Hàng hiệu xuất xứ Trung Quốc
Tìm đến con hẻm theo lời kể của bạn bè, đập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng người chen chúc ra vào, xe máy dựng đầy dọc theo con hẻm. Không thể hình dung được tiệm kính này có gì mà thu hút khách đến vậy.
Bước đến gần tiệm kính, khác với tưởng tượng ban đầu của chúng tôi là tiệm kính sẽ rộng lớn, khang trang. Nhưng không, tiệm xập xệ, giống nhà ở hơn là tiệm kính với khoảng 5 - 6 người là đàn ông ở trần, mặc quần ngắn đang sửa kính, đo kính, thu tiền khách.
Tiệm kính trong hẻm nhưng khách tìm đến rất đông |
Vừa bước vào cửa hàng, chúng tôi “choáng” trước một rừng kính "hàng hiệu", cao cấp được trưng bày. Nhìn sơ, đã thấy cả chục loại kính với các hiệu nổi tiếng trên thế giới như Ray-Ban, Oakley, Prada, Versace, Burberry, Chanel, Revo, Gucci, McQueen, Dior… Trong đó nhiều nhất là Ray–Ban với hàng chục kiểu dáng, màu sắc đang “hot” trên thị trường.
Lấy cho chúng tôi xem cặp kính Ray–Ban có giá 600.000 đồng, cô nhân viên khẳng định: “Ở đây bán kính Trung Quốc thì nói Trung Quốc chứ không nói của Ý, Mỹ giống các cửa hàng khác. Ở TP.HCM muốn mua kính hiệu thật sự rất khó, phần lớn là hàng nhái. Nếu chúng tôi không nói hàng Trung Quốc mà nói hàng các nước khác chắc chắn người mua sẽ tin. Chúng tôi cũng không hét giá, lấy sao bán vậy, lời chút đỉnh. Lời chủ yếu lời từ lượng khách”.
Quả thật, trên tường cửa hàng dán đầy giấy A4, in các dòng chữ “Kính thời trang, xuất xứ Trung Quốc”. Theo quan sát, mặc dù hàng nhái nhưng nhìn rất bắt mắt và tinh xảo từ logo được khắc chìm, mã số, cỡ kính được in trên gọng kính… Giá dao động từ 200.000 – 600.000 đồng/cặp. Có lẽ, chính sự công khai về nguồn gốc xuất xứ thật từ chủ cửa hàng nên tạo niềm tin và thu hút người tiêu dùng.
Thợ kính ngồi bệt xuống đất làm hàng cho khách. |
Quan sát, rất nhiều người đến đây tìm mua kính hiệu của Trung Quốc này. Họ không lo sợ sản phẩm của Trung Quốc mà chỉ quan tâm kiểu dáng, màu sắc, bắt kịp xu hướng, khi đeo có hợp với gương mặt hay không.
Chỉ 5 phút… có ngay kính cận, viễn, loạn hàng hiệu
Ngoài bán kính, cửa hàng này còn có dịch vụ đo, cắt kính cận, viễn, loạn thu hút rất đông sinh viên, phụ huynh dẫn con đến mua.
Tại đây, khách muốn cắt kính thì phải lựa gọng kính trước. Cũng giống như kính mát thời trang, gọng kính cũng có đến hàng trăm loại, giá dao động từ 120.000 – 200.000đ/gọng.
Lựa xong, khách sẽ được báo giá. Lúc này sẽ có một nam thanh niên mặc quần sọt, áo ba lỗ đến kêu khách ngồi rồi tiến hành đo thị lực. Khi được hỏi có chứng chỉ hành nghề về mắt hay không, thanh niên này trả lời tỉnh rụi: “Máy này đo rất dễ, ai chẳng đo được”. Bằng chứng là ngoài thanh niên này, những người bán kính, thu tiền khác vẫn có thể đo được thị lực cho khách.
Sau quy trình đo thị lực, khách sẽ được báo giá tròng kính. Dù cận, viễn hay loạn đều có ba mức giá. Loại bình thường giá 60.000 đồng; loại chống trầy, chống xước, chống chói giá 120.000 đồng; loại xịn của Đức chống nước, chống UV, chống bám vân tay giá 200.000 đồng.
Khu vực cắt kính, mài kính cận, viễn, loạn cho khách rất nhếch nhác, đầy bụi, hóa chất… |
Chọn tròng kính xong thì kính sẽ chuyển đến chỗ hai nhân viên sửa kính đang ngồi trong góc nhà. Khu hai thanh niên này ngồi rất nhếch nhác, lộn xộn. Trên bàn bám đầy bụi, kéo, viết; hóa chất để lau kính, mài kính chất ngổn ngang. Bên dưới gầm bàn đầy giấy, bao nilon, những hộp đựng đầy bột trắng.
Một thanh niên lấy từng miếng kính vuông đã cắt sẵn đựng trong thùng giấy gần đó rồi đưa miếng kính lên máy xoáy tròng để tạo ra đúng độ cận, viễn, loạn cho người đeo. Vừa xoáy vừa thoa loại bột màu trắng với nước, từ đó chảy ra thứ bọt màu trắng đầy trong xô nhựa đang để dưới gầm bàn. Nam thanh niên còn lại thì mài kính cho khớp với gọng kính, gắn kính, lau chùi kính bằng thứ bột màu trắng để tròng kính đạt đến độ trong suốt.
Chỉ 2 – 3 phút chờ đợi, khách sẽ có cặp kính cận, viễn, loạn "hàng hiệu" như ý, không phải quay trở lại lấy kính như một số cửa hàng khác. Có lẽ đây là điểm thu hút khách đến đo kính của cửa hàng.
Theo tìm hiểu, cửa hàng này còn có chi nhánh khác nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Số lượng và mẫu mã kính tại cửa hàng này phong phú hơn và cũng đều là hàng Trung Quốc. Cửa hàng còn có bỏ sỉ cho người mua đi bán lại. Mối lấy không chỉ tại TP.HCM mà còn các tỉnh miền Tây. Thậm chí có nhiều cửa hàng kính còn đến đây săn hàng về bán lại với giá cao ngất ngưỡng.
Tại cửa hàng này, người nào cũng có thể đo, cắt kính, từ người bán kính đến người thu tiền, đều mặc quần đùi, áo ba lỗ. |
Đeo kính dỏm, gây hại gì?
ThS. BS Trần Hoài Long – Khoa khúc xạ, BV Mắt TP.HCM cho biết, kính mát thời trang bán trôi nổi thường được nhuộm màu nên chỉ có thể lọc khoảng 75% đến 85% ánh nắng mặt trời vào mắt, không lọc được tia cực tím (UV). Do không lọc được tia cực tím nên vẫn có nguy cơ viêm giác mạc, đục thủy tinh thể, tổn thương võng mạc…
Còn theo BS Lương Ngọc Tuấn - khoa khúc xạ, bệnh viện Mắt TP.HCM, đối với trẻ em do mắt trẻ điều tiết nhiều, để xác định được thị lực mắt chính xác cần phải tra thuốc vào cho đồng tử giãn ra.
Việc đeo kính không đúng độ, dù ở người lớn hay trẻ nhỏ đều gây nhiều tác hại. Nếu độ của kính nặng hơn so với độ thật, mắt phải điều tiết nhiều gây mỏi mắt, mờ mắt. Người lớn thì ảnh hưởng đến công việc, trẻ nhỏ thì ảnh hưởng đến quá trình học tập, kết quả học tập giảm sút.
Về lâu dài sẽ làm độ cận tăng lên, có thể gây nhược thị ở trẻ nhỏ... Hậu quả nhược thị rất nguy hiểm, nhẹ thì bị lé, nặng hơn thì giảm thị lực. Nguy hiểm là quá trình nhược thị lại diễn ra thầm lặng nên nhiều người rất chủ quan.
Cách phân biệt son MAC hàng chính hãng và hàng nhái
Nếu yêu thích làm đẹp chắc chắn bạn không thể bỏ qua những thỏi son môi của Mac. Thế nhưng các chị em đã biết cách phân biệt hàng thật hàng giả?