán cơm Nụ Cười đi phân phát các suất ăn cho người nghèo. Ảnh: Thanh Niên |
Tuy nhiên trong đợt dịch này, các quán Nụ Cười không bán mà tặng cơm mang về 1-2 suất/người (phần lớn là hai suất), tiêu cực lập tức diễn ra. Đúng y như những gì ông chủ ATM gạo nói: “họ rất chuyên nghiệp, đi từng nhóm, và lấy liên tục...”.
Những kẻ này đông và lộng hành đến nỗi trong một đợt phụ quán tặng cơm, một cán bộ UBND P.13, Tân Bình đã bất bình: “Trời ơi, tôi thấy họ lấy mười mấy hộp rồi đứng bán lại kìa”.
Những đợt quán tặng quà người nghèo, những kẻ này kéo đến càng đông hơn, quay đi quay lại lấy liên tục rồi thản nhiên tụ tập lại chia chác và...bán lại cho những người nghèo khổ khác ngay cách quán chỉ vài bước chân. Chúng tôi biết chứ, nhưng làm sao bây giờ?
Quà dù nhiều Mạnh Thường Quân đóng góp nhưng vẫn như muối bỏ bể. Cơm một quán nấu tối đa chỉ được 1.000 suất/ngày. 9h30 tặng cơm, nhưng khoảng 7h30, 8h người nghèo đã xếp hàng chờ (ảnh). Và gần 1.000 suất cơm thường hết veo trong chưa đầy 1 tiếng.
Họ không đơn giản là giành với người nghèo những hộp cơm, túi quà, bao gạo mà họ đã thật sự “giết” những người nghèo. Họ gây sự nghi kỵ, ngờ vực. Họ cướp từ những người có lòng tốt một thứ rất quý giá nhưng đôi khi cũng rất mong manh: niềm tin.
Chen lấn, giành giật quà từ thiện
Trưa 14/4, sau 3 ngày hoạt động, tại điểm phát gạo từ thiện Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã xảy ra tình trạng chen chúc, tranh giành nhau khi hàng trăm người có mặt để được vào lấy gạo. Một số cá nhân cố tình xô đẩy, cãi vã vì cho rằng phải chờ đợi quá lâu.
Tình trạng người dân chen lấn tại điểm ATM gạo miễn phí tại P. Nghĩa Tân, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội. |
Anh Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books, người mở ATM rút gạo “bằng chân” ở Hà Nội cho biết, trong ngày 14/4, khi có mặt tại điểm phát gạo miễn phí tại phường Nghĩa Tân, anh đã cố gắng dùng loa nhắc nhở, thuyết phục bà con để đứng giãn ra: "Nếu bà con không nghĩ lại, không nhường nhịn nhau, không có ý thức, chúng ta sẽ vỡ trận và chúng con sẽ đóng cửa ATM gạo miễn phí".
Theo chia sẻ của anh Hùng, cách đây vài ngày, có một tài khoản Facebook đã bình luận trong một bài viết trên Fanpage Sách Thái Hà của anh. Đoạn bình luận có nội dung như sau: Nhà mình ngay cạnh chỗ phát gạo, cũng mong các bạn xem xét lại có cách nào không để hạn chế những người không cần mà vẫn cứ đến lấy… Chứng kiến cảnh lấy gạo rồi ra cổng Ủy ban thay áo, quay lại lấy lần hai... nhói lắm.
Trước khi bắt tay thực hiện dự án, anh Hùng cũng tìm hiểu thông tin và biết được tình trạng “người giàu” đi nhận gạo tại các cây ATM gạo miễn phí ở TP.HCM. Vậy nên một khẩu hiệu đã được anh chú trọng nêu cao: “Nếu bạn cần, hãy đến lấy, nếu bạn ổn, hãy nhường cho người khác nếu bạn có, hãy chung sức đóng góp thêm”.
Tuy nhiên, theo anh có vẻ khẩu hiệu này chưa giải quyết được triệt để tình trạng trên. Bởi rõ ràng việc “người giàu” đi nhận hỗ trợ không đơn giản là câu chuyện cho - nhận mà đã trở thành vấn đề ý thức, đạo đức và văn hóa.
Trên thực tế, những hình ảnh xấu xí này không phải đến bây giờ mới xuất hiện. Mới đây, trên mạng xã hội cũng lan truyền một clip quay tại điểm phát gạo, mì tôm, khẩu trang tại số 2 Vương Thừa Vũ, Thanh Xuân (Hà Nội) có những kẻ tham không đeo khẩu trang đã vào bàn để các túi đồ từ thiện lấy đi mấy túi đồ, mà đáng lẽ ra ai thực sự khó khăn cũng chỉ lấy một túi quà. Thậm chí, có một phụ nữ còn đem cả một túi to nhặt hết sạch phần quà trên bàn.
Những hành đồng của những kẻ tham như thế này thực sự gây bức xúc vì họ đã cướp miếng ăn của những người nghèo khác, và ăn cắp cả lòng tốt của những người làm từ thiện. Vì thế nếu lòng tốt đặt không đúng chỗ, để kẻ tham lợi dụng trục lợi, vừa làm giảm đi ý nghĩa của việc làm nhân văn cao cả, vừa làm mất đi cơ hội của những người nghèo cần sự giúp đỡ thực sự.
Nhưng, gạo vẫn được các Mạnh Thường Quân liên tục "châm đầy" các "ATM", những suất cơm vẫn đều đặn được phát cho người khốn khó, những tình nguyện viên vẫn tiếp tục hành trình của mình. Niềm tin, tình yêu đâu phải vì những hành động xấu xí mà mất đi hay giảm dần!
Làm thế nào để doanh nghiệp sẵn sàng hồi phục sau COVID-19?
COVID-19 đang thách thức doanh nghiệp khi các công ty đang báo cáo sụt giảm doanh số mạnh trong nhiểu tuần qua và không chắc khi nào sẽ tăng trở lại.