Theo thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quyết định đưa nghệ thuật trình diễn dân gian “Nghệ thuật lân, sư, rồng của người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trước đó, vào tháng 8/2024, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị Bộ VHTTDL xem xét đưa di sản văn hóa phi vật thể "Nghệ thuật Lân Sư Rồng TP Hồ Chí Minh" vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Múa lân sư rồng trong ngày Tết nguyên tiêu ở Q5 |
Nghệ thuật Lân Sư Rồng là một hình thức nghệ thuật trình diễn đặc trưng của người Hoa tại TP Hồ Chí Minh. Nghệ thuật lân, sư, rồng còn giúp tạo công ăn việc làm cho người dân, góp phần tạo nên của cải vật chất, ổn định và phát triển kinh tế thành phố. Nghệ thuật lân, sư, rồng còn giúp cân bằng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh, giải quyết nhu cầu giải trí và hoạt động cộng đồng mà con người trong xã hội hiện đại không thể thiếu.
Lân Sư Rồng, khu Sài Gòn - Chợ Lớn được xem như cái nôi nuôi dưỡng và phát triển nhiều đoàn lân nổi tiếng hàng thập niên qua, thừa hưởng nhiều nét tinh túy của các thế hệ võ sư đỉnh cao gắn bó mật thiết với biểu diễn.
Nghệ thuật biểu diễn Lân Sư Rồng ở vùng Chợ Lớn có từ hàng trăm năm nay. Đây không chỉ là môn nghệ thuật, võ thuật, mà còn đem đến điềm lành, may mắn, bình an cho mọi người. Người Á đông quan niệm, dùng lân múa có thể xua đuổi tà ma, còn ông Địa sẽ mang điềm lành đến cho nhân gian, hình ảnh con rồng là cội nguồn của dân tộc, mang lại mưa thuận gió hòa, đời sống cơm no, áo ấm cho nhân dân.
Vào dịp Tết nguyên đán kéo dài đến hết tháng Giêng, các đoàn Lân Sư Rồng tại TP Hồ Chí Minh luôn tất bật, nhộn nhịp chuẩn bị phục vụ cho mùa khai trương, mừng năm mới. Bên cạnh đó, múa Lân Sư Rồng còn xuất hiện trong trong những dịp lễ hội, khai trương, Tết Nguyên tiêu, tết Trung Thu...
Hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh có tới hàng chục đoàn múa Lân Sư Rồng được thành lập. Ngoài phục vụ lễ, Tết thì các đoàn thường xuyên tổ chức thi đấu, biểu diễn để so tài với nhau.
Việc Nghệ thuật lân, sư, rồng của người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có tác động tích cực trong việc phát huy di sản văn hóa, hình thành các sản phẩm du lịch văn hóa- lịch sử mang tính đặc trưng trên địa bàn thành phố, qua đó góp phần thực hiện Đề án “Chiến lược phát triển ngành văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2035”.
Tính đến thời điểm hiện tại, TP Hồ Chí Minh đã có 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội Nghinh Ông - Cần Giờ, Lễ hội Nguyên tiêu của người Hoa ở Quận 5, Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt và Nghệ thuật Lân Sư Rồng TP Hồ Chí Minh.
10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2024
Kết quả 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2024 đã được đưa ra theo số bình chọn từ cao xuống thấp.