Những bài đăng trên mạng xã hội thể hiện EQ thấp của cha mẹ, đặc biệt là kiểu thứ 3

Cha mẹ cần làm gương cho con nếu muốn con trở thành những đứa trẻ EQ cao, được nhiều người yêu mến.

Có cha mẹ EQ thấp là trải nghiệm như thế nào? Có người trả lời: "Cha mẹ có EQ thấp chính là rào cản cho sự phát triển của con cái".

Điều này đã khiến không ít bậc phụ huynh giật mình. Quả thực, khi trẻ đang trong giai đoạn hình thành nhân cách, cha mẹ là những người gần gũi nhất với trẻ và cũng là người có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến chúng. Trên thực tế, chính EQ của bạn đã quyết định "điểm xuất phát" của con bạn.

Để nhận biết EQ của bậc làm cha mẹ, ngoài việc trò chuyện trực tiếp còn có một cách khác là theo dõi cách họ sử dụng MXH. Nhiều người cho rằng điểm chung của nhiều phụ huynh EQ thấp chính là thích đăng một số thứ nhất định như dưới đây lên MXH. Bạn thử xem mình có vướng phải điều nào không nhé.

1. Thích khoe của, "flex" sự giàu có

Có câu nói "Khiêm tốn làm người, mạnh mẽ làm việc". Những bậc vương giả có tầm nhìn xa trông rộng thường là những người rất kín tiếng và chỉ kiếm tiền trong thầm lặng.

Tuy nhiên, khi lướt một vòng MXH, chúng ta chẳng khó bắt gặp những bài đăng "flex" xe cộ, nhà cửa, mỹ phẩm, tiệc tùng, thậm chí là một đống tiền… Cuộc sống hàng ngày của họ dường như ngập tràn trong sự xa hoa, sang chảnh. Có lẽ như họ chỉ đang muốn thể hiện rằng "tôi có tiền" cho người khác thấy, nhưng bản chất của con người là "ghen tị". Nếu bạn thỉnh thoảng mới khoe thì không thành vấn đề, còn nếu bạn khoe khoang quá nhiều rất dễ gây phản cảm, thậm chí tạo cảm giác "giả tạo".

Và cha mẹ thích khoe khoang mọi lúc mọi nơi có thể sẽ truyền lại những giá trị không đúng đắn cho con cái.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ví dụ, 10 năm trước, khi trẻ được hỏi về ước mơ, phần lớn các em đều nói muốn trở thành nhà khoa học, nhưng hiện tại, khi nói về ước mơ, lựa chọn đầu tiên của nhiều em lại là trở thành KOL hay Influencer. Bắc Kinh từng tiến hành khảo sát ở nhiều trường tiểu học trong thành phố, kết quả cho thấy 80% học sinh tiểu học mong muốn trở thành người nổi tiếng trên Internet, thậm chí một số phụ huynh còn chủ động đăng ký "lớp đào tạo" cho con mình.

Đối với hiện tượng xã hội này, chuyên gia cho rằng, một phần có thể là do sự trỗi dậy của các nền tảng trực tuyến, một số người thực sự đã kiếm được bội tiền từ mảnh đất này, điều đó khiến các bạn trẻ ngưỡng mộ và mơ mộng mình cũng có thể làm được. Một phần khác có thể là do cha mẹ thường xuyên truyền đạt những giá trị không đúng đắn cho con cái, khiến chúng cho rằng "tiền là trên hết". Thậm chí nếu có tiền, chúng cũng sẽ khoe khoang, check-in sang chảnh… như những người nổi tiếng trên mạng khác.

Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường giáo dục này cũng có thể gặp vấn đề về định hướng giá trị và dễ bị người khác ghét.

2. Thích thiết lập "hình tượng" cho mình

Thiết lập hình tượng là "lớp ngụy trang" của con người hiện đại khi giao du, kết bạn. Với mục đích thể hiện những gì tốt nhất của bản thân trước công chúng, họ thường xuyên thiết lập các tính cách khác nhau cho mình. Trên MXH, bạn có thể dễ dàng bắt gặp bóng dáng của những người như thế, chẳng hạn như một người chồng tốt, một người vợ tốt, một ông bố/ bà mẹ tốt…, nhưng thực tế như thế nào thì chỉ người trong cuộc mới biết.

Chúng ta có thể hiểu được tâm lý của những người này, có thể họ thực sự chỉ mong muốn được công chúng công nhận, hoặc là họ đang tự lừa dối bản thân để sống tốt và rằng họ khao khát được người khác công nhận, thậm chí là ghen tị. Tuy nhiên, trở lại với thực tại, rõ ràng họ là những bậc cha mẹ nóng tính nhưng phải cố giả vờ điềm tĩnh, sáng suốt; rõ ràng là một ông chồng vừa về đến nhà đã nằm kềnh nhưng vẫn phải giả vờ mình là một anh chồng galant, chu đáo. Việc khoác lên mình những tấm mặt nạ khác nhau không chỉ khiến bản thân mệt mỏi mà những đứa trẻ khi chứng kiến cha mẹ diễn kịch hàng ngày, chúng cũng sẽ mệt lây.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

3. Ép buộc đạo đức

Ngày nay, nhiều trẻ em có thể có nhu cầu tham gia các hoạt động hoặc cuộc thi khác nhau, điều đó đồng nghĩa với việc càng ngày càng có các tiết mục "vote" được sinh ra. Các ông bố bà mẹ vì thế mà cũng phải ôm thêm gánh nặng ủng hộ con mình, cố gắng kêu gọi bình chọn theo nhiều cách khác nhau, nào là "Cần lắm 1 vote để…", "Chỉ cần thêm một bình chọn nữa thì…",…

Những cách này xem chừng vẫn còn là nhẹ nhàng, đáng sợ nhất là lôi điều kiện ra ép buộc người khác bình chọn cho con em mình. Chẳng hạn như, nếu không vote sẽ bị block, nếu không vote thì không phải bạn tốt khiến người khác cảm thấy nếu họ không bình chọn tức là họ đang phạm lỗi lớn. Hành động này này thực sự làm người khác phiền không chịu nổi.

Vốn dĩ, việc bình chọn phải theo nguyên tắc tự nguyện. Nếu cha mẹ ép buộc người khác phải bình chọn cho con em mình rồi lấy lý do "chỉ vote một cái có sao đâu", "trẻ con ấy mà, bình chọn cho nó thắng"…, thì thực chất cho thấy EQ của cha mẹ rất có vấn đề. Hơn nữa, cách hành xử đó còn khiến người khác có cảm giác tiêu cực với con cái bạn. Có thể hiểu rằng cha mẹ muốn tốt cho con cái, nhưng điều kiện tiên quyết là bạn phải học cách tôn trọng sự lựa chọn của người khác.

Kết

Nhìn chung, trên đây là 3 nội dung đăng tải trên MXH có thể khiến cha mẹ bị gán mác "EQ thấp". Khi trẻ còn nhỏ, chưa hình thành được khả năng tư duy và hệ thống logic của mình, quan điểm của cha mẹ thực sự sẽ là thứ mở ra cánh cửa cho con, giúp con nhìn ra thế giới bên ngoài. Lời nói và hành động của cha mẹ sẽ quyết định cách trẻ nhìn nhận thế giới, quyết định tầm cao mà chúng có thể đạt được trong tương lai.

Nguồn: Baijiahao

Thiên An

Cha mẹ khôn ngoan sẽ luôn giữ gìn điều này: Đây chính là chìa khóa quyết định vận mệnh con bạn hạnh phúc hay khổ đau!

Cha mẹ khôn ngoan sẽ luôn giữ gìn điều này: Đây chính là chìa khóa quyết định vận mệnh con bạn hạnh phúc hay khổ đau!

Nếu bạn mong muốn con mình có một cuộc sống lành mạnh, tích cực, vui vẻ và phát triển, thì hãy nhớ lấy điều này!