Người dùng giảm mua điện thoại, điện máy vì COVID-19, Thế Giới Di Động đẩy mạnh bán đồng hồ, rau cá cứu doanh thu

Quý III là mùa thấp điểm với các sản phẩm điện tử tiêu dùng, Thế Giới Di Động đang xoay xở cứu doanh thu hai chuỗi điện thoại và Điện Máy Xanh.

Theo báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm 2020 do Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ - mã: MWG) vừa công bố, doanh thu tháng 7 của tập đoàn giảm 7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 8.669 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho rằng kết quả này phản ánh tác động của COVID-19 lên nhu cầu mua sắm các sản phẩm điện thoại, điện máy. 

Tuy nhiên, so với tháng 6/2020, doanh thu tháng 7 đã tăng gần 6%, nhờ sự gia tăng doanh thu đáng kể của chuỗi Bách Hóa Xanh. Lợi nhuận sua thuế riêng tháng 7/2020 đạt 327 tỷ đồng, tăng 7,5% so với tháng trước và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, Thế Giới Di Động đạt doanh thu thuần hợp nhất 64.308 tỷ đồng (tăng 6%), lợi nhuận sau thuế giảm 2%, còn 2.353 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp đã hoàn thành 58% kế hoạch doanh thu và 68% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Thế Giới Di Động xoay đủ cách cứu doanh thu cửa hàng điện thoại và Điện Máy Xanh

Sức mua yếu, Thế Giới Di Động tìm đủ cách tăng doanh thu cho cửa hàng điện thoại và Điện Máy Xanh. Ảnh: Nguyên Phương
Sức mua yếu, Thế Giới Di Động tìm đủ cách tăng doanh thu cho cửa hàng điện thoại và Điện Máy Xanh. Ảnh: Nguyên Phương

“Theo chu kỳ kinh doanh, quý III là mùa thấp điểm nhất đối với các sản phẩm điện tử tiêu dùng. Bên cạnh đó, làn sóng COVID-19 lần thứ hai cũng ảnh hưởng tiêu cực tới thu nhập của người dân”, đại diện tập đoàn nhận định.

Do đó, ngay từ khi bước sang tháng đầu tiên của quý III, Thế Giới Di Động cho hay tập đoàn đã  tăng cường “sức đề kháng” cho hai chuỗi điện thoại  và Điện Máy Xanh.

Tính đến hết tháng 7, số lượng cửa hàng điện thoại thegioididong.com là 966 cửa hàng, Điện Máy Xanh là 1.065 cửa hàng.

Tập đoàn đã hoàn tất nâng cấp layout khu sản phẩm gia dụng cho toàn bộ khoảng 300 cửa hàng Điện Máy Xanh lớn. Ngành hàng gia dụng với biên lợi nhuận gộp cao đang đóng góp 9% tổng doanh thu hai chuỗi này, tương đương 4.775 tỷ đồng.

Đồng thời, nhà bán lẻ này cũng đang thử nghiệm mô hình Điện Máy Xanh supermini với 9 cửa hàng rộng 120-150 m2 tại tỉnh Tiền Giang. Hiện các cửa supermini đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/tháng và mang lại lợi nhuận khả quan nhờ tối ưu được chi phí hoạt động.

Bí quyết là chi phí mặt bằng cho mô hình này chỉ bằng 1/4, chi phí nhân sự chỉ bằng 1/3 so với 1 cửa hàng Điện Máy Xanh mini, tiết kiệm nhiều chi phí quản lý, logistics do tận dụng hệ thống sẵn có của Điện Máy Xanh mini.

Một kế hoạch đáng chú ý khác là hoàn thành kế hoạch 500 cửa hàng kinh doanh đồng hồ. 

“Thế Giới Di Động hiện tại là nhà bán lẻ đồng hồ số 1 Việt Nam về số lượng điểm bán, với danh mục gần 4.000 mẫu sản phẩm. Lũy kế 7 tháng đầu năm, ngành hàng này đóng góp hơn 750 tỷ đồng (gần bằng doanh số cả năm 2019 là 800 tỷ đồng)”, báo cáo cho biết.

Đồng thời, tập đoàn cũng nâng số điểm bán laptop lên 770 cửa hàng (bao gồm 28 trung tâm laptop), ngành hàng này mang về gần 1.900 tỷ đồng doanh thu trong 7 tháng 2020, tăng 77% so với cùng kỳ 2019.

Thế Giới Di Động tự tin với chiến lược Bách Hóa Xanh + 1 nhà thuốc An Khang

Thế Giới Di Động tự tin với chiến lược Bách Hóa Xanh + 1 nhà thuốc An Khang. Ảnh: Nguyên Phương
Thế Giới Di Động tự tin với chiến lược Bách Hóa Xanh + 1 nhà thuốc An Khang. Ảnh: Nguyên Phương

Về Bách Hóa Xanh, doanh thu chuỗi này trong tháng 7 tăng trưởng đến 80% so với cùng kỳ và tiếp tục tăng 12% so với tháng trước. Lũy kế 7 tháng đầu năm, chuỗi mang lại 11.254 tỷ đồng, đóng góp 17,5% vào cơ cấu doanh thu. Doanh thu bình quân trên mỗi cửa hàng tại thời điểm cuối tháng 7 khoảng 1,2 tỷ đồng.

“Sau khi hoàn thành mục tiêu mở mới nhanh và tăng độ phủ, từ tháng 7/2020, Bách Hóa Xanh sẽ tập trung nâng cao chất lượng doanh thu, gia tăng doanh số bình quân trên mỗi cửa hàng, trong khi việc mở mới sẽ ở mức vừa phải”, tập đoàn cho hay.

Song song đó, trong báo cáo mới nhất, mô hình “cửa hàng Bách Hóa Xanh 5 tỷ” cũng đã phát huy hiệu quả.

Tới cuối tháng 7, đã có 12 cửa hàng “5 tỷ” từ việc nâng cấp các cửa hàng hiện hữu có doanh số cao. Kết quả là đã có cửa hàng vượt mức doanh thu 4,5 tỷ đồng ngay trong tháng 7. 

Đặc điểm của cửa hàng này là có diện tích khoảng 500 m2, có sức chứa 6.000-8.000 mã hàng, lượt giao dịch lên tới 1.000-1.400 lượt/ngày/cửa hàng, cao hơn nhiều so với mô hình Bách Hóa Xanh hiện tại. Tập đoàn đặt mục tiêu doanh số của cửa hàng này là 5 tỷ đồng mỗi tháng.

Cũng tại báo cáo mới nhất, doanh nghiệp tiếp tục nhắc đến mô hình “cửa hàng Bách Hóa Xanh 5 tỷ” + 1 nhà thuốc An Khang. Theo đó, tập đoàn đang tính đến việc  dùng 20-30 m2 của cửa hàng Bách Hóa Xanh cho nhà thuốc An Khang, tái khởi động chuỗi dược phẩm sau hơn 2 năm bất động.

Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư vừa diễn ra cách đây ít ngày, CEO TGDĐ Trần Kinh Doanh cũng tin tưởng về tương lai chuỗi dược phẩm An Khang: “Một cửa hàng (Bách Hóa Xanh 5 tỷ) tạo ra lưu lượng 1.000 người lui tới mỗi ngày thì có thể bán bất cứ thứ gì. Tôi tin nhà thuốc mở ra, ngay lập tức cho 100-150 hoá đơn thành công mỗi ngày, doanh thu 200-300 triệu đồng”.

NGUYÊN PHƯƠNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương