Nguy cơ lãng quên khi Lịch sử thành môn tự chọn

Sau khi có thông tin môn Lịch sử nằm trong nhóm môn Khoa học xã hội và trở thành môn học tự chọn đã trở thành chủ đề gây tranh cãi.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Bắt đầu từ năm học 2022 - 2023, Bộ GDĐT triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Cụ thể, trong chương trình lớp 10, thay vì học 17 môn, học sinh sẽ chỉ học 12 môn, các môn còn lại các em sẽ được tự do lựa chọn theo sở thích, năng khiếu của mình. Các môn bắt buộc bao gồm Văn, Toán, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh...

Đáng chú ý, môn lịch sử và vật lý vốn được coi là môn trọng tâm, nay được xếp trong danh sách tự chọn. Ngay sau khi thông tin này được đưa ra, đã có nhiều ý kiến tranh cãi trên mạng xã hội...

Nhiều người bày tỏ quan điểm gay gắt.
Nhiều người bày tỏ quan điểm gay gắt.
Nguy cơ lãng quên khi Lịch sử thành môn tự chọn

Cụ thể, nhiều ý kiến cho rằng, không nên xếp lịch sử thành môn tự chọn, vì vốn dĩ lịch sử là môn ít được học sinh yêu thích, do tính ứng dụng không cao, cũng như cách dạy và học lịch sử trong nhà trường hiện này còn thiếu hấp dẫn, chưa thu hút được học sinh. Ngược lại cũng có ý kiến cho rằng lịch sử là môn học không thể thiếu đối với các em học sinh, quan trọng là nên thay đổi phương pháp dạy và học sử sao cho trực quan, hấp dẫn hơn để học sinh hứng thú, thay vì chỉ tập trung học thuộc kiến thức như trước.

Một số ý kiến đóng góp về thay đổi phương pháp giảng dạy.
Một số ý kiến đóng góp về thay đổi phương pháp giảng dạy.

Để tìm hiểu thực tế về vấn đề này PV PNM đã trao đổi trược tiếp một số ý kiến, quan điểm của các em học sinh, cũng như bậc phụ huynh và các thầy cô. 

Em La Quốc Khánh, học sinh trường hữu nghị T78, tại Thọ Lộc, Phúc Thọ, Hà Nội cho biết: "Em thấy môn Lịch Sử thông tin và kiến thức khá nặng, rất khó nhớ. Các bạn học sinh rất ngại học vì phải nhớ rất nhiều sự kiện lịch sử, mốc thời gian… Nếu lịch sử là môn tự chọn thì cá nhân em sẽ không chọn, vì em học tự nhiên Toán, Lý, Hoá. Hơn nữa các ngành nghề hiện tại các bạn trẻ ưu thích cũng thường không áp dụng lịch sử nên em thấy không cần thiết."

Theo ý kiến riêng của em Khánh, môn lịch sử cần học ở cấp I, cấp II về lịch sử Việt Nam thôi, còn lịch sử thế giới chỉ cần nắm sơ bộ thôi, đến cấp III nên tập trung vào các môn trọng tâm thi theo ngành nghề. "Còn nếu bắt buộc thì chỉ cần học đủ điểm qua môn vì đa số học sinh hiện tại đều chọn vậy" - Em Khánh chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Trang, SN 32 tuổi, phụ huynh trường THCS Hoà Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội bày tỏ quan điểm: "Cá nhân tôi thì vẫn cho rằng các con tôi nên và cần biết về lịch sử nhiều hơn. Môn lịch sử giúp cung cấp cho các con những kiến thức nền tảng về lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, ngoài ra còn giáo dục về lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm và sự hy sinh của các thế hệ đi trước. Chúng ta cần giáo dục các con những kiến thức dựa trên nền tảng lịch sử, văn hóa, dân tộc với đạo lý truyền thống tốt đẹp. Thế hệ hôm nay cần được dạy để tôn trọng lịch sử mới có được Việt Nam của hiện tại, một dân tộc với truyền thống bất khuất kiên cường. Nếu mà con em không hiểu biết về lịch sử sẽ gây ra tình trạng thiếu kiến thức, mơ hồ, xuyên tạc về lịch sử".

Anh Hoàng Sơn, 35 tuổi cho hay: "Lịch sử có vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình hình thành phẩm chất, nhân cách, đạo đức chung của học sinh. Vì qua môn lịch sử các em học hỏi từ những người đi trước, được noi gương, từ đó hình thành động lực để có hành động tích cực. Nếu không có lịch sử thì học sinh sẽ thiếu phông văn hóa cơ bản, quên đi lịch sử dẫn đến định hướng sai về mọi mặt. Đồng thời cần phải đổi mới phương thức giảng dạy làm sao cho học sinh dễ hiểu, dễ nhớ hiệu quả nhất". 

Giáo viên Nguyễn Thị Hồng Hải chuyên sử, địa tại trường THCS Thắng Nhì, phường Thắng Nhì, TP Vũng Tàu, tỉnh Vũng Tàu chia sẻ: "Theo quan điểm cá nhân của tôi, nếu lịch sử trở thành môn học tự chọn thì sẽ có một nửa học sinh sẽ không chọn, vì đây là môn học thuộc bài. Mỗi một dân tộc, một đất nước đều có lịch sử. Việt Nam có lịch sử hào hùng chói lọi mà thế giới đều khâm phục. Vậy không nên chọn môn lịch sử thành môn tự chọn vì đây là lịch sử của cả dân tộc phải trải qua bao hy sinh mới có được độc lập, chính vì thế cần phải giáo dục cho học sinh biết cội nguồn của mình, lịch sử thì phải học phải ôn không được lãng quên, nếu không học lịch sử, học sinh cũng như mỗi cá nhân dần mất đi việc tìm về gốc gác, cội nguồn, những quy luật trong đời sống. Hệ luỵ để lại sau mày là vô cùng lớn cần đánh giá đúng giá trị của môn học để có điều chỉnh cho phù hợp. Kính mong Bộ Giáo dục hãy xem xét để đưa ra quyết định đúng đắn nhất".

Bác Hồ đã nói “Dân ta phải biết sử ta, Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, lịch sử làm nên văn hóa dân tộc, quy định bản sắc văn hóa, tâm hồn tính cách dân tộc, phải hiểu, phải biết cho tường tận, cụ thể gốc tích lịch sử nước nhà Việt Nam. Đây không chỉ là lời kêu gọi mà còn là yêu cầu của Bác với toàn thể nhân dân Việt Nam. Ngành Giáo dục nên có định hướng để thế hệ học sinh hôm nay hiểu rõ được lịch sử dân tộc mình. Lịch sử là những gì thuộc về quá khứ, nếu không có quá khứ sẽ không có hiện tại và tương lai, quá khứ luôn là điểm tựa, là bệ phóng cho hiện tại. Bài học từ quá khứ sẽ là hành trang tinh thần cho thế hệ hôm nay cất cánh bay vào tương lai.

Hoàng Toàn

Sự giáo dục khác biệt của các bậc phụ huynh ở đất nước có những đứa trẻ hạnh phúc nhất thế giới

Sự giáo dục khác biệt của các bậc phụ huynh ở đất nước có những đứa trẻ hạnh phúc nhất thế giới

Báo cáo của UNICEF cũng nhấn mạnh rằng không phải tất cả trẻ em sống ở các nước giàu có đều có một tuổi thơ tốt đẹp.