Liệu pháp mới kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư não ác tính

Kết quả nghiên cứu cho thấy thời gian sống của bệnh nhân tăng trung bình lên 13,1 tháng so với mức dưới 1 năm như trước đó.

Glioblastoma, dạng ung thư não ác tính nhất, từ lâu đã được coi là án tử khó tránh với thời gian sống trung bình chỉ từ sáu đến chín tháng, đặc biệt ở người trên 65 tuổi. Tuy nhiên, một liệu pháp bức xạ mới kết hợp công nghệ tiên tiến đang mở ra hy vọng kéo dài sự sống cho bệnh nhân mắc căn bệnh nguy hiểm này.

Tiến sĩ Sujay Vora, bác sĩ ung thư xạ trị tại Mayo Clinic, cho biết phương pháp điều trị mới không chỉ giúp bệnh nhân sống lâu hơn mà còn rút ngắn đáng kể thời gian điều trị. Trong thử nghiệm lâm sàng gần đây, các nhà khoa học đã kết hợp chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) với chất đánh dấu phóng xạ 18F-DOPA và liệu pháp proton để tăng hiệu quả điều trị.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thông thường, hình ảnh MRI được sử dụng để lập bản đồ khối u trước khi tiến hành xạ trị. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đã bổ sung kỹ thuật 18F-DOPA PET giúp phát hiện các vùng trao đổi chất bất thường, đặc biệt là tế bào ung thư hoạt động mạnh. Nhờ đó, các bác sĩ có thể nhắm chính xác vào khối u bằng liệu pháp proton, sử dụng các hạt tích điện nặng thay vì tia X như bức xạ photon truyền thống. Phương pháp này giúp giảm tối đa tổn thương mô não khỏe mạnh xung quanh.

Thử nghiệm lâm sàng được thực hiện trên 39 bệnh nhân trên 65 tuổi sau phẫu thuật loại bỏ khối u. Các bệnh nhân này trải qua liệu pháp mới kéo dài chỉ từ một đến hai tuần. Kết quả cho thấy 22 trong số 39 bệnh nhân vẫn sống sau 12 tháng điều trị, với thời gian sống trung bình tăng lên 13,1 tháng so với mức dưới một năm trước đó. Đặc biệt, một số bệnh nhân mang dạng glioblastoma ít kháng thuốc hơn đã sống hơn hai năm.

Tiến sĩ Vora nhấn mạnh, việc rút ngắn thời gian điều trị không chỉ nâng cao hiệu quả mà còn giảm bớt gánh nặng cho bệnh nhân và gia đình. "Bất cứ điều gì giúp giảm bớt áp lực phải điều trị kéo dài đều là điều tích cực cho người bệnh", ông chia sẻ.

Kết quả đầy hứa hẹn này đã được công bố vào tháng 12 trên tạp chí The Lancet Oncology. Nhận thấy tiềm năng lớn từ liệu pháp mới, Mayo Clinic đang mở rộng thử nghiệm cho bệnh nhân glioblastoma ở mọi lứa tuổi và so sánh hiệu quả của liệu pháp này với phương pháp điều trị truyền thống kéo dài từ ba đến sáu tuần.

Trong khi đó, các nhà khoa học trên thế giới cũng không ngừng tìm kiếm phương pháp mới để đối phó với glioblastoma. Tại Vương quốc Anh, một liệu pháp thử nghiệm khác đang được phát triển, sử dụng thiết bị y tế để đưa trực tiếp thuốc bức xạ vào não bệnh nhân sau phẫu thuật, mở ra thêm cơ hội kéo dài sự sống cho người mắc căn bệnh này.

TM (theo Live Science)

Liệu pháp tế bào CAR-T, kỷ nguyên mới trong điều trị ung thư

Liệu pháp tế bào CAR-T, kỷ nguyên mới trong điều trị ung thư

Liệu pháp giúp đem về giải thưởng cho 3 nhà khoa học tại Vinfuture hồi đầu tháng 12 vừa qua tại Hà Nội.