Mary Anning - Nữ cổ sinh vật học bị lãng quên

Mary Anning là nhà sưu tầm hóa thạch, nhà cổ sinh vật học người Anh. Bà có nhiều phát hiện làm thay đổi tư duy về sự sống thời tiền sử.

Mary Anning sinh ngày 21/5/1799 trong một gia đình nghèo tại thị trấn ven biển Lyme Regis (Anh). Theo tạp chí Hakai, khoảng 200 triệu năm trước (trong kỷ Jura), thị trấn Lyme Regis nằm dưới một vùng biển ấm áp với đầy ắp sự sống thời tiền sử. Nước biển rút để lộ ra những tảng đá trầm tích mềm. Xác những động vật bị chôn vùi dưới đáy biển cũng dần hóa thạch. Theo thời gian, một phần của đáy biển bị bào mòn tạo thành các vách đá. Mỗi đợt sóng hay cơn bão làm xói mòn những vách đá, để lộ ra vô số hóa thạch.

Theo Shelley Emling – người viết tiểu sử về Anning với tác phẩm nổi tiếng “Thợ săn hóa thạch: Khủng long, Sự tiến hóa và người phụ nữ có những khám phá đã thay đổi thế giới” (St. Martin’s Press, 2009) – cho biết: Cha Mary Anning - Ông Richard đã lựa chọn chuyển tới thị trấn Lyme Regis vì nơi này có tiềm năng thu hút khách du lịch giàu có. Ông thường xuyên đi ra những vách đá ven biển tìm kiếm và bán các hóa thạch nhỏ cho những khách du lịch muốn làm quà lưu niệm. Từ khi lên 6 tuổi, Mary Anning đã thường xuyên theo cha tìm kiếm, khai quật và rửa các hóa thạch.

Tuy nhiên, khi ông Richard qua đời vào ngày 5/11/1810, cuộc sống của gia đình Anning ngày càng trở nên khó khăn. Tệ hơn là gia đình Anning theo đạo Tin lành, họ bị coi là những người bất đồng với Giáo hội Anh và không được hàng xóm coi trọng.

Sau khi cha qua đời, không rõ điều gì đã thúc đẩy Anning quay trở lại các bãi biển và tiếp tục công việc tìm kiếm hóa thạch. Có thể cô ấy yêu thích những hóa thạch, hoặc cô ấy muốn tiếp tục công việc kinh doanh của cha mình trước đây.

Trong một lần tìm kiếm, cô đã phát hiện một con cúc đá (ammonite) lớn. Một khách du lịch đã mua nó từ cô ấy với giá nửa crown. Khoản tiền này nhiều hơn bất kỳ khoản tiền nào mà ông Richard kiếm được từ việc bán hóa thạch. Anning nhận ra mình có thể kiếm tiền cho gia đình thông qua việc săn tìm hóa thạch, điều này khiến cô đi ra bãi biển thường xuyên hơn.

Năm 1811, Anning phát hiện một hóa thạch rất lạ khiến các nhà khoa học đương thời vô cùng sửng sốt. Hóa thạch dài 5,2m, có 60 đốt sống và Anning đã phải nhờ tới sự giúp đỡ của anh trai cùng mất nhiều tháng mới có thể khai quật được. Lúc đó, người dân trong thị trấn Lyme Regis đều đồn rằng cô đã tìm thấy một con quái vật. Sinh vật này chưa từng được biết đến trước đây, một phần cơ thể của nó trông giống một con cá, nhưng phần khác lại tương tự một con cá sấu. Sau này, các nhà khoa học đã đặt tên cho hóa thạch là ichthyosaur, hay thằn lằn cá.  Và mẫu hóa thạch mà Anning tìm được là bộ xương hoàn chỉnh đầu tiên của loài động vật này.

“Tôi không nghĩ rằng đó là một con cá khi so sánh với các loài cá khác. Cấu tạo cơ thể của nó rất khác biệt so với cấu trúc thông thường”, Everard Home, bác sĩ phẫu thuật người Anh, đã viết về hóa thạch thằn lằn cá khi mô tả nó trên tạp chí The Royal Society vào năm 1814.

Thời đó, nhiều nhà khoa học vẫn tin vào thuyết sáng thế, phủ nhận quá trình tiến hóa hoặc tuyệt chủng. Do đó, khám phá của Anning khiến nhiều nhà khoa học sống cùng thời với cô vô cùng bối rối, bởi vì Chúng ta cần lưu ý rằng lý thuyết tiến hóa của Charles Darwin trong cuốn sách “Về nguồn gốc các loài” chỉ được xuất bản sau đó 48 năm nữa.

Mary Anning đã quyết định bán hóa thạch thằn lằn cá cho một nhà sưu tập giàu có với giá 23 bảng Anh, số tiền trên đủ để nuôi sống cả gia đình cô trong sáu tháng. Sau này, nhà sưu tập đó đã tặng mẫu vật cho một bảo tàng tư nhân. Sau đó, hóa thạch được trưng bày tại Bảo tàng Anh và cuối cùng là Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, nơi ngày nay hóa thạch chỉ còn lại một hộp sọ.

Trong khoảng thời gian từ năm 1815 đến năm 1819, Anning vẫn tiếp tục công việc tìm kiếm hóa thạch của mính. Bà đã tìm thấy thêm một số bộ xương thằn lằn cá hoàn chỉnh hơn. Chúng được đưa đến bảo tàng địa phương hoặc trở thành mẫu vật cho các bài giảng trong trường đại học. Tuy nhiên, khi những người giảng giải lý thuyết về giải phẫu thằn lằn cá hoặc nguồn gốc loài này không bao giờ nhắc tới tên Anning người đã tìm ra nó – điều này thực sự bất công.

Tranh vẽ bà Mary Anning và bộ xương hoàn chỉnh của thằn lằn đầu rắn do bà phát hiện. Ảnh: Katherine.
Tranh vẽ bà Mary Anning và bộ xương hoàn chỉnh của thằn lằn đầu rắn do bà phát hiện. Ảnh: Katherine.

Sau này, Anning còn khám phá ra nhiều hóa thạch quan trọng hơn, thậm chí còn tạo ra nhiều đề tài tranh luận hơn so với phát hiện loài thằn lằn cá đầu tiên: Năm 1823, cô phát hiện bộ xương hoàn chỉnh của thằn lằn đầu rắn (plesiosaurus), một loài bò sát biển bốn chi đã tuyệt chủng. Năm 1828, cô tìm thấy hóa thạch thằn lằn bay (pterosaur) đầu tiên,  loài bò sát có cánh sống trong thời đại của khủng long.

Trong suốt cuộc đời, Anning liên tiếp khám phá nhiều loài cá đã tuyệt chủng và nhiều sinh vật biển khác, mở đường cho ngành cổ sinh vật học hiện đại. Cô và nhà nghiên cứu người Anh William Buckland là những người tiên phong trong việc nghiên cứu phân hóa thạch (coprolite).

Harriet Silvester, một phụ nữ giàu có sống ở London (Anh) - một trong những người vinh danh Anning nhiều nhất khi Anning còn sống, đã viết : “Chúa ban phước lành cho cô gái không được học hành, nghèo khổ. Nhờ đọc sách và ứng dụng mà cô gái đã đạt được trình độ để có thể viết và nói chuyện với các giáo sư, những người đàn ông thông minh về chủ đề cổ sinh vật học. Và họ đều thừa nhận rằng cô hiểu nhiều về khoa học ở vương quốc này hơn bất kỳ ai”.

Kiến thức sâu rộng của Anning đến từ thói quen ham đọc sách. Cô thường mượn các tài liệu khoa học của thư viện và cẩn thận sao chép chúng bằng tay để tự mình giữ các bản sao. Cô cũng thường sao chép các bản vẽ gốc. Nhà động vật học Christopher McGowan từng viết trên một bài báo: “Tôi rất khó phân biệt bản gốc với bản sao của Anning”.

 Vì giới tính, vì không được học hành bài bản, giọng nhà quê đặc sệt, gia đình nghèo khó đã khiến Anning dễ bị giới học thuật phớt lờ. Vả lại, thời đó, người ta thường chỉ ghi lại thông tin của người giàu có đã hiến tặng hóa thạch cho bảo tàng. Người tìm ra hóa thạch nói chung không phải là người mà giới khoa học quan tâm.

Năm 1847, Anning qua đời vì bệnh ung thư vú, lúc đó cô 47 tuổi. Tạp chí của Hiệp hội Địa chất London đã đăng tin bản cáo phó của cô. Đây là lần đầu tiên họ vinh danh một người phụ nữ (57 năm sau, hiệp hội mới nhận thành viên nữ) và một người không phải là thành viên của hiệp hội. Nhưng từ đó cho đến nay, danh tiếng của Anning gần như đã bị lãng quên.

Vài năm trở lại đây, tên tuổi của nhà cổ sinh vật học Mary Anning đang dần trở lại.

Bảo tàng Lyme Regis, được xây dựng ở nơi từng là cửa hàng bán hóa thạch của bà, đã khánh thành thêm khu vực dành riêng cho bà năm 2017.  

Hai cuốn tiểu sử về Mary Anning đã được xuất bản, giới thiệu nhiều thông tin về cuộc đời bà. Cuốn tiểu thuyết lịch sử “Remarkable Creatures” (Những sinh vật đáng kinh ngạc) của Dutton Adult xuất bản năm 2010 cũng nhắc tới cuộc đời bà. Ngoài ra, còn có các cuốn sách thiếu nhi như “Dinosaur Laday: The Daring Discoveries of Mary Anning, the Firs Paleontologist” (tạm dịch: Quý bà khủng long: Những phát hiện kinh ngạc của Mary Anning, nhà cổ sinh vật học đầu tiên) xuất bản năm 2020, và cuốn “Stone Girl Bone Girl: The Story of Mary Anning of Lyme Regis" (Tạm dịch: Cô gái thích đá, cô gái thích xương: Chuyện về Mary Anning ở Lyme Regis”) năm 1999.

Một bộ phim về Anning do Kate Winslet và Saoirse Ronan đóng đã ra mắt năm 2020, giúp nhiều người biết hơn về tên tuổi của bà và các thành tựu.

Năm 2015, tại Bảo tàng và Phòng tranh Doncaster ở Anh, một nhà cổ sinh vật học đã phát hiện ra một hóa thạch thằn lằn cá trong bộ sưu tập của bảo tàng (do bị bảo tàng xếp nhầm là mẫu sao chép bằng thạch cao). Theo nghiên cứu năm 2015 đăng trên Tạp chí Cổ sinh vật học đốt sống, nhà cổ sinh vật học này nhận ra đó là một hóa thạch thật từ Bờ biển Kỷ Jura. Hơn thế nữa, nó còn là một mẫu mà khoa học chưa từng biết tới. Ông đã lấy tên Mary Anning để đặt tên cho mẫu hóa thạch: Ichthyosaurus anningae.

Thùy Linh (t/h)

Hai nhà khoa học nữ và hành trình chế tạo vắc xin ho gà trong bối cảnh thiếu thốn, chuột thí nghiệm cũng là một thứ xa xỉ

Hai nhà khoa học nữ và hành trình chế tạo vắc xin ho gà trong bối cảnh thiếu thốn, chuột thí nghiệm cũng là một thứ xa xỉ

Vaccine ho gà được phát triển bởi hai nhà khoa học nữ: Pearl Kendrick và Grace Eldering.