'Nghề săn vé hộ' rộ lên khi kịch 'Ngày xửa ngày xưa 34' mở bán vé đợt 2

Theo thông tin từ ban tổ chức, ngày 23/5 tới đây, vở kịch "Ngày xửa ngày xưa 34" được mở bán vé đợt 2. Vừa thông báo ngày mở bán vé đã nghe dân tình xôn xao giao dịch "săn vé hộ" đầy rủi ro.

Nhu cầu "săn vé hộ" nở rộ

Mới đây, tối 4/5, chỉ trong vòng một tiếng rưỡi mở bán trên hệ thống Ticketbox, khoảng 14.000 vé cho 23 suất diễn vở Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai (tác giả: Quang Thảo, đạo diễn: Đình Toàn) đã được bán hết sạch. Vì Ngày xửa ngày xưa lần này có sự trở lại của nghệ sĩ Thanh Thủy sau hơn chục năm chị rời Idecaf.

Tuy nhiên, không lâu sau đó rất nhiều khán giả lên các diễn đàn phàn nàn quá khó để săn vé Ngày xửa ngày xưa, đặc biệt có tình trạng phe vé. Giá vé chợ đen bị đẩy lên cao chót vót. Có nơi rao đến vài triệu một vé mà nhiều người vì quá mê Ngày xửa ngày xưa nên vẫn cắn răng mua.

Độ nhiệt và tình trạng khát vé xem kịch "Ngày xửa ngày xưa 34" đợt mở bán vé đầu tháng 5 vừa qua rất lớn, thế nên những ai đã tham gia "cuộc chiến săn vé" hay chỉ mới nghe thảo luận về sự khốc liệt của cuộc cạnh tranh này đều bồn chồn không biết liệu mình có mua được vé xem hay không.

Khao khát xem kịch Ngày xửa ngày xưa 34 của mọi người lớn đến mức, mặc dù không phải là một đêm diễn duy nhất, tình trạng cháy vé lớn đến nỗi nhu cầu camp vé xuất hiện và diễn ra hết sức sôi nổi. 

Chỉ sau một đêm nhận được thông tin Ticket Box chuẩn bị mở bán 21 suất diễn tiếp theo từ ngày 30/6 đến 30/7, đồng loạt trên mạng xã hội liên tục xuất hiện các bài đăng tìm người camp vé cũng như thông báo có nhận săn vé hộ.

'Nghề săn vé hộ' rộ lên khi kịch "Ngày xửa ngày xưa 34" mở bán vé đợt 2 - Ảnh 1.

Nghinh qua độ khốc liệt của đợt mở bán vé đầu tiên, những ai bỏ cuộc trước "cuộc chiến" mua vé trên trang web chính thức đợt 2 này sẽ ưu tiên chọn thuê người mua vé hộ thay vì tìm mua lại các vé được nhượng trên chợ đen.

Thứ nhất, các vé trên chợ đen đều được bán với giá khá cao, gấp đôi hoặc gấp nhiều lần giá vé gốc, còn phí camp vé sẽ rơi khoảng 20%, 30% giá vé. Thứ hai, tìm mua vé trên chợ đen sẽ không được chủ động chọn vị trí chỗ ngồi, đối với trường hợp nhờ người săn vé hộ, bạn sẽ trao đổi trước với họ bạn muốn săn vé với vị trí chỗ ngồi nào, suất nào... 

Thứ ba, sau đợt 1 rất nhiều người đã bị lừa tiền khi mua vé tại chợ đen khi chuyển khoản nhưng không nhận được vé hoặc QR code vé đó đang được bán cho rất nhiều người, vé làm giả... còn đối với hình thức camp vé, bạn không phải chuyển khoản trước 100% tiền vé vì chưa chắc người camp mua được vé cho bạn.

'Nghề săn vé hộ' rộ lên khi kịch "Ngày xửa ngày xưa 34" mở bán vé đợt 2 - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Mỹ Duyên (vai công chúa Ruby) và các nghệ sĩ Đình Toàn, Don Nguyễn, Tuấn Khải, Hoàng Giang, Đông Hải trong vai hoàng tử chương trình Ngày xửa ngày xưa 34 - Ảnh: Sân khấu Idecaf

Ai sẽ trở thành người camp vé hộ để kiếm thêm khoản kha khá mùa kịch Ngày xửa ngày xưa năm nay? Những người có kinh nghiệm thành thạo mua vé Ngày xửa ngày xưa trên hệ thống và biết các mẹo để thực hiện thao tác mua vé nhanh. 

Họ có thời gian rảnh và đội nhóm cùng "phối hợp" săn vé chung vào lúc hệ thống chính thức mở cổng bán vé. Hoặc những ai có nhu cầu đi xem kịch Ngày xửa ngày xưa và quen thuộc với chuyện mua vé, cũng sẽ sẵn tiện nhận mua vé giúp và lấy "phí cảm ơn".

Cẩn thận với chiêu trò lừa đảo

Với hình thức săn vé hộ, tỉ lệ bị lừa đảo và mức độ thiệt hại khi bị lừa đảo sẽ thấp hơn là mua vé nhượng lại ở chợ đen. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người đã bị cuỗm một số tiền không nhỏ.

Có rất ít người nhận săn vé xem "Ngày xửa ngày xưa 34" hộ theo dạng "mua thành công vé rồi mới giao dịch và nhận tiền" mặc dù họ đăng tải dòng trạng thái tiện nhận camp miễn phí/nhận camp không đặt cọc. 

Hiện nay những người camp vé thường yêu cầu chuyển trước cọc. Khoản cọc này để làm tin với lý do mỗi tài khoản chỉ mua được 4 vé thường, nếu bạn đổi ý thì họ sẽ bị mất suất nhận camp vé cho người khác. 

Thêm nữa phòng trường hợp bạn nhờ mua vé giúp nhưng không thực hiện giao dịch lấy vé và trả công, họ sẽ ôm số vé đó. Nếu người camp không mua được vé, tất nhiên số tiền cọc này sẽ được hoàn trả cho người thuê.

Vì xuất hiện số tiền cọc, rất nhiều người đam mê xem kịch đã bị lừa. Họ chuyển cọc trước để làm tin giữa hai người, nhưng đến ngày mở bán vé người camp đã biến mất không dấu vết. Đáng lo ngại, nhiều người còn cọc một số tiền lớn cho số lượng lớn vé muốn mua.

'Nghề săn vé hộ' rộ lên khi kịch "Ngày xửa ngày xưa 34" mở bán vé đợt 2 - Ảnh 3.

Một trường hợp bị lừa tiền cọc khi nhờ săn vé "Ngày xửa ngày xưa" hộ

Hiện nay vé xem kịch "Ngày xửa ngày xưa 34" đang rất hot, những người camp vé hoàn toàn có thể nhượng lại nếu bị "bom hàng", nên không có lý do gì để đòi hỏi một số tiền cọc cao. Vì vậy để tránh khả năng mất tiền, nhiều người khuyên không nên chuyển quá nhiều tiền cọc hoặc cọc 100% giá vé. 

Ngoài ra, nên cẩn trọng tìm người uy tín trên các hội nhóm yêu thích kịch Ngày xửa ngày xưa, và khuyến khích giao dịch nhận vé trực tiếp.

Tại sao Ngày xửa ngày xưa được yêu mến?

Kịch thiếu nhi đã được hình thành ở sân khấu Idecaf năm 1997 từ ông bầu Huỳnh Anh Tuấn và những người tâm huyết với kịch thiếu nhi như nghệ sĩ Thành Lộc, đạo diễn Đoàn Khoa, tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc…

Năm 2000 thấy nhà hát Hòa Bình có chương trình ca múa nhạc Tuổi thần tiên dành cho thiếu nhi, những nghệ sĩ này lại cùng hợp sức làm một chương trình kịch thiếu nhi thật hoành tráng diễn tại nhà hát Bến Thành với mong muốn: "Để con nít coi cho sướng!", tháng 6/2000 chương trình Ngày xửa ngày xưa số đầu tiên ra đời với vở Tấm Cám.

23 năm qua, đến nay chương trình đã đi đến số 34 sắp ra mắt khán giả hè này.

(Nguồn: Tổng hợp)

THANH TRÚC