“Người phụ nữ tên lửa” giúp Ấn Độ làm nên lịch sử với tàu khám phá Mặt trăng

Bà Srivastava được ưu ái gọi với biệt danh “Người phụ nữ tên lửa” vì khả năng lãnh đạo và đóng góp to lớn cho các dự án lớn của ISRO.

Trạm đổ bộ Vikram của tàu Chandrayaan-3 hạ cánh thành công xuống khu vực gần cực nam Mặt Trăng lúc 19h34 ngày 23/8 (giờ Hà Nội). Thành công này đưa Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên đến được cực nam của vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất. 

  Mô phỏng trạm đổ bộ Vikram và robot Pragyan trong nhiệm vụ Mặt Trăng Chandrayaan-3. Ảnh: ISRO

Mô phỏng trạm đổ bộ Vikram và robot Pragyan trong nhiệm vụ Mặt Trăng Chandrayaan-3. Ảnh: ISRO

Được biết, dự án Chandrayaan-3 được phát triển với vốn đầu tư khoảng 75 triệu USD. Đây là sứ mệnh lớn đầu tiên kể từ khi chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi công bố các chính sách thúc đẩy đầu tư cho hoạt động chinh phục không gian do tư nhân thực hiện, cũng như những mô hình kinh doanh liên quan đến phát triển và phóng vệ tinh.

Sứ mệnh Chandrayaan-3 có sự tham gia của đông đảo chuyên gia là phụ nữ, trong đó cókhoảng 54 nữ kỹ sư và nhà khoa học. Họ đảm nhiệm các vai trò là trợ lý và phó giám đốc dự án, cũng như quản lý dự án của các hệ thống khác nhau, làm việc tại các trung tâm khác nhau. Bà Ritu Karidhal Srivastava là một trong số nhà khoa học cấp cao Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đang dẫn dắt sứ mệnh Chandrayaan-3. 

Bà Srivastava được ưu ái gọi với biệt danh “Người phụ nữ tên lửa” vì khả năng lãnh đạo và đóng góp to lớn cho các dự án lớn của ISRO. Bà Srivastava có thâm niên làm việc tại ISRO trên 25 năm và từng là thành viên chủ chốt trong nhiều sứ mệnh không gian lớn. 

  Tiến sĩ Srivastava bên chồng và hai con.

Tiến sĩ Srivastava bên chồng và hai con.

TS Srivastava giữ chức giám đốc sứ mệnh của Chandrayaan-2 và phó giám đốc điều hành của Mangalyaan - sứ mệnh tàu quỹ đạo sao Hỏa (MOM) của Ấn Độ. Bà tốt nghiệp cử nhân Vật lý của ĐH Lucknow, sau đó nhận bằng thạc sĩ về kỹ thuật hàng không vũ trụ của Viện Khoa học Ấn Độ (IISc). Năm 1997, bà gia nhập ISRO.

Từ khi còn nhỏ bà đã có niềm đam mê với không gian vũ trụ. Bà thường ngắm bầu trời đêm hàng giờ và nghĩ về không gian vũ trụ, về việc Mặt trăng có thể thay đổi hình dạng và kích thước như thế nào. Bà từng thu thập các bài báo về hoạt động không gian và theo dõi các hoạt động của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Bà đã xuất bản hơn 20 bài báo trên các ấn phẩm quốc tế và quốc gia về lĩnh vực này.

Với nhiều năm kinh nghiệm cũng như gặt gái được nhiều thành công, bà Srivastava được coi là hình mẫu cho những phụ nữ mơ ước tạo nên dấu ấn trong lĩnh vực STEM. 

Bà Srivastava từng được cố Tổng thống Ấn Độ Abdul Kalam trao Giải thưởng Nhà khoa học trẻ ISRO năm 2007. Một số giải thưởng khác bà đạt được: Giải thưởng Nhóm ISRO dành cho MOM (2015), Giải thưởng Nhóm ASI, Giải “Những người phụ nữ thành đạt trong lĩnh vực hàng không vũ trụ” (2017) của Hiệp hội Công nghiệp & Công nghệ Hàng không Vũ trụ Ấn Độ. Bà cũng được mời làm diễn giả tại các hội thảo TED và TEDx (viết tắt của Technology, Entertainment, Design - Công nghệ, Giải trí, Thiết kế) để trình bày về thành công của MOM. Srivastava đã có hơn 20 bài báo được xuất bản trên các ấn phẩm trong nước và quốc tế.

Tàu đổ bộ Chandrayaan-3 của ISRO được phóng lên thành công từ trung tâm vũ trụ Satish Dhawan hôm 14/7, vượt qua hành trình dài 300.000km để đến được khu vực cực nam của Mặt trăng. Thành công của Chandrayaan-3 đưa Ấn Độ trở thành nước thứ 4 trên thế giới hạ cánh xuống bề mặt Mặt Trăng, chỉ sau Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc. 

Thanh Mai/Tổng hợp

Nam thần đẹp trai nhất Kpop một thời xuống sắc đến mức khó nhận ra vì bệnh tật?

Nam thần đẹp trai nhất Kpop một thời xuống sắc đến mức khó nhận ra vì bệnh tật?

Những hình ảnh mới nhất của nam ca sĩ này khiến công chúng không khỏi lo lắng.