Khuất Minh Thu Giang (SN 1998, Hà Nội) được biết đến là một trong những người đầu tiên mang Hội nghị Mô phỏng Liên Hợp Quốc (LHQ) về cho các bạn trẻ Việt Nam vào năm 17 tuổi. Sau đó, Thu Giang tiếp tục thêm vào bộ sưu tập thành tích cá nhân nhiều "gạch đầu dòng" khác như giành 4-5 học bổng du học cùng lúc, từng thực tập tại EY - một trong BIG4 kiểm toán lớn nhất thế giới...
Thu Giang hiện đang là luật sư công tác tại một hãng luật hàng đầu thế giới. Với mong ước “chinh phục” phố Wall (một tuyến phố nằm trong khu tài chính của Manhattan thuộc Thành phố New York, Hoa Kỳ), cô nàng cũng từng có cơ hội sang trao đổi công tác tại Tập đoàn giao dịch chứng khoán Luân Đôn tại trụ sở New York và London.
Đầu xuân năm mới, hãy cùng ngồi xuống lắng nghe những tâm sự của Thu Giang về hành trình chinh phục nghề Luật sư tại Anh và những ước nguyện của cô nàng xinh xắn trong Tết Giáp thìn 2024 nhé.
Thi đỗ chứng chỉ hành nghề Luật tại Anh
Sau khi học xong cấp 3, Thu Giang chọn theo đuổi ngành Luật học tại trường tại Đại học Exeter (Anh Quốc). Theo bảng xếp hạng QS World University Rankings năm 2024, Đại học Exeter đứng thứ 153 trên toàn cầu và thứ 19 ở Anh Quốc.
Việc học Luật tại Anh quả thực rất… "khắc nghiệt", đặc biệt là chương trình học và thi chứng chỉ hành nghề Luật ở Anh. Thu Giang thừa nhận, đây là một thách thức đối với cả sinh viên bản địa lẫn quốc tế. Theo đó, sau khi hoàn thành chương trình học ở trường 3 năm, cao học 1 năm, sinh viên phải đi làm tập sự thêm 2 năm lấy kinh nghiệm để thi chứng chỉ hành nghề luật sư với 6 bài thi khác nhau.
Theo thống kê, tỷ lệ được nhận vào các hãng luật hàng đầu tại Anh mỗi năm tương đối thấp. Thông thường với một khóa 400 sinh viên ra trường, chỉ có khoảng 3 người được nhận vào các công ty top đầu. Trong khi đó, cơ hội làm việc ở ngành luật cho sinh viên quốc tế không nhiều. Những người nộp hồ sơ vào các hãng luật lớn hầu hết đều là ứng viên ưu tú. Vượt qua tất cả, Thu Giang đã làm được điều "không tưởng" ấy.
Thu Giang chia sẻ về "bí quyết" đỗ chứng chỉ hành nghề Luật sư: "Ngay từ năm nhất, ngoài tập trung vào điểm số trên trường, mình đã xây dựng hồ sơ bằng các kinh nghiệm nghề nghiệp và hoạt động ngoại khóa, từ đó trau dồi khả năng kết nối và thể hiện bản thân. Mình cho rằng một luật sư giỏi không chỉ cần có IQ cao mà còn cần cả EQ để hiểu các vấn đề hóc búa của khách hàng, từ đó mới tìm ra giải pháp phù hợp.
Tới năm thứ 2 đại học thì mình bắt đầu ứng tuyển vào vị trí thực tập sinh cho một hãng luật nổi tiếng và trúng tuyển. Thời điểm ấy, mình vừa đi học trên trường, vừa đi làm ở công ty luật. Mọi thứ rất căng não, nhưng bù lại mình được tiếp xúc và làm việc trong một số lĩnh vực, nhờ đó trau dồi thêm kinh nghiệm để xử lý các vấn đề cho khách hàng".
"Tiết lộ" mức lương Luật sư tại Anh lên đến gần 6 tỷ đồng
Vào tháng 9/2023, sau khi hoàn thành quá trình tập sự kéo dài 2 năm, Giang đã chính thức trở thành luật sư Thương mại quốc tế, thuộc Liên đoàn Luật sư Anh và Xứ Wales.
"Công ty nơi mình làm việc vốn là một công ty luật đa quốc gia của Anh, có trụ sở chính tại London. Ngoài ra, công ty cũng có văn phòng trải khắp 17 đất nước ở Châu Á, Châu Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ. Do đó, môi trường làm việc cũng rất chuyên nghiệp và cạnh tranh.
Rất nhiều ứng viên đến từ các trường top đầu của Mỹ, Anh, Trung Quốc, Singapore, chẳng hạn như Thanh Hoa hay Đại học Quốc gia Singapore muốn ứng tuyển vào công ty này… Do đó, nơi đây tập hợp những người rất ưu tú", Giang chia sẻ.
Thu Giang "tiết lộ" mức lương Luật sư tại Anh có thể lên đến gần 6 tỷ đồng |
Ngoài ra, Thu Giang cũng từng có cơ hội tham gia một số thương vụ trị giá hơn 1 tỷ đô. Đây chính là cơ hội đáng giá giúp Giang học hỏi và trau dồi kinh nghiệm từ những thị trường lớn.
Còn về mức lương khi theo nghề Luật sư tại nước ngoài, Thu Giang bật mí thu nhập cho các luật sư mới hành nghề ở các thị trường lớn như London hay New York tại các hãng luật hàng đầu đều khá hậu hĩnh so với mặt bằng chung, rơi vào khoảng từ 150.000 USD - 240.000 USD/ năm (khoảng hơn 3,6 tỷ đồng - gần 6 tỷ đồng). Mức lương của Thu Giang đang nằm ở mức giữa so với dải lương của nghề Luật sư.
"Đây cũng là một trong những lí do vì sao ngành luật nói chung, và các công ty luật tại các thị trường lớn có thể thu hút nhiều nhân tài như vậy. Khá ít có công việc nào, mà bạn không phải là chủ, ở độ tuổi 24-26 có thể có hỗ trợ tốt như vậy", cô nàng nói thêm.
"Làm gì thì làm nhưng Tết nhất cứ phải về Việt Nam"
Dù làm việc tại một quốc gia cách Việt Nam cả… nửa vòng trái đất nhưng Thu Giang thường xuyên về nhà thăm gia đình. Không chỉ trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch, mà cả Tết Nguyên đán 2024, cô nàng cũng tranh thủ book máy bay về từ hôm 28/1 (âm lịch) để ăn tết cùng bố mẹ.
"Bố mẹ mình là tuýp người coi trọng truyền thống, phong tục Tết cổ truyền. Nền nếp gia đình là đến Tết con cháu phải đông đủ, nên dù có ở xa đến đâu thì con cái cũng về nhà. Dù đã sống và học tập ở nước ngoài gần 8 năm nhưng Tết Giáp Thìn là năm thứ 5 liên tiếp mình đón Tết ở Hà Nội rồi", Giang tâm sự.
Thu Giang thường xuyên về nhà thăm gia đình |
Suy đi thì cũng phải tính lại, dù có muốn về quê hương đón Tết nhưng nhiều người vì tính chất công việc nên không thể bỏ dở mọi thứ, đặc biệt là khi nhiều nơi "ăn Tết" vào lịch dương, chứ không phải lịch âm như ở Việt Nam. May mắn thay, vì là một công ty đa quốc gia với đa văn hóa, nên công ty của Thu Giang rất hiểu và tạo điều kiện cho nhân viên về quê vào những những ngày lễ quan trọng.
"Gần 8 năm học tập và làm việc ở ngoài, mình luôn tự hào, gần như là điều đầu tiên giới thiệu về bản thân với bạn bè quốc tế, đối tác và đồng nghiệp rằng mình là người Việt Nam. Thời gian làm việc ở London và New York, mình rất vui khi được chia sẻ với tất cả về một Việt Nam của mình đẹp lắm, không chỉ có bề dày về văn hoá, lịch sử hay nền ẩm thực đã quá nổi tiếng, mà còn những con người chăm chỉ, thông minh, cần cù và cầu tiến".
Ngoài ra, theo quan sát của Giang, mỗi bạn trẻ Việt Nam ở nước ngoài đều mang một niềm tự hào dân tộc lớn theo mình, không chỉ đùm bọc giúp đỡ nhau, mà còn sự mong muốn là những đại diện của Việt Nam trên biển lớn quốc tế.
"Khi thế giới càng đi đến xu hướng toàn cầu hoá, thì mình nghĩ rằng giữ gìn bản sắc dân tộc lại càng quan trọng. Chúng ta cần cởi mở để học hỏi, hiểu hơn về các nền văn hoá khác, vì đây là nền tảng cho thương mại quốc tế, trao đổi kiến thức, và đàm phán giữa các đất nước khác nhau. Riêng đối với thế hệ trẻ, các nhân tài, tri thức ở nước ngoài, lòng yêu quê hương, đất nước Việt Nam như là kim chỉ nam trong tim để là động lực cố gắng nỗ lực học hỏi ở thị trường lớn. Đa số mong muốn sau khi lĩnh hội được kinh nghiệm, kiến thức ở nước ngoài, được cống hiến cho tổ quốc và quay trở về cội nguồn", Giang gửi gắm.
Ảnh: NVCC
Từ Mỹ đến quốc gia nổi tiếng nhất châu Á này để sống, người phụ nữ sinh 3 con vẫn muốn sinh thêm vì lý do bất ngờ
Bà mẹ không ngại khẳng định: "Sống ở đây cho phép tôi có một gia đình lớn hơn nữa".