Chúng ta có xu hướng nhìn vào những vật ngoài thân để ngầm đoán định tình hình tài chính của một người, nhưng gần đây, tôi mới nhận ra rằng đây mới là 3 thứ cốt lõi phản ánh đúng về tương lai tài chính của một người.
Nói cách khác, tương lai dư dả hay khó khăn, phần lớn đều do 3 thứ này quyết định.
1 - Thói quen tiêu dùng và ý thức tiết kiệm
Chúng ta đang sống trong thời đại mà có vẻ mọi dịch vụ, mọi tiện ích đều ra sức mời gọi chúng ta chi tiền. Dùng thẻ tín dụng để thanh toán sẽ được giảm giá, hay cả chuyện mua trước trả sau,... Đương nhiên chúng đều là những phương tiện hữu dụng trong nhiều trường hợp, khi bạn bắt buộc phải sắm sửa thứ này thứ kia mà chưa có đủ tiền.
Nhưng mặt trái của những sự thuận tiện ấy chính là dễ đẩy chúng ta vào trạng thái ỷ lại trong việc chuẩn bị tiền bạc để phục vụ các nhu cầu trong tương lai. Bên cạnh đó, thẻ tín dụng còn dễ tạo ra ảo tưởng dư dả, khi hạn mức thẻ tín dụng thường cao gấp nhiều lần thu nhập trung bình mỗi tháng.
Ảnh minh họa |
Chính bởi vậy, nếu không có thói quen tiêu dùng tốt, hợp lý và ổn định; cùng với kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm rõ ràng, chúng ta rất dễ rơi vào tình trạng nợ nần không hồi kết. Tôi biết không ít người sẵn sàng mua một chiếc túi xách bằng cả tháng tiền lương, chỉ vì thẻ tín dụng của họ vẫn còn hạn mức. Họ chi tiêu, mua sắm, dùng tiền trong thẻ tín dụng để phục vụ các nhu cầu không thực sự cần thiết, mà không lên kế hoạch thanh toán, trả nợ. Điều này cực kỳ tai hại, không khác gì mồi lửa khiến sức khỏe tài chính trong tương lai lụi tàn.
2 - Mua sắm bừa phứa
Trước đây, tôi là một người nghiện mua sắm. Tôi không thể ngồi yên mà không chốt đơn trong các dịp lễ lớn, các mùa siêu sale, dù bản thân tôi không thiếu quần áo để mặc, đồ trang điểm hay đồ skincare đủ dùng cho cả 1 năm tiếp theo. Tôi vốn đã không sử dụng và tận dụng được hết những món đồ mình đang có, nhưng đồng thời, tôi vẫn chìm đắm vào cuộc đua “săn sale”.
Thói quen này không chỉ gây lãng phí tiền bạc, mà còn còn khiến cuộc sống lẫn không gian sống của tôi ngày càng bừa bộn hơn.
Cho đến khi không còn đủ chỗ để nhét đống đồ đã mua, tôi mới bắt đầu từ bỏ thói quen mua sắm bừa phứa, và biết suy nghĩ để xác định tính cần thiết của việc sắm từng món đồ, dù lớn dù nhỏ.
Ảnh minh họa |
Bây giờ, tôi gần như không còn mua sắm bốc đồng nữa. Sự thay đổi này giúp cuộc sống của tôi gần như sang một trang mới, trong túi có tiền, trong nhà thoáng đãng và gọn gàng. Việc từ bỏ một thói quen cố hữu không đơn giản, nhưng khi đã làm được, tôi khá chắc rằng cuộc sống của bạn sẽ đạt tới trạng thái tích cực đến mức bạn không thể tưởng tượng nổi.
3 - Lên kế hoạch, mục tiêu tài chính trong dài hạn
Tôi nhận ra những người có thói quen “kiếm bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu” đều có 1 điểm chung: Họ không nghĩ quá nhiều về tương lai, cũng không nghĩ tới những viễn cảnh có vẻ hơi tiêu cực (như thất nghiệp, ốm đau, hết tiền,...) để lấy đó làm động lực tiết kiệm.
Bởi vậy, chỉ cần có một biến cố nhỏ như hỏng điện thoại chẳng hạn, họ cũng dễ rơi vào cảnh thiếu thốn, loay hoay vay mượn để khắc phục.
Đến đây, có lẽ, chúng ta đều hiểu tầm quan trọng của việc lên kế hoạch, mục tiêu tài chính trong dài hạn.
Những người dư dả và có cuộc sống đủ đầy mà tôi biết thường lên kế hoạch, thiết lập mục tiêu tài chính cho bản thân trong vòng 5-10 năm tới, thậm chí, họ đã chuẩn bị tài chính cho lúc bản thân nghỉ hưu, dù hiện tại còn chưa bước qua tuổi 40.
Ảnh minh họa |
Có mục tiêu và kế hoạch tài chính rõ ràng, hiểu rõ những gì bản thân muốn đạt được trong từng giai đoạn của cuộc sống, và kiên tâm theo những điều đó, chính là động lực tiết kiệm bền vững nhất. Đương nhiên, việc này, chúng ta phải tự suy ngẫm, tự làm chứ chẳng ai có thể làm giúp chúng ta được cả.
Mỗi người một cuộc sống, một hoàn cảnh, một mục tiêu khác nhau nhưng người tiến bộ nhanh nhất chính là những người hiểu rõ bản thân họ muốn gì, và phải làm gì để không “trật khỏi đường ray” do chính mình tạo ra.
Ly hôn lần đầu vì áp lực kinh tế, đến khi tiền bạc dư dả thì người vợ sau lại đòi hỏi thứ khác
Tôi phải làm gì để hài lòng vợ đây?