Nhịn tiểu không tốt nhưng đi tiểu ngay khi buồn hóa ra cũng có 3 cái hại

Chúng ta đều biết rằng nhịn tiểu là thói quen xấu nhưng theo chuyên gia thì đi tiểu ngay lập tức khi có cảm giác buồn tiểu cũng không tốt.

Tiến sĩ Hou Zhenbang (Đài Loan, Trung Quốc) nhấn mạnh: “Nhịn tiểu là thói quen xấu nhưng nếu bạn vội vã đi tiểu bất cứ khi nào cảm giác buồn tiểu vừa xuất hiện thì cũng không tốt chút nào. Đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi vì tác hại của nó là về lâu về dài”.

Theo ông, chúng ta đều hiểu rằng nhịn tiểu không tốt nhưng lại không phân biệt được giữa “nhịn tiểu” và “cầm tiểu”. Là một chuyên gia về tiết niệu, ông cho rằng “cầm tiểu” là cần thiết, tức là không đi tiểu ngay lập tức hay bất khi nào vừa dấy lên cảm giác buồn tiểu mà cần cầm chừng có giới hạn, nói cách khác là lưu trữ nước tiểu một cách có chủ đích và thời gian.

  Cần phải khẳng định rằng nhịn tiểu là thói quen xấu dẫn tới nhiều bệnh tật (Ảnh minh họa)

Cần phải khẳng định rằng nhịn tiểu là thói quen xấu dẫn tới nhiều bệnh tật (Ảnh minh họa)

“Bàng quang khỏe mạnh phải có chức năng lưu trữ nước tiểu bình thường. Nghĩa là nó phải được dung nạp ở mức độ vừa phải và để bàng quang thực hiện chức năng lưu trữ nước tiểu. Thực tế, hầu hết bàng quang của con người bình thường có thể chứa được từ 300ml tới tận 1000ml nước tiểu. Nhưng khi bàng quang chứa từ 300 - 500 ml đã là ngưỡng để có kích thích dẫn đến buồn tiểu. Tức là vẫn còn khoảng trống trong bàng quang để lưu trữ thêm.

Tốt nhất là nên đi tiểu khi cảm giác bàng quang đã dung nạp vừa phải, tương đương đầy được 70 - 80%. Đây không phải là nhịn tiểu hay giữ lại nước tiểu quá lâu, mà chỉ là lưu trữ ngắn trong bàng quang khi vẫn còn nên sẽ không gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Ngược lại, nó còn tránh được một số bệnh và tốt cho bàng quang” - Tiến sĩ Hou giải thích.

3 tác hại của việc đi tiểu ngay bất cứ khi nào có cảm giác buồn tiểu

Theo Tiến sĩ Hou, đúng là việc đi tiểu ngay lập tức khi chỉ hơi căng tức bàng quang, cảm giác buồn tiểu rất nhẹ có thể mang tới sự thoải mái về cả thể chất và tinh thần ở giai đoạn đầu, nhưng càng về sau càng gây hại. Ông chỉ ra 3 tác hại lớn nhất của thói quen xấu nhưng nhiều người tưởng tốt này như sau:

Gây cảm giác lo lắng, ảnh hưởng tới hoạt động hàng ngày

Tiến sĩ Hou cho biết: “Việc đi tiểu khi lượng nước tiểu trong bàng quang chưa đạt tới 70%, thậm chí là 50% khiến bạn hình thành thói quen xấu, luôn cảm thấy bồn chồn với cơn buồn tiểu. Sự tập trung của bạn sẽ dồn vào bàng quang 24 giờ một ngày, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Nó cũng làm tăng áp lực tinh thần khi bạn phải lo lắng liên tục rằng mình sắp buồn tiểu chưa hay phải đi tiểu ngay dù đang làm bất cứ việc gì”.

Tính chất nước tiểu, quá trình tiểu bị thay đổi

Tác hại thứ hai của việc vội vã đi tiểu ngay khi cảm giác buồn tiểu tìm đến là làm thay đổi tính chất nước tiểu, quá trình tiểu theo hướng tiêu cực. Theo giải thích của Tiến sĩ Hou, thói quen này khiến bạn dễ tiểu liên tục, tiểu ngay khi dung nạp chất lỏng. Đồng thời, nước tiểu rất ít trong mỗi lần tiểu, cơ bàng quang phải làm việc vất vả hơn, dòng nước tiểu cũng trở nên yếu, loãng và thậm chí nhỏ giọt. Điều này còn làm tăng nguy cơ sót lại nước tiểu, són tiểu và nhiều vấn đề viêm nhiễm, khó chịu khác.

  Đi tiểu vội vã ngay khi hơi buồn tiểu gây hại tới bàng quang và ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày (Ảnh minh họa)

Đi tiểu vội vã ngay khi hơi buồn tiểu gây hại tới bàng quang và ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày (Ảnh minh họa)

Có hại cho bàng quang

Tiến sĩ Hou nhấn mạnh rằng thói quen đi tiểu vội vã ngay lập tức kéo dài lâu ngày thật sự có thể “phá hủy” bàng quang của bạn. Ông nói: “Việc đầu tiên mà thói quen này làm là khiến bàng quang tăng hoạt. Nó làm ngưỡng kích thích của bàng quang giảm dần, chức năng bàng quang cũng theo đó mà suy yếu. Nói một cách đơn giản là dù bàng quang của bạn chứa được 700ml nhưng có thể chỉ cần 50ml nước tiểu trong đó đã khiến cảm giác buồn tiểu bùng nổ và bạn không thể chờ nổi.

Tiếp theo, đi tiểu khi không có đủ nước tiểu trong bàng quang thực sự làm tăng gánh nặng lên cơ bàng quang. Khi còn trẻ, có thể điều này sẽ khó cảm nhận rõ ràng nhưng sau sinh nở, bước sang tuổi trung niên thì bạn sẽ khổ sở vì nó. Do cơ bàng quang yếu nên quá trình tiểu khó kiểm soát theo ý mình hoặc tiểu rắt, đau buốt khi tiểu, mất nhiều thời gian cho mỗi lần tiểu…

Cuối cùng, khi gánh nặng lâu dài lên cơ bàng quang tăng lên sẽ gây tổn thương bàng quang, độ giãn kém và xơ hóa mãn tính cùng nhiều bệnh lý khác. Kéo dài quá lâu còn có thể liên đới tới hệ tiết niệu, đặc biệt là thận và cơ quan sinh dục”.

Nguồn và ảnh: ETtoday, Topick, Family Doctor

Ngọc Ái

Người phụ nữ mắc ung thư bàng quang, không liên quan đến chuyện đi vệ sinh mà do 1 thói quen làm đẹp

Người phụ nữ mắc ung thư bàng quang, không liên quan đến chuyện đi vệ sinh mà do 1 thói quen làm đẹp

Thói quen làm đẹp được nhiều người, cả nam lẫn nữ ưa chuộng này có thể là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh ung thư bàng quang.