Năm 2023, Việt Nam để lại nhiều dấu ấn ngoại giao tại các diễn đàn đa phương

Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho biết những thành tựu ngoại giao trong năm qua đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Năm 2023, Việt Nam tiếp tục để lại nhiều dấu ấn ngoại giao ý nghĩa tại các diễn đàn đa phương, trong đó có Liên hợp quốc.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, cho biết những đóng góp, thành tựu ấy đã góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

2023 là một năm nhiều biến động, hàng loạt xung đột và thách thức cả mới lẫn cũ đan xen, tình hình an ninh quốc tế diễn biến đặc biệt phức tạp.

Cạnh tranh địa chính trị được đẩy lên mức cao mới trong nhiều thập niên, lòng tin giữa các quốc gia bị suy giảm vào đúng lúc thế giới cần sự thống nhất và đoàn kết quốc tế.

Tại Liên hợp quốc, xu hướng chính trị hóa các vấn đề cũng gia tăng, có sự cạnh tranh ráo riết giữa các nước lớn, bên cạnh đó là hàng loạt thách thức khác như khủng hoảng nhân đạo, biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực và năng lượng, quyền con người và thiếu hụt nguồn lực dành cho phát triển...

Tất cả đặt ra trách nhiệm cũng như kỳ vọng lớn đối với Liên hợp quốc trong giữ vai trò duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, thực hiện hợp tác quốc tế, đóng vai trò trung tâm điều phối các nỗ lực quốc tế và các mục tiêu chung.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục chứng tỏ là một thành viên có trách nhiệm, tham gia hiệu quả vào công việc chung của Liên hợp quốc, với những đóng góp có ý nghĩa hơn khi chúng ta nêu cao tư tưởng, lập trường ủng hộ hòa bình, phát triển, tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương, và quan trọng nhất là đề cao việc tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc trên tất cả các trụ cột từ hòa bình, an ninh, phát triển cho tới bảo vệ quyền con người.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu tại một phiên thảo luận tại Trụ sở Liên hợp quốc. (Ảnh: TTXVN phát)
Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu tại một phiên thảo luận tại Trụ sở Liên hợp quốc. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo Đại sứ Đặng Hoàng Giang, điểm sáng của ngoại giao Việt Nam năm 2023 là đảm nhiệm thành công cương vị Phó Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc Khóa 77 (9/2022-9/2023), tham gia vào quá trình đề xuất, hoạch định những quyết định quan trọng của thế giới, đặc biệt trong bối cảnh năm 2023 Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã phải xử lý một khối lượng công việc rất lớn với chương trình làm việc có thể nói là bận rộn nhất trong nhiều năm qua.

Đáng chú ý, Việt Nam đã chủ trì một số phiên Đại Hội đồng thảo luận và thông qua nghị quyết yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đưa ra ý kiến tư vấn đối với vấn đề biến đổi khí hậu, Hiệp định về Biển cả, các nghị quyết tổ chức Phiên họp cấp cao về sẵn sàng phòng chống và ứng phó với dịch bệnh; phối hợp cùng các nước đề xuất những sáng kiến, giải pháp trên nhiều vấn đề lớn; tham gia điều phối và trực tiếp thương lượng xây dựng các văn kiện.

Nổi bật là Việt Nam đã đóng góp các ý tưởng, sáng kiến đối với nhiều tiến trình đang diễn ra tại Liên hợp quốc nhằm định hướng cho tương lai.

Việt Nam tiếp tục đóng vai trò thành viên tích cực của ASEAN, G-77, dẫn dắt Nhóm bạn bè Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Tất cả các mối quan hệ đối tác này đã tạo thành vị thế đối ngoại vững chắc cho Việt Nam tại diễn đàn Liên hợp quốc.

Năm 2023, Việt Nam tiếp tục có nhiều đóng góp ý nghĩa trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Ủy ban Luật pháp Quốc tế (2023-2027), Hội đồng Chấp hành UNESCO (2021-2025), Ủy ban Liên Chính phủ Công ước Di sản Phi Vật thể (2022-2026)…

Trong quá trình đảm nhiệm, triển khai các trọng trách đó, Việt Nam đã đóng góp hiệu quả vào công việc chung của Liên hợp quốc trên cả ba trụ cột: hòa bình an ninh, phát triển và quyền con người.

Về hòa bình-an ninh, Việt Nam luôn tích cực thúc đẩy nỗ lực chung nhằm nâng cao vai trò của Liên hợp quốc, xây dựng hệ thống quản trị toàn cầu trên cơ sở thượng tôn pháp luật, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các chuẩn mực quốc tế được thừa nhận rộng rãi.

Trong bối cảnh cạnh tranh, đối đầu chiến lược gia tăng, hợp tác đa phương gặp nhiều thách thức, Việt Nam đã không ngừng kêu gọi củng cố lòng tin, tăng cường đoàn kết, trách nhiệm quốc tế, thúc đẩy đối thoại, hiểu biết lẫn nhau để giải quyết hòa bình mọi tranh chấp, vì mục tiêu chung là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.

Việt Nam cũng chủ động đóng góp và mở rộng quy mô tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, góp phần ngăn ngừa xung đột, xây dựng hòa bình tại các điểm nóng ở châu Phi.

Về phát triển, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh Việt Nam tiếp tục thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững.

Quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là luôn lấy con người làm trung tâm, là động lực của mọi quyết sách. Đây cũng chính là nguyên tắc định hướng mà Liên hợp quốc luôn phấn đấu theo đuổi.

Việt Nam đã và đang tham gia nhiều nhóm nòng cốt, tham gia đề xuất, điều phối, thương lượng nhiều sáng kiến, văn kiện hợp tác về giáo dục, y tế, bảo vệ nguồn nước, chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu…

Việt Nam tiếp tục tích cực triển khai thoả thuận Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), nỗ lực đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Việt Nam tiếp tục hợp tác tích cực với các cơ chế Liên hợp quốc về quyền con người, bảo vệ Báo cáo quốc gia theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) và các báo cáo thực thi công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên…

Việt Nam cũng tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, với Liên hợp quốc đóng vai trò trung tâm, tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đối thoại thay cho đối đầu, giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Đây có thể nói là vấn đề xuyên suốt được nhiều nước, nhất là các nước đang phát triển đề cao trong bối cảnh hiện nay.

Đại diện Liên hợp quốc và nhiều nước đánh giá cao những đóng góp thực chất và chủ động của Việt Nam. Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis nêu rõ Việt Nam đang khẳng định vị trí, vai trò trong khu vực và trên toàn cầu, trong đó có việc đảm nhận vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, một trong những nước đóng góp hàng đầu cho các hoạt động giữ gìn hòa bình.

Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam Rana Flowers khẳng định Việt Nam là một thành viên chủ động, tích cực và đầy trách nhiệm trong các tiến trình đa phương.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang dự báo tình hình quốc tế năm 2024 vẫn hết sức phức tạp với nhiều nhân tố bất ổn, khối lượng công việc và mức độ cọ xát, phức tạp trong các hoạt động đa phương Liên hợp quốc vì thế sẽ ngày càng gia tăng.

Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả.

Việt Nam sẽ tích cực chuẩn bị, tham gia đóng góp vào các tiến trình lớn, quan trọng của Liên hợp quốc, trong đó có Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai (Summit of the Future), Phiên Thảo luận Cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 79, Hội nghị Cấp cao Không Liên kết (tháng 1/2024), Hội nghị Thượng đỉnh Phương Nam (tháng 1/2024)…; nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế; tiếp tục phát huy vai trò thành viên các cơ chế quan trọng của Liên hợp quốc...

Những thành quả, dấu ấn đã đạt được là cơ sở để chúng ta tự hào và tin tưởng rằng Việt Nam ngày nay không chỉ thực sự nghiêm túc, sẵn sàng là đối tác tin cậy, xây dựng, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, mà còn đủ năng lực chuyên môn, nguồn lực... để gánh vác các trọng trách, xứng tầm với vị thế mới của đất nước. Qua đó, Việt Nam ngày càng củng cố vai trò, vị thế và hình ảnh về một đất nước yêu chuộng hòa bình, thành viên có trách nhiệm, tham gia tích cực, chủ động và hiệu quả hơn vào công việc chung của Liên hợp quốc trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Chồng đột nhiên rủ tôi về sống chung với bố mẹ, lý do khiến tôi khó lòng từ chối

Chồng đột nhiên rủ tôi về sống chung với bố mẹ, lý do khiến tôi khó lòng từ chối

Giờ mà tôi đồng ý về ở chung thì sau này sẽ rất khó có thể ra ở riêng lại.