hấp chuột mua hàng online (cả trang thương mại điện tử (TMĐT) và mạng xã hội cá nhân) dần trở thành thói quen của người trẻ hiện đại. Tuy nhiên, không ít kẻ kinh doanh núp bóng chợ điện tử để tiêu thụ hàng giả, hàng nhái khiến nhiều người tiêu dùng (NTD) “ôm” quả đắng.
Mác hàng hiệu, giá hàng chợ
Tại Shopee.vn, gõ vào ô tìm kiếm từ “túi Chanel”, người mua sẽ hoa mắt khi có đến hàng trăm sản phẩm gắn logo Chanel nhưng giá chỉ từ 80.000 đồng - 1 triệu đồng.
Hay như tại Sendo.vn, nước hoa Lancome có sản phẩm chỉ 290.000 đồng. Mẫu son môi từ hãng Mac có giá thị trường 400.000 - 800.000 đồng nhưng trên Lazada, một set 2 cây son Mac chỉ có giá 170.000 đồng; nước hoa nữ Chanel Chance Eau Tendre 100ml giá chỉ 260.000 đồng. Giày Adidas, quần áo Nike… trên nhiều sàn TMĐT cũng khiến nhiều người mua giật mình, bởi không ít sản phẩm tự quảng cáo “chính hãng” nhưng có mức giá chỉ hơn 100.000 đồng.
Phát sinh mới nhất trên lĩnh vực TMĐT là tình trạng đánh giá tốt, đánh giá 5 sao giả đối với các hàng hóa bán trên mạng đang rộ lên qua thủ thuật seeding (tung hô sản phẩm) tự thực hiện hoặc được cung cấp từ bên thứ ba nhằm câu kéo, chiêu dụ người mua.
Những đánh giá giả này khiến NTD dễ bị lừa. Theo đó, có tới 97% người mua hàng tham khảo các đánh giá trực tuyến, và các đánh giá trực tuyến tích cực có thể giúp nâng tỉ lệ bán hàng lên tới 380%.
Liên hệ một số trang TMĐT để hỏi về thủ tục đăng ký bán hàng, chúng tôi được hướng dẫn các bước khá đơn giản. Chỉ cần tải ứng dụng (app) về điện thoại, đăng hình ảnh sản phẩm, điền các thông tin theo mẫu như thẻ căn cước, số tài khoản ngân hàng…
Sau khi mở gian hàng, cá nhân có thể bán tất cả các ngành hàng. Với sản phẩm thời trang thì không cần giấy tờ gì thêm, riêng với thực phẩm thì cần có thêm giấy ủy quyền thương hiệu, công bố sản phẩm, hóa đơn VAT gần nhất.
Khi chúng tôi hỏi “bán mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa… do nhà làm, không có nhãn hiệu, công bố chất lượng thì bán được trên sàn TMĐT không?”, nhân viên tư vấn khẳng định “bán được, không cần có thương hiệu”.
Nhiều khách hàng ôm quả đắng
Nhớ lại việc mua hàng trên trang thương mại điện tử, anh P.P.K (ngụ Q.3, TP.HCM) vẫn chưa hết bực tức trong lòng. Anh đặt mua một điện thoại Oppo dung lượng 128G trên Lazada với nhà bán hàng là Viễn Thông 89 và được xác nhận đơn hàng thành công qua email.
Ngày 7/8, có người dùng số điện thoại 09034338xx gọi đến, tự xưng là nhân viên đóng hàng của Lazada, xác nhận đơn hàng. Một ngày sau, anh K. nhận được hàng.
Do Lazada không cho kiểm tra trước, nên anh trả đủ 3,39 triệu đồng để nhận nguyên kiện hàng. Nhưng sau khi mở gói hàng, sản phẩm bên trong bị cắt lớp bao bì, máy mở không lên nguồn, cục sạc không có logo Oppo...
Xác định đây là hàng nhái, không sử dụng được, anh lập tức điện thoại và gửi tin nhắn tới Lazada, cung cấp hình ảnh sản phẩm và yêu cầu đổi trả hàng. Nhân viên Lazada hẹn từ 5-7 ngày làm việc sẽ trả lời.
Sau đó, anh K. nhận được tin nhắn cùng email từ Lazada báo đơn hàng bị hủy, vì nhà bán hàng không đóng hàng hoặc hết hàng. Anh tiếp tục khiếu nại. Đến ngày 15/8, Lazada gửi email thông báo nhà bán hàng không giao hàng theo mã đơn hàng đã đặt.
Công ty này cho rằng vụ việc có dấu hiệu giả mạo bên ngoài hệ thống để lừa đảo người dùng. Sau nhiều lần Lazada mời anh K đến làm việc, đơn vị này đề nghị hỗ trợ chi phí để anh đến công an tố nhà bán hàng, nhưng anh K không đồng ý bởi theo anh: “Đó là việc của Lazada chứ không phải của tôi”.
Nhiều trường hợp khác thì phản ánh mua cục sạc trên Lazada về cũng không sử dụng được nhưng nhà bán hàng lại không chịu bồi thường trong khi đó trước khi khách mua thì các nhà bán hàng này quảng cáo cho đổi trả.
Mua mạng xã hội cũng “dính chưởng”
Ngoài trang TMĐT nhiều người cũng chọn mạng xã hội làm kênh mua sắm. Do người bán livestream (phát video trực tuyến) với sản phẩm cụ thể, rõ ràng, lại hỏi được trực tiếp người bán nên khách yên tâm mua.
Dẫu vậy, hình thức này cũng đang trở thành “bẫy mua sắm”. Bởi thực tế, sản phẩm bán qua mạng có đến 90% từ Trung Quốc tuồn về theo đường nhập lậu và tiểu ngạch.
Bằng chứng là cách đây không lâu, Bộ Công Thương phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và Công an TP.HCM đồng loạt tiến hành kiểm tra 5 địa điểm bán hàng và kho chứa hàng của website: menshop79.com và menshopfashion.com, thu giữ gần 2.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton, Hermers, Versace, Burberry… do Nguyễn Quang Vũ (SN 1990, quê Nghệ An) làm chủ và điều hành, kết hợp với một số người khác lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả.
Kiểm tra máy tính của Vũ, cơ quan chức năng phát hiện sơ bộ doanh thu bán hàng giả lên tới hơn 20 tỷ đồng.
Nhà bán hàng trên trang TMĐT giao riêng sản phẩm?
Nói về các trường hợp khách mua hàng nhận phải hàng dỏm và trường hợp của khách hàng P.P.K, đại diện Lazada cho biết, đã xuất hiện tình trạng nhà bán hàng giao riêng sản phẩm cho khách mà không thông qua hệ thống vận chuyển của Lazada.
Với trường hợp này, Lazada sẽ đóng cửa ngay gian hàng và phối hợp với người mua chuyển vụ việc tới cơ quan chức năng của nhà nước để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với nghi vấn hay được báo cáo rằng nhà bán hàng bán hàng giả, hàng cấm, Lazada sẽ tiến hành tạm khóa gian hàng để tiến hành điều tra, tổng hợp lịch sử mua bán, các bằng chứng cần thiết. Sau đó, sẽ đưa ra biện pháp phạt nhà bán hàng, trong đó có hình phạt đóng cửa gian hàng vĩnh viễn trên Lazada.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) cho biết, nếu sàn TMĐT đó trực tiếp bán hàng thì họ phải chịu trách nhiệm khi khách hàng khiếu nại chất lượng sản phẩm. Trường hợp họ cho thuê gian hàng, khi khách hàng yêu cầu, đơn vị đó phải có trách nhiệm liên lạc với nhà cung cấp hoặc thông báo cho người tiêu dùng được khiếu nại với bên bán hàng.
Sở Công thương TPHCM cho rằng, công tác tiền kiểm cấp phép do Bộ Công thương, cụ thể là Cục TMĐT và kinh tế số quản lý; hậu kiểm thuộc cơ quan quản lý thị trường, công tác thanh tra nếu có thuộc các sở công thương địa phương. Thanh tra sở Công thương chủ yếu kiểm tra hành chính chuyên ngành là chủ yếu.
Trong năm 2018, thanh tra Sở đã xử phạt khoảng 10 đơn vị với số tiền hơn 140 triệu đồng (trung bình 20 triệu đồng/đơn vị). Việc kinh doanh trên facebook cũng là vấn đề đâu đầu của thanh tra Sở, vì địa chỉ đăng ký không cụ thể, kiểm tra khó khăn. Nếu có người khiếu nại rõ ràng thì sẽ phối hợp kiểm tra. Tuy nhiên vấn đề này cũng không hề dễ dàng.
Do đó, khách hàng cần phải tỉnh táo khi mua hàng online. Với các trang TMĐT nên yêu cầu xem sản phẩm trước khi thanh toán tiền thì sẽ tránh được tình trạng mua trúng hàng dỏm, hàng kém chất lượng.
Cảnh giác lừa đảo mua Samsung Note 9 giá 4,5 triệu đồng trên mạng
Từ tháng 3, các trang bán hàng thi nhau chào giá chiếc điện thoại cao cấp Samsung Note 9 chỉ 4,5 triệu đồng. Thực hư như thế nào?