Nghiên cứu chuyển sân bay quân sự Biên Hòa thành sân bay lưỡng dụng

Sân bay quân sự Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) sẽ được nâng cấp, mở rộng để trở thành sân bay quốc nội phục vụ khai thác lưỡng dụng trong thời kỳ 2021 - 2030, công suất khoảng 5 triệu hành khách/năm.

Ngày 18/9, thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đã ký văn bản về xây dựng Đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) khai thác Cảng hàng không Biên Hòa.

Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai giao Giám đốc các Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND TP Biên Hòa, UBND huyện Vĩnh Cửu cùng các đơn vị liên quan làm việc với Quân chủng Phòng không - Không quân, Sư đoàn 370, Trung đoàn 935 để thực hiện các công việc, như: Xác định ranh giới, diện tích khu đất dự kiến bàn giao cho địa phương để nghiên cứu nâng cấp sân bay Biên Hòa thành sân bay lưỡng dụng (phục vụ dân dụng và quân sự); hiện trạng các công trình quốc phòng, tài sản trên khu đất dự kiến bàn giao cho địa phương.

Nghiên cứu chuyển sân bay quân sự Biên Hòa thành sân bay lưỡng dụng - Ảnh 1.

Sân bay Biên Hòa. Ảnh: Báo Đồng Nai

UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các các đơn vị được giao phải hoàn thành công việc và báo kết quả thực hiện trước ngày 23/9.

Sau khi có kết quả, các sở, ban ngành, địa phương cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức PPP khai thác sân bay Biên Hòa trình UBND tỉnh báo cáo gửi Bộ GTVT xem xét, theo TPO.

Trước đó, tháng 4/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 2635/VPCP – CN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Tổ công tác triển khai sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) và sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) để có cơ sở xem xét việc chuyển các sân bay quân sự này thành các sân bay lưỡng dụng.

Đến tháng 7/2022, Bộ Giao thông vận tải có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại sân bay quân sự Thành Sơn (Ninh Thuận) và sân bay quân sự Biên Hòa (Đồng Nai), đồng thời, nghiên cứu đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác sân bay Chu Lai (Quảng Nam). Theo kế hoạch, tổ công tác sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc chuyển các sân bay quân sự thành các sân bay lưỡng dụng.

Tháng 2/2023, Cục Hàng không Việt Nam đã có báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải kết quả rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đề xuất chuyển hai sân bay quân sự Biên Hòa và Thành Sơn sang khai thác lưỡng dụng theo mô hình cảng hàng không, căn cứ kết quả nghiên cứu bổ sung của tư vấn.

Tháng 6 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Sân bay Biên Hòa được quy hoạch là sân bay quốc nội phục vụ khai thác lưỡng dụng trong thời kỳ 2021 - 2030.

Sân bay Biên Hòa nằm ở vị trí đắc địa, có tầm quan sát tốt, lại ở cửa ngõ phía đông bắc TP.HCM, có hướng cất hạ cánh gần song song và cùng chiều với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, có đường băng cách nhau không xa nên thuận lợi trong việc cả hai sân bay cùng hoạt động. Sân bay Biên Hòa cũng đã có sẵn hai đường băng dài 3,6 km cùng hệ thống đường lăn, sân đỗ máy bay, kho tàng, hệ thống đài chỉ huy bay,…

Các chuyên gia cho rằng để khai thác lưỡng dụng, sân bay Biên Hòa chỉ cần xây thêm nhà ga hàng không nội địa phục vụ hành khách và hàng hóa cũng như làm mới diện tích sân đỗ cho máy bay, làm mới hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu đường băng, hệ thống phụ trợ dẫn đường… nhằm tạo khả năng phục vụ các loại máy bay thương mại cỡ lớn cất, hạ cánh, theo VnEconomy.

Khi sân bay Biên Hòa được đưa vào khai thác dân sự, Đồng Nai sẽ là địa phương đầu tiên cả nước sở hữu cùng lúc hai sân bay phục vụ dân sự - thương mại là sân bay quốc tế Long Thành và sân bay lưỡng dụng Biên Hòa vốn chỉ cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất 30 km.

(Tổng hợp)

AN LY