Ngừng uống trà ngoài quán, từ bỏ thú vui sắm đồ thú cưng, tôi tiết kiệm được món tiền mà suốt 30 năm chưa từng làm được

Tôi hiểu rằng không phải mình không thể, mà chỉ là chưa đủ quyết tâm để cuộc sống thoải mái hơn thôi.

Tôi năm nay 31 tuổi, sống một mình ở Hà Nội với 1 bé cún. Lương ở mức trung bình và đang ở nhà thuê.

Từ 5 năm trước tôi đã liên tục nhận được những câu hỏi kiểu như “Bao giờ lấy chồng?”, “Lương tháng bao nhiêu?”, “Tiết kiệm được bao tiền rồi?”, “Mua xe mua nhà chưa?”... Dường như sở thích chung của mọi người là quan tâm đến đời sống riêng tư của người khác, và càng thêm tuổi thì lại càng nhiều vấn đề bị tò mò.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 Giống như mọi cô gái độc thân ngoài 30 khác, tôi không thích phải trả lời mấy câu hỏi nhạy cảm ở trên. Tuy nhiên có một vài câu khiến tôi suy nghĩ khá nhiều. Chẳng hạn như “31 tuổi mình tiết kiệm được bao nhiêu tiền rồi?”.

Sự thật là đi làm 10 năm rồi nhưng tôi không hề có khoản dự phòng nào. Cứ lãnh lương xong là có bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu. Trước hôm nhận lương 1 ngày thì số dư của tôi luôn còn đúng 50 nghìn, đủ để duy trì tài khoản. Mỗi lần gửi đồ ăn từ quê lên là mẹ tôi cứ phàn nàn suốt.

“Bằng tuổi mày ngày xưa mẹ đã 1 chồng 1 con và xây xong cái nhà cũ đầu tiên rồi đấy!”.

Ngày trước tôi toàn cười khi nghe mẹ nói câu này. Nhưng dần dần khi mỗi năm trôi qua, tôi bắt đầu thấy ám ảnh với nó.

Tôi tự làm một phép so sánh rất khập khiễng khiến bản thân giật mình. Mẹ tôi thuộc thế hệ 196x, trải qua vô số giai đoạn khó khăn, không có việc làm ổn định. Tôi 9x đời đầu, tuổi thơ thiếu thốn nhưng trưởng thành lại đầy đủ vật chất, làm nhân viên văn phòng không đến nỗi bấp bênh. Ấy thế mà mẹ tôi vừa nuôi con, vừa xây nhà trổ cửa, vừa để dành được cả chục cây vàng trong két, chưa tính sổ tiết kiệm rải rác mẹ gửi nhiều ngân hàng nữa.

Mẹ tôi không hề giấu giếm số tài sản mà bà có sau hơn 30 năm, ngược lại mẹ còn thường xuyên khoe với tôi rằng “Tháng này mẹ mới tậu thêm mấy chỉ nè”. Thi thoảng tôi tự ái, dỗi mẹ vì “biết con nghèo mà còn cố tình khoe”. Nhưng rồi tôi lại trêu mẹ rằng cảm ơn vì bà đã tiết kiệm nhiều như thế, đến lúc lấy chồng kiểu gì con gái cũng được hưởng kha khá của hồi môn. Mẹ chỉ cười và bảo “Mẹ chỉ đẻ rồi nuôi mày lớn thôi, từ giờ về sau phải tự lo cho mình chứ”.

Tôi cứ sống kiểu tiêu pha vô tội vạ như thế cho đến khi bản thân đột ngột nằm viện cách đây 1 năm. Chẳng mấy khi phải tốn tiền thuốc men đau ốm nên tôi chủ quan với sức khỏe thật. Chỉ vì đợt ấy thức khuya nhiều chạy deadline, làm việc quá sức nên tôi bị xuất huyết dạ dày, nửa đêm phải gọi bạn trai sang chở đi viện.

Nằm viện mất cả tuần, đến khi điều trị xong xuôi cầm hóa đơn viện phí tôi chết lặng. Tôi ném thẻ bảo hiểm của mình vào xó xỉnh nào chẳng nhớ nên không được hỗ trợ viện phí. Con số không đến mức quá lớn nhưng khi ấy đã là cuối tháng rồi, phải chục hôm sau mới có lương và thẻ của tôi chỉ còn vỏn vẹn 2 triệu. Đó là hậu quả của việc tôi điên cuồng mua sắm trong đợt giảm giá, tụ tập bạn bè ăn uống “mừng trời rét” và đóng tiền nhà thuê.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 Bạn trai đứng ra chi trả hết viện phí hộ khiến tôi xấu hổ. Tôi rất ngại mắc nợ người khác nên luôn thanh toán mọi cuộc vui rất sòng phẳng, tôi cũng ghét bị mang tiếng “đào mỏ” nên suốt mấy năm yêu nhau chẳng bao giờ tôi xin xỏ hay đòi người yêu phải móc ví ra cho mình.

Sau khi về nhà tôi đã suy nghĩ rất nhiều. U40 rồi mà tôi chả có mục đích gì rõ ràng trong cuộc sống, muốn mua nhà mua xe nhưng tự biết khả năng nên vẫn nằm trong danh mục “ước mơ”. Chuyện kết hôn thì chưa tính tới bởi tiền cũng chả có, đẻ thêm đứa con thì tôi cũng chưa biết sẽ nuôi nó kiểu gì?!?

Rồi tự dưng tôi lo lắng khi nghĩ đến tương lai 20 năm nữa, khi mình bước vào tuổi trung niên. Nếu vẫn sống như bây giờ thì tôi sẽ không có ai chăm sóc khi ốm đau bệnh tật, đến lúc già cũng chẳng có xu nào phòng thân. Muốn đi viện dưỡng lão cũng không có tiền, và xa xôi hơn thì có khi quan tài cũng phải người khác mua hộ mất!

Và thế là tôi nghiêm túc chấn chỉnh lại thói quen chi tiêu ngay và luôn. Mục đích đầu tiên để tôi tiết kiệm tiền chính là hoàn trả lại bạn trai số tiền viện phí. Dù anh ấy không hề đòi nhưng tôi coi như đó là thử thách quan trọng tuổi 30.

Tôi cứ nghĩ thật khó để làm được điều đó, nhưng không ngờ chỉ sau 6 tháng tôi đã tích cóp đủ mục tiêu và còn dư được một ít nữa. Tất cả là nhờ 5 nguyên tắc tôi tự đặt ra cho chính mình, có bạn trai hỗ trợ “giám sát” nhắc nhở.

Không dùng thẻ tín dụng

Nhiều lần tôi có ý định mở thẻ tín dụng bởi những lợi ích hấp dẫn mà nó mang lại. Thậm chí tôi đã viết được nửa bản đăng ký thông tin vì một chiếc thẻ liên kết với tài khoản mua sắm trên sàn thương mại, với ưu đãi hoàn trả tiền vô cùng hay ho. Hơn nữa thẻ tín dụng có thể giúp tôi chủ động tự giải quyết vấn đề khi gặp sự cố thiếu tiền giống lúc thanh toán viện phí. Nhưng may mắn là tôi đã kiềm chế được và trung thành với cái thẻ ATM từ hồi sinh viên. Không có món nợ nào treo trên đầu mỗi tháng, và tôi cũng không rơi vào cảnh vay mượn lung tung lấy chỗ nọ đập chỗ chai như các đồng nghiệp “nghiện” thẻ tín dụng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cắt giảm hoàn toàn đồ uống ngoài

Tôi đã đọc vô số bài viết về chủ đề “tiết kiệm tiền triệu sau khi bỏ trà sữa”. Tôi đã coi thường những thông tin đó, thậm chí còn gửi cho bạn trai xem và cười cợt rằng tiền mua trà sữa không thể tốn kém như vậy được. Tiệm trà sữa giờ nhan nhản ra, 15k cũng mua được một cốc. Cứ cho là ngày nào cũng uống thì một tháng cũng chưa tiêu nổi 500k.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 Nhưng rồi từ khi kiểm soát lại chi tiêu, tôi ghi chép các khoản mình bỏ ra trong ngày và những con số đã “vả” vào mặt tôi đau điếng. Tôi đam mê uống trà trái cây cùng các loại trà detox. Giá mỗi ly trung bình là 35-50k. Có những hôm tôi uống hẳn mấy cốc, nào là mua sáng đem lên công ty, trưa đi “chém gió” ở tiệm cafe với đồng nghiệp, và tối đi hẹn với bạn trai. Riêng tháng đầu tiên ghi chép lại tôi đã sốc khi biết mình bỏ ra hơn 3 triệu cho đống ly trà!

Tiết lộ cho mọi người rằng tiền thuê nhà của tôi khoảng 3,5 triệu/tháng. Dẹp mớ trà pha ngoài quán đi thì tôi đủ trả tiền cho cái phòng rộng 25 mét vuông của mình rồi! Muốn lành mạnh thì tôi vẫn có thể uống trà tiếp, nhưng tôi chọn mua hộp túi lọc hơn 30k trong siêu thị cho lành.

Ngừng mua đồ chơi, quần áo cho cún cưng vô tội vạ

Ai yêu thú cưng như tôi thì đều thích mua sắm đủ thứ cho chúng. Từ snack ăn vặt, ổ nằm, thảm lông… cho đến quần áo, phụ kiện của cún cưng tôi đều không tiếc tay đặt mua. Tôi “chê” các shop bán đồ chó mèo đắt nên toàn đặt trên mạng, đơn gom nhiều thì ship nước ngoài còn được miễn phí nữa.

Thế là tôi cứ “săn” mũ 35k, ổ bông 260k, thảm lót 40k, áo lỗ mùa hè đồng giá 20k, áo khoác mùa đông 120k, súp thưởng 59k/bịch… và ti tỉ thứ khác cho em cún. Đồ xinh xắn không chịu được, mặc cho nó xong chụp đăng lên mạng ai cũng khen nên tôi lại càng thích mua.

Kết quả bây giờ đống đồ của bé cún cũng nhiều không kém chủ nó. Tôi nhường hẳn ⅓ tủ quần áo cho bé. Rồi đến lúc đếm cộng đơn hàng tôi đã mua cho nó thì ngã ngửa. Tổng tiền 1 tháng shopping cho chó đã khiến ví tôi “bốc hơi” hơn 1 triệu đồng! Tưởng 20, 30k là rẻ nhưng gom lại thì không tin nổi.

Từ bỏ suy nghĩ mua đồ trái mùa là rẻ

Đây là một cái bẫy tiêu tiền mà tôi nghĩ rất nhiều người mắc phải như mình. Cứ nửa đêm lướt mạng thấy các shop phát livestream “xả hàng, xả kho, xả lô mùa cũ, thanh lý đồ đông giá siêu rẻ”... là tôi bấm vào xem cho vui. Đang mùa hè mà “quất” được cái áo len 80k hoặc áo khoác dày chỉ 100k, rồi bốt len, quần xù… cũng thích lắm chứ. Mua xong háo hức chờ trời lạnh để được mặc.

Nhưng các bạn biết không. Khi lôi đồ ra vào đúng ngày rét thì kết quả cực kỳ vỡ mộng. Áo len bị lỗi mà tôi không chú ý, áo khoác thì không phối được với các món khác. Quần lông cũng bị chật do tôi tăng cân, giày bốt thì cất lâu trong tủ nên bị ẩm mốc, nổ da, gián làm tổ trong ấy nữa.

Tôi phải vứt đi kha khá đồ săn sale trái mùa, và nhận ra bài học mình đã tiêu phí tiền triệu cho những món sai thời điểm, vô tích sự.

Không cần biết lương bao nhiêu, cứ "ting ting" là cất riêng 2 triệu

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều người tiết kiệm được 5 triệu, 10 triệu, 50 triệu mỗi tháng nhưng với thu nhập cá nhân thì tôi chỉ để dành được khoảng 2 triệu. Trừ tiền nhà, điện nước đi thì tôi vẫn có chừng 7 triệu để tiêu. Bạn trai thi thoảng chủ động cho thêm một ít nữa nên không sợ thiếu thốn.

Tôi chọn gửi tiết kiệm online chính trên tài khoản ngân hàng đang dùng. Tuy lãi suất không cao nhưng cuối kỳ 6 tháng rút ra tôi cũng có thêm vài trăm nghìn. Khá hời đó chứ.

Tổng kết tình tài chính sau 6 tháng tiết kiệm

Đều đặn nửa năm cất tiền đi, thi thoảng có thêm chút tiền thưởng phát sinh trong công việc tôi cũng bỏ vào tiết kiệm. Thế là tôi có gần 20 triệu phòng thân. Một con số chưa từng có trong tay! Tôi nhận ra tiết kiệm cũng không khó lắm, suốt bao lâu nay tôi quá chiều chuộng bản thân nên lãng phí khá nhiều tiền do mình kiếm ra.

Hiện tại tôi cảm thấy hạnh phúc khi không phải nhìn tài khoản cuối tháng chỉ có 50 nghìn đồng nữa. Tuy khoản tích cóp chưa lớn và chả thấm vào đâu khi so với người khác, nhưng mẹ và bạn trai đã động viên tôi rất nhiều. Kết thúc năm 2023 này tôi đã đạt thêm mục tiêu mới: tự mua chiếc laptop mới mà không cần vay mượn ai.

2024 sắp đến rồi, năm sau tôi nhất định sẽ đổi chiếc xe ga mới và phấn đấu mua được chiếc ô tô trước khi lấy chồng!

Tiểu Ngạn

2024, cơ hội để 'săn' bất động sản giá hời ở Trung Quốc?

2024, cơ hội để 'săn' bất động sản giá hời ở Trung Quốc?

Thị trường bất động sản thương mại đang gặp khó khăn của Trung Quốc dự kiến sẽ thu hút nhiều người săn giá hời hơn trong năm nay sau khi giá cả bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế chậm lại và nguồn cung dồi dào.