Chứng nghiện cắn móng tay có phải do rối loạn tâm thần?
Theo báo Tiền Phong, để lý giải tại sao nhiều người có thói quen cắn móng tay quả là rất khó vì đó là một vấn đề ảnh hưởng bởi khá nhiều yếu tố. Nhưng thông thường những người hay cắn móng tay có những biểu hiện chung như rơi vào tình trạng bất an, lo lắng, căng thẳng, stress kéo dài, thậm chí rối loạn cảm xúc.
Với những người cắn móng tay chỉ để thỏa mãn hay giải tỏa stress, căng thẳng thì cắn móng tay giúp họ được thoải mái tạm thời. Nhưng hành vi đó không làm họ thỏa mãn lâu dài, thậm chí có thể làm gia tăng lo âu. Còn đối với người rối loạn tâm thần ở mức độ nặng thì cắn móng tay như một biểu hiện của hành vi cần phải can thiệp.
Theo cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5) của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ cho rằng cắn móng tay là một rối loạn hành vi lặp đi lặp lại tập trung vào cơ thể được liệt kê trong chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Những hành vi kiểu này có thể làm gián đoạn hoạt động hàng ngày và tương tác cá nhân của một người. Việc không thực hiện hành vi cưỡng chế sẽ gây ra sự khó chịu.
Các rối loạn khác mà người cắn móng tay cũng có thể mắc phải bao gồm:
+ Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)
+ Rối loạn trầm cảm nặng (MDD)
+ Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
+ Rối loạn thách thức chống đối
+ Rối loạn lo âu chia ly
+ Hội chứng Tourette
Tuy nhiên, mọi người cần lưu ý, không phải ai mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế cũng cắn móng tay. Tương tự, cắn móng tay không có nghĩa là bạn mắc chứng rối loạn tâm lý này. Để có thể xác định đúng nguyên nhân gây ra tình trạng nghiện cắn móng tay, người bệnh nên đến cơ sở y tế gặp bác sĩ để được tư vấn.
Ảnh minh hoạ |
Còn có các nguyên nhân khác dẫn đến nghiện cắn móng tay. Cụ thể:
Nhàm chán
Một bài báo của Scientific American xuất bản năm 2015 nói rằng căng thẳng không phải là lý do duy nhất gây ra chứng nghiện cắn móng tay. Sự nhàm chán, buồn chán và thất vọng cũng có thể kích thích nhu cầu làm gì đó thay vì không làm gì cả. Loại hành vi này có thể được thực hiện bởi một người theo chủ nghĩa cầu toàn.
Tập trung
Nhiều khi bạn cũng không nhận ra mình đang cắn móng tay khi quá tập trung vào vấn đề gì. Điều này cũng chưa được lý giải rõ ràng.
Di truyền
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nếu bạn là người hay cắn móng tay thì rất có thể bạn đã học thói quen này từ cha mẹ hoặc di truyền chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế từ gia đình.
Cắn móng tay có tác hại như thế nào?
Theo thông tin từ bác sĩ Vũ Khanh trên báo Sức khoẻ và đời sống, tật cắn móng dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như tâm trạng bất an, căng thẳng, stress kéo dài hay rối loạn cảm xúc. Ở những trẻ tự kỷ cũng thường xuyên có biểu hiện cắn móng tay, thậm chí là cắn cả tay.
Tác hại của việc cắn móng tay thường xuyên:
Nhiễm trùng
Nếu bạn cắn móng đến một mức độ nào đó thì phần da nhạy cảm dưới móng sẽ bị phơi nhiễm với vi khuẩn hoặc mầm bệnh trong miệng, trong khi miệng chứa rất nhiều vi khuẩn. Ngay cả khi bạn thường xuyên rửa tay thì dưới móng tay có rất nhiều chủng vi khuẩn khác tích tụ.
Viêm răng lợi, miệng
Khi đưa móng tay vào miệng cắn còn tạo điều kiện cho vi khuẩn di chuyển từ móng tay vào khoang miệng, từ đó gây nhiễm trùng răng lợi, viêm họng. Mặt khác khiến răng của bạn bị tổn thương như sứt mẻ răng, biến dạng răng, răng mọc lộn xộn không đều…
Cắn móng tay thường xuyên làm các vi khuẩn từ móng tay được gieo rắc vào răng lợi gây viêm nhiễm và đau nhức lợi.
Dễ mắc bệnh viêm mé
Bệnh viêm mé, dân gian hay gọi là chín mé (tên khoa học là Paronychia) là bệnh gây nhiễm trùng phần mềm xung quanh móng tay. Bệnh gây sưng đỏ, đau nhức, tích mủ, điều trị bằng phẫu thuật trích rạch ổ viêm phối hợp với dùng thuốc kháng sinh và kháng nấm.
Dị dạng móng tay
Nếu duy trì thói quen cắn móng tay lâu dài không thể kiểm soát, móng tay của bạn sẽ dần bị hỏng lớp mô phía dưới và có thể bị biến dạng móng vĩnh viễn. Lúc này, móng tay sẽ trở nên gồ ghề, tồn tại những vết hằn sâu vô cùng mất thẩm mỹ khiến bạn tự ti. Kèm theo hiện tượng này là móng tay của bạn sẽ không thể mọc tự nhiên được nữa.
Mắc bệnh giun sán
Khi cắn móng tay, chúng ta vô tình đưa vi khuẩn vào miệng, dẫn đến nguy cơ nhiễm giun sán và các bệnh nhiễm trùng đường ruột rất cao.
Các biện pháp giảm thiểu tác hại của cắn móng tay
Bằng cách tìm ra nguyên nhân khiến bạn cắn móng tay, bạn có thể tìm ra cách để tránh những trường hợp này và lập kế hoạch ngăn chặn.
Cách tốt nhất là bạn nên từ bỏ ngay thói quen cắn móng tay thường xuyên bằng cách:
- Rửa tay thường xuyên bằng nước sát khuẩn hay xà phòng.
- Cắt ngắn móng tay.
- Sơn móng tay có vị đắng lên móng tay.
- Làm móng tay thường xuyên. Việc chi tiền để giữ cho móng tay trông hấp dẫn có thể khiến bạn ít cắn chúng hơn.
- Hãy thay thế thói quen cắn móng tay bằng một thói quen tốt như chơi một môn thể thoa nào đó, đi ra ngoài gặp bạn bè…
COVID-19 có thể kéo theo một làn sóng bệnh nhân gặp rối loạn tâm thần
Cứ 3 bệnh nhân bình phục sau khi mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thì có 1 người bị chẩn đoán mắc các rối loạn chức năng não.