Áp dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ các thiết bị điện tử tự động dân dụng đến các dây chuyền sản xuất phức tạp, hay các thiết bị, robot thông minh, Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa được xem là ngành mũi nhọn trong sự phát triển kinh tế tương lai.
Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa tập trung nghiên cứu, thiết kế, điều khiển các hệ thống và dây chuyền sản xuất một cách tự động dựa trên ứng dụng cảm biến và dữ liệu mà cảm biến cung cấp. Sự xuất hiện của Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa có ý nghĩa trong việc tăng năng suất lao động cũng như thời gian và chi phí.
Với vai trò quan trọng đó, cũng như nhu cầu nhân lực cao và mức lương tốt, đây là ngành học được nhiều bạn trẻ quan tâm.
Ảnh minh họa |
Sinh viên theo học ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa sẽ được trang bị Khối kiến thức nền tảng bao gồm khối kiến thức về điện tử, kiến thức về cơ khí, kiến thức về công nghệ thông tin và máy tính; Khối kiến thức về thiết bị tự động;
Khối kiến thức về kỹ năng lập trình điều khiển hệ thống trên máy tính PC, trên hệ thống nhúng, trên các thiết bị điều khiển chuyên ngành như PLC, Logo… Khối kiến thức về điều khiển và tự động hóa; Khối kiến thức về tự động hoá quá trình sản xuất; Khối kiến thức về điều khiển Robot…
Để theo đuổi và thành công với ngành, người học cần những tố chất như siêng năng, kiên nhẫn, chịu khó tìm tòi. Ngoài ra, bạn cần có tư duy logic, đam mê kỹ thuật, nhất là lĩnh vực tự động hóa và thích nghiên cứu, sáng tạo, chủ động trong công việc.
"Hãy hình dung một ngày nào đó em có thể tham gia vận hành một dây chuyền sản xuất tự động, hoặc cơ bản hơn như tham gia điều khiển một cánh tay máy robot gia công sản phẩm theo ý muốn, và xây dựng chế tạo nên các thiết bị hoạt động tự động mà em hay thấy trên tivi. Nếu em thích làm những việc trên thì em chọn đúng ngành để theo đuổi rồi đó!", trưởng khoa của một trường ĐH chia sẻ.
Lương khởi điểm cao, tương lai càng triển vọng
Sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa thường xuyên được nhà tuyển dụng tiếp cận ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Với sức hút trong thị trường lao động hiện nay, tỉ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp của nhiều trường ĐH có việc làm đúng với ngành đào tạo đạt khoảng 80% đến 100%. Trưởng bộ môn Kỹ thuật Điều khiển - Tự động hóa của một trường ĐH cho biết, mức lương khởi điểm của ngành này tương đối cao, dao động từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng/tháng.
Cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa vô cùng rộng mở với nhiều vị trí then chốt như:
Kỹ sư vận hành và bảo trì; Kỹ sư vận hành bảo dưỡng sửa chữa các thiết bị và hệ thống tự động của các nhà máy, xí nghiệp; Chuyên gia hệ thống; Chỉ huy các dự án; Lập trình ứng dụng; Chuyên gia tư vấn cung cấp các nhà tư vấn, giải pháp trong lĩnh vực tự động, tham gia các chương trình đào tạo nhân viên chương trình; Giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.
Hiện nhiều trường đại học tại Việt Nam chú trọng vào đào tạo và nâng cao chất lượng ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, phải kể đến như: ĐH Bách Khoa TP.HCM - Đà Nẵng - Hà Nội, ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM; ĐH Mở Hà Nội; ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH); Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp; ĐH Nông Lâm TP.HCM; Học viện Nông nghiệp Việt Nam; ĐH Tôn Đức Thắng; ĐH Duy Tân; ĐH Cần Thơ, ĐH Vinh...
Ngoài ra, học sinh có thể tham khảo và đăng ký xét tuyển vào một số trường Cao đẳng trên toàn quốc.
Ra mắt Chi hội Nữ trí thức trường Đại học Phenikaa: Phát huy tài năng, trí tuệ của nữ trí thức
Chiều 30/9, Lễ trao Quyết định thành lập Chi hội Nữ trí thức trường Đại học Phenikaa được tổ chức tại Hà Nội.