Hiện tại có khá nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch Covid-19, một số ngành còn cắt giảm nhân sự vì hạn chế kinh doanh, không có việc làm.
Trong khoản 3, điều 98 Luật Lao động, nếu doanh nghiệp ngừng hoạt động mà không phải lỗi của người sử dụng lao động, người lao động, mà do các nguyên nhân khách quan khác thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Mặt khác, chuyên gia pháp lý cho rằng, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi có thiên tại, dịch bệnh… mà đã tìm biện pháp khắc phục nhưng vẫn phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc. Như thời điểm dịch bệnh này, người lao động có quyền chấm dứt hợp đồng với người lao động nếu đã tìm biện pháp khắc phục mà không hiệu quả. Tuy nhiên, người sử dụng lao động phải tuân thủ quy định về thời gian báo trước theo quy định.
Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) tán đồng ý kiến trên. Tuy nhiên, theo ông dù đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là quyền của người sử dụng lao động nhưng phải đảm bảo đúng luật để tránh việc ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Đức Thanh - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS) cho biết, hãng hàng không đang đối mặt với việc nhiều chuyến bay sụt giảm nghiêm trọng, nhân viên phải tạm thời thay đổi lịch làm việc, lương giảm từ 20 - 40%. Không chỉ vậy, nhân viên còn phải luân phiên nghỉ bù tuy nhiên nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì sẽ là vấn đề lớn, buộc công ty phải cho nhân viên nghỉ không lương.
Về vấn đề nhân viên nghỉ vì phải cách ly do tiếp xúc với người nhiễm bệnh, ông Bùi Đức Thanh cho biết, công ty vẫn trả lương và chế độ như bình thường, bên cạnh đó còn thăm hỏi động viên từng trường hợp.
Ông Phan Ngọc Linh - Đoàn trưởng đoàn tiếp viên Vietnam Airline cho biết, hiện tại có hơn 3.000 tiếp viên đang làm việc hết công suất để phục vụ hành khách, mới đây công ty đã sắp xếp lịch cho nhân viên nghỉ không lương... Tuy nhiên tùy thuộc vào từng đối tượng để sắp xếp và bố trí.
Theo ông Linh, lương trung bình tiếp viên cơ hữu 20-25 triệu đồng/tháng, tiếp viên Alsimexco 15-18 triệu đồng/tháng. Nguyên tắc là không sa thải nhân viên.
Đối với các trường hợp phải cách ly, công ty vẫn cho hưởng lương 100% và hưởng chế độ nghỉ ốm theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo thông tư 32/2012/TT-BTC, người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế do nhiễm bệnh sẽ được miễn chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định hiện hành về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp cơ sở y tế công lập phát hiện; được cấp không thu tiền nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế; được miễn chi phí di chuyển trong trường hợp thay đổi địa điểm cách ly.
Mặc dù dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề, cản trở kinh doanh nhưng các công ty vẫn cần đảm bảo quyền lợi của nhân viên.
Thủ tướng Chính phủ: Phải bảo đảm tiền lương, tiền thưởng cho người lao động
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh về vấn đề tiền lương, thưởng cho người lao động vào dịp Tết Nguyên Đán 2020.