Không tiêu xài hoang phí, bố mẹ đem lì xì của con đổi hết thành vàng: Mai này con bán lấy tiền cưới vợ, mua nhà

Gia đình bạn chọn dùng tiền lì xì của con như thế nào?

Lì xì là những đồng tiền may mắn đầu năm mà người lớn dành tặng trẻ nhỏ. Tuy nhiên do trẻ chưa biết cách quản lý tài chính thế nên nhiều bố mẹ đã thay con giữ lại số tiền này và phân bổ chúng hợp lý vào các khoản đầu tư. Trong số đó, dành tiền lì xì mua vàng đã trở thành lựa chọn của nhiều ông bà cha mẹ. 

Không tiêu xài hoang phí, bố mẹ đem tiền lì xì đổi vàng để lo chuyện tương lai cho con

Trong những năm gần đây, khi nền kinh tế liên tục biến động thì vàng vẫn giữ nguyên giá trị và liên tục xô đổ những kỷ lục về giá. Điều này khiến nhiều phụ huynh càng vững tâm hơn về độ an toàn trong bảo vệ tài sản của kim loại quý này. Bên cạnh mục tiêu sinh lời nhanh chóng, các ông bố bà mẹ còn tính chuyện mua vàng trong dài hạn để mai này quy đổi ra tiền sẽ có lời hơn cho con cái. 

Yến (34 tuổi, Nam Định) là mẹ của hai cậu con trai 7 tuổi và 4 tuổi. Từ khi hai con mới chào đời, hễ khi bé nhận được tiền mừng (trong đó có lì xì), cô đều tích góp lại để dành tiền mua vàng. Trong trường hợp số tiền lì xì chưa lớn, Yến sẽ góp thêm tiền của bố mẹ để đủ chi phí mua vàng.

“Mình tích vàng để sau này con lấy vợ, mình sẽ gửi lại để con dùng vàng theo cách của mình", cô nàng hài hước chia sẻ.

Nhiều ông bố bà mẹ quyết định dùng tiền lì xì con để mua vàng (Ảnh minh hoạ)
Nhiều ông bố bà mẹ quyết định dùng tiền lì xì con để mua vàng (Ảnh minh hoạ)

Tương tự Yến, Trần Nghĩa (30 tuổi, Hà Nội) cho biết tất cả tiền lì xì của con trai 10 tuổi trong 3 năm nay đều được cô giữ lại để mua vàng, sau này sẽ gửi lại cho con làm của hồi môn hoặc bán lấy tiền học Đại học. Bởi lẽ Trần Nghĩa quan điểm, nếu không dồn hết lì xì mua vàng thì tiền để lâu sẽ nhanh chóng mất giá.

Ba năm nay, mỗi năm Trần Nghĩa đều đặn dùng tiền lì xì của con, kết hợp tiền của bố mẹ để mua hai chỉ vàng. Với cô nàng, không chỉ tiền lì xì của con mà nhiều khoản chi khác trong cuộc sống cũng cần được lập kế hoạch quản lý đúng cách.

“Tiền lì xì hàng năm của con cũng được gần chục triệu đồng. Nếu không biết cách dùng thì sẽ rất phí vì đây là số tiền lớn. Từ nhỏ, vợ chồng mình dạy con có tiền lì xì thì không bỏ ống heo mà đưa hết cho bố mẹ mang ra tiệm vàng, đều đặn mỗi năm đổi thành 2 chỉ. Khi nào giá vàng lên thì mình bán. Nếu giá vàng không tăng thì mình giữ vàng trong két, khi con đủ 18 tuổi sẽ quy đổi tiền mặt cho con đóng học phí Đại học", Trần Nghĩa nói.

Một trường hợp khác, Đặng Oanh (29 tuổi, Thanh Hóa) là mẹ của một bé trai 2 tuổi. Hằng năm, tiền lì xì của con Đặng Oanh dao động từ 3-4 triệu đồng, sẽ được mẹ bố mẹ cất lại và tích luỹ riêng để dành đi mua vàng. Sau đó, cô thường chọn mua vàng 9999 tại tiệm vàng uy tín ở quê. Ngoài việc mua vàng, vợ chồng Đặng Oanh còn mang tiền lì xì của con đi gửi tiết kiệm.

“Mình đổi lì xì ra vàng vừa để giữ tiền cho con, vừa coi đó là khoản tiết kiệm. Nếu cần thì mình có thể bán vàng để đi lo việc", Đặng Oanh cho hay.

Đặng Oanh bên con trai (Ảnh: NVCC)
Đặng Oanh bên con trai (Ảnh: NVCC)

Về lâu dài, vàng là khoản đầu tư sinh lời bền vững

Đó là quan điểm của của Trần Nghĩa khi đều đặn dùng dòng tiền nhàn rỗi của gia đình như tiền tiết kiệm, lì xì của con… để đi mua vàng. Cô nàng cho hay, bản thân không hy vọng làm giàu từ vàng. Tuy nhiên, về lâu dài, Trần Nghĩa mong vàng sẽ liên tục giữ mức sinh lời, để sau này con trai bán lấy tiền phụ chuyện đi học, mua xe ô tô, hoặc tốt hơn là mua nhà cho con.

“Mình đã giải thích với con về chuyện bố mẹ dùng tiền lì xì để mua vàng. Và các bé cũng rất vui vì hiểu được sau này có quỹ tiết kiệm để lo ‘chuyện lớn'. Từ đó, các bạn cũng hiểu được khái niệm đơn giản về đầu tư, dùng tiền hợp lý và cách tích lũy tài sản”, Trần Nghĩa nói.

Còn về phía Đặng Oanh, cô cho biết sau này khi thu nhập gia tăng, gia đình cô sẽ còn mua nhiều vàng hơn để tích luỹ. Hiện nay, nếu có tiền nhàn rỗi không cần dùng đến, vợ chồng cô sẽ gửi tiết kiệm hoặc mua vàng. Tiền lời có được sẽ được vợ chồng Đặng Oanh tích góp lại để thực hiện ước mơ có căn nhà của riêng mình.

Với vợ chồng Đặng Oanh, mua vàng là thói quen tài chính tốt vì vừa giúp tiền giữ giá mà còn tạo thói quen tích lũy một phần thu nhập hàng tháng. Trong ngày Vía Thần tài sắp tới, họ dự tính mua 1 chỉ vàng để lấy may và cho vào quỹ tiết kiệm sau này.

“Mình nghĩ, nếu để tiền mặt thì đôi khi mình sẽ ‘nghĩ cách' xé nhỏ khoản tiền đó để chi tiêu. Tuy nhiên, nếu mua vàng thì mình sẽ không thể bán đi để đổi lấy tiền mặt ngay, dành để tiêu dùng lặt vặt được", Đặng Oanh bày tỏ.

Trong ngày Vía Thần tài sắp tới, vợ chồng Đặng Oanh dự tính mua thêm 1 chỉ vàng (Ảnh: NVCC)
Trong ngày Vía Thần tài sắp tới, vợ chồng Đặng Oanh dự tính mua thêm 1 chỉ vàng (Ảnh: NVCC)

Gợi ý mua vàng bằng tiền lì xì của con

Với vai trò là một kênh trú ẩn an toàn khi các loại tài sản khác biến động, vàng là phương thức tích trữ giá trị được yêu thích của nhiều ông bà bố mẹ. Để mua vàng được hiệu quả sinh lời và đem lại lợi nhuận tốt, bạn nên lựa chọn vàng ở những đơn vị uy tín để đảm bảo chất lượng và giá thành. 

Với giới hạn tiền lì xì của trẻ thường dưới 10 triệu đồng, phụ huynh có thể tham khảo “mở vía” đầu năm bằng 1 chỉ vàng miếng SJC hoặc vàng nhẫn, có mức giá dao động từ 6,5 - 8 triệu đồng. Hoặc nếu muốn tặng con vàng với mẫu mã đẹp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, bạn hãy thử tham khảo bộ sưu tập vàng mới đến từ các thương hiệu lớn như PNJ, Bảo Tín Minh Châu.

Phụ huynh nên chọn mua vàng từ những thương hiệu lớn để bảo vệ giá trị tài sản cho con (Ảnh minh hoạ)
Phụ huynh nên chọn mua vàng từ những thương hiệu lớn để bảo vệ giá trị tài sản cho con (Ảnh minh hoạ)

Vân Anh - Design: Thành Đạt

Giá vàng hôm nay 16/2: Thế giới tăng trở lại

Giá vàng hôm nay 16/2: Thế giới tăng trở lại

Giá vàng hôm nay 16/2 tăng trở lại do USD và lợi suất trái phiếu kho bạc giảm. Tại thị trường trong nước, giá vàng hôm nay đồng loạt giảm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.